Ba Lan trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga, Moscow tuyên bố đáp trả “thích đáng”

Nhật Minh| 24/03/2022 10:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phản ứng trước việc Ba Lan tuyên bố trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga vì tình nghi hoạt động gián điệp, Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreev cho rằng, việc này sẽ dẫn đến việc quan hệ ngoại giao giữa Moscow với Warsaw “bị xóa sổ trên thực tế”.

Ngày 23/3, báo Kommersant.ru của Nga đưa tin, Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan đã lập danh sách 45 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi điều mà phía nước này cho là “hoạt động gián điệp” và đề nghị Bộ Ngoại giao Ba Lan trục xuất.

Theo người phát ngôn của cơ quan trên Stanislaw Zaryn, đây là “những người hoạt động trong khuôn khổ quy chế ngoại giao, nhưng thực chất là thực hiện các hoạt động tình báo chống lại Ba Lan”.

Danh sách này đã được chuyển cho Bộ Ngoại giao, bao gồm các nhân viên của các cơ quan đặc biệt Nga, cũng như những người hợp tác với họ. Theo người phát ngôn trên, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

ba_lan_nga.jpg
Đại sứ quán Nga tại Ba Lan.

Trong khi đó, theo dữ liệu trên trang web của Đại sứ quán Nga, hiện có hơn 50 nhà ngoại giao đang làm việc tại Ba Lan. Đại sứ Nga tại Warsaw Sergei Andreev đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Ba Lan vào sáng 23/3 về vấn đề này, Cổng thông tin Onet của Ba Lan cho biết.

Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina cũng lưu ý, Warsaw không đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Nga tại Warsaw Sergei Andreev, mối quan hệ giữa Nga và Ba Lan đang ngày càng xấu đi.

“Nếu không phải là chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao, thì thực tế quan hệ này là số không, và chúng ta đang tiến tới điều này nhờ nỗ lực của các “đối tác Ba Lan”, ông Andreev cho biết trên kênh truyền hình Rossiya 24.

Ông Andreev cũng cho biết thêm, Ba Lan tuyên bố sẽ không chấp thuận việc tuyển dụng nhân viên mới để thay thế những người bị trục xuất.

Liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga "sẽ bị đáp trả một cách thích đáng".

Trước đó, Latvia, Litva và Estonia đã trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc có các hoạt động "trái với quy chế ngoại giao của họ". Các nhà chức trách của Bulgaria và Slovakia cũng thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Việc trục xuất các nhà ngoại giao diễn ra trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nga trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ, rút khỏi Hiệp hội Công tố viên quốc tế

Trong một diễn biến khác, ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của phái bộ ngoại giao Mỹ tại Moscow và trao cho ông này một công hàm, trong đó có danh sách các nhân viên ngoại giao Mỹ bị trục xuất. Những người này bị coi là nhân vật không được hoan nghênh.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, động thái trên là đòn trả đũa quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi phái bộ Liên hợp quốc ở New York và một nhân viên Nga khỏi Ban Thư ký Liên hợp quốc hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Trước đó một tuần, Mỹ cũng đã ra lệnh trục xuất nhà ngoại giao cấp cao thứ hai tại Đại sứ quán Nga ở Washington, ông Sergey Trepelkov. Cuối năm 2021, Mỹ đã yêu cầu 27 nhà ngoại giao Nga rời nước này. Trước đó, có khoảng 200 nhà ngoại giao Nga đã làm việc tại Mỹ.

Vào ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trên bờ vực đổ vỡ. Nga cũng đưa ra một tuyên bố gay gắt khác sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dùng những lời lẽ nặng nề để nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cũng trong ngày 23/3, Văn phòng Tổng công tố Nga tuyên bố đã rút khỏi Hiệp hội Công tố viên quốc tế (IAP), Sputnik đưa tin.

igor-krasnov-23322i.jpg
Tổng công tố Nga Igor Krasnov. Ảnh: TASS

Tuyên bố có đoạn: "Tổng công tố Nga Igor Krasnov đã gửi bức thư cho Tổng thư ký IAP Han Moraal về việc Nga rút khỏi hiệp hội này". Theo tuyên bố, trách nhiệm về những hậu quả tiềm tàng khi Nga rút khỏi IAP hoàn toàn thuộc về lãnh đạo của tổ chức này.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông báo đã quyết định tạm dừng mọi hoạt động hợp tác hay hỗ trợ kỹ thuật với Nga, ngoại trừ mục đích viện trợ nhân đạo, do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng bị đình chỉ tham dự một số cuộc họp và hội nghị do ILO tổ chức.

Tổng thống Putin: Phương Tây ra quyết định "trái luật" nhằm đóng băng tài sản của Nga

Sputnik đưa tin, phát biểu tại cuộc họp chính phủ ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nhiều quốc gia phương Tây đã đưa ra các quyết định "trái luật" về cái gọi là đóng băng tài sản của Nga. 

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Nga chuyển các khoản thanh toán nguồn cung khí đốt đối với các nước không thân thiện sang đồng ruble, đồng thời khẳng định việc cung cấp hàng hóa của Nga cho EU và Mỹ cũng như việc thanh toán bằng đồng nội tệ của các nước này là vô nghĩa.

money-euro-coins-paper-banknotes-close-up-view-3120.jpg
Các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến khoảng 415 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng của Nga đã bị đóng băng ở phương Tây.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết nước này sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng và mức giá cố định như quy định trong các hợp đồng trước đó vì Nga coi trọng uy tín của mình.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, nước này đã phong tỏa khoảng 850 triệu euro tài sản của các công dân Nga tại Pháp, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Cuối tuần qua, phát biểu trên kênh truyền hình LCI của Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết, đến nay nước này đã phong tỏa khoảng 150 triệu euro trong các tài khoản ngân hàng của công dân Nga liên kết với các thể chế tài chính của Pháp và 539 triệu euro tài sản cố định (nhà đất và bất động sản) trên lãnh thổ Pháp. Pháp cũng đã đình chỉ hoạt động đối với 2 du thuyền trị giá khoảng 150 triệu euro thuộc sở hữu của người Nga.

Trong khi đó, cùng ngày 23/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố, nước này sẽ cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Thủ tướng Kishida đồng thời khẳng định mong muốn mở rộng hoạt động viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Hôm 18/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 15 cá nhân và 9 công ty của Nga. Tính đến thời điểm đó, Nhật Bản đã áp đặt trừng phạt tổng cộng 76 cá nhân, 7 ngân hàng và 12 công ty của Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Lan trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga, Moscow tuyên bố đáp trả “thích đáng”