AMM-55: ASEAN khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”

Nhật Minh| 04/08/2022 16:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong ngày làm việc thứ ba (4/8) của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55), trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các bên bày tỏ lo ngại trước những phức tạp, căng thẳng đang diễn ra trong khu vực. Các nước ASEAN khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á.

Sáng 4/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 và ASEAN+3, đồng chủ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc nhằm kiểm điểm và đề ra phương hướng thúc đẩy hợp tác.

asean-han-quoc.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đồng chủ trì ASEAN-Hàn Quốc

Các đối tác đều tỏ coi trọng quan hệ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. ASEAN và các đối tác nhất trí đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, phồn vinh là trọng tâm của quan hệ. Theo đó, các bên nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác hướng tới khôi phục toàn diện, bền vững sau dịch bệnh. ASEAN trông đợi các đối tác Đông Bắc Á hợp tác sâu rộng, có chất lượng cao, trong các lĩnh vực như y tế cộng đồng, chuyển đổi số, công nghệ sáng tạo, hạ tầng thông minh, chất lượng nhân lực, phát triển xanh, bền vững. Các nước mong muốn tăng cường hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững đại dương, và các nguồn tài nguyên biển.

asean-3.jpg
Đại diện các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các bên bày tỏ lo ngại trước những phức tạp, căng thẳng đang diễn ra trong khu vực. Bởi vậy, các nước đều cho rằng cần hết sức kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng bất lợi tới môi trường hòa bình, ổn định của khu vực. Các nước ASEAN cũng khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và nhân đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, hướng tới chất lượng trong các cơ chế hợp tác khu vực. Bộ trưởng cho rằng, các cơ chế ASEAN đang phát huy tác dụng, đóng góp hiệu quả cho lòng tin và hợp tác khu vực. Bộ trưởng nêu rõ bên cạnh những ưu tiên và trọng tâm về kinh tế, thương mại, các nước cần nêu cao trách nhiệm, tham gia xây dựng vào các quá trình hội nhập, kết nối trong khu vực, đặc biệt là thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng.

asean-han-quoc-2.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị ASEAN-Hàn Quốc.

Bàn về Biển Đông, Việt Nam một lần nữa cùng các nước ASEAN khẳng định lập trường nhiều năm qua, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Hướng tới mục tiêu này, ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Trước những ý kiến lo ngại của các đối tác về tình hình Myanmar, ASEAN cho biết đã có những trao đổi sâu về nội dung này. Theo đó, các nước khẳng định sẽ tiếp tục can dự với Myanmar trên tinh thần ASEAN, nỗ lực tìm biện pháp thực hiện Đồng thuận 5 điểm của Lãnh đạo ASEAN hướng tới cùng Myanmar tìm ra giải pháp cho những khủng hoảng hiện nay.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong tiếp cận vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, nhất là trước những vụ thử tên lửa đạn đạo vừa qua trong khu vực này. ASEAN cho rằng quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược cần dựa trên kiềm chế, tôn trọng lẫn nhau và nhất là cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các nước còn đề cập tới vấn đề các công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại khu vực này.

Tiếp theo các hoạt động trên, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã họp với bà Amanda Milling, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoaại giao Vương quốc Anh. Hai bên nhất trí phối hợp triển khai đầy đủ quan hệ đối thoại ASEAN-Anh mới thiết lập. Các Bộ trưởng thông qua Kế hoạch hành động 2022-2026, ưu tiên tập trung vào thương mại, đầu tư, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững. ASEAN đánh giá cao Anh hỗ trợ 1 triệu Bảng Anh cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và cam kết 4,8 triệu Bảng Anh ứng phó dịch bệnh. ASEAN đề nghị Anh hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên các nước ASEAN.

* Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Bộ trưởng Yoshimasa Hayashi bày tỏ cảm kích trước tình cảm mà Lãnh đạo, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dành cho cố Thủ tướng Abe và đất nước Nhật Bản.

vietnam-nhatban(1).jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. 

Hai Bộ trưởng vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những tiếp xúc cấp cao vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc củng cố tin cậy hai nước. Hai Bộ trưởng nhất trí sẽ tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về những vấn đề cùng quan tâm trong đó có duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực.

Hướng tới chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ, hai Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy tổ chức các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao, tăng cường phối hợp và nâng cao hiệu quả của các cơ chế đối thoại, trong đó có tổ chức Phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật lần thứ 12; triển khai chương trình ODA dành cho Việt Nam; tăng cường phối hợp và chia sẻ lập trường trong các khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, Mê Công…, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh, bền vững của khu vực.

Malaysia đề xuất mở rộng đối thoại giữa ASEAN và Myanmar

Tại các cuộc thảo luận về Myanmar trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các cuộc họp liên quan tại Phnom Penh (Campuchia), Malaysia đã đề xuất cuộc đối thoại giữa ASEAN và tất cả các bên liên quan ở Myanmar được xúc tiến hiệu quả và có tính bao trùm hơn.

malaysia-saifuddin-abdullah.jpg
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah

Trong bản ghi âm được Bộ Ngoại giao Malaysia cung cấp cho các phương tiện truyền thông tối 3/8, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết có thể có một số mục và quy trình nhất định mà các bên liên quan muốn đưa lên bàn đàm phán mà ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi. Ông cũng cho rằng cần tăng cường thực hiện nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm thông qua 1 khuôn khổ với kết quả rõ ràng.

Ngoại trưởng Saifuddin cho biết tất cả các bên liên quan mà ông gặp đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán thúc nhằm đẩy hòa giải và hòa bình. Theo ông, đây là động lực quan trọng nhất cho tất cả những bên tham gia và đó là một bước tiến rất lớn. Liên quan cuộc bầu cử ở Myanmar, quan chức ngoại giao Malaysia cho rằng cuộc bầu cử phải công bằng và tự do, được tất cả các bên liên quan thảo luận và chấp nhận.

Nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm do lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021 nhằm hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình, tham gia hiệu quả hợp tác ASEAN, xây dựng cộng đồng. 5 điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
AMM-55: ASEAN khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”