ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung

Nhật Minh| 03/08/2022 22:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55), các nước nhất trí ASEAN cần phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, hành động thống nhất và phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống.

Thêm 6 nước tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) tại Phnom Penh (Campuchia), với sự chứng kiến của các ngoại trưởng ASEAN, thêm 6 quốc gia đã ký văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), nâng tổng số quốc gia thành viên của Hiệp ước này lên thành 49 nước.

tac.jpg
Thêm 6 quốc gia đã ký văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), nâng tổng số quốc gia thành viên của Hiệp ước này lên thành 49 nước.

Cụ thể, các đại diện của Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã ký văn kiện tham gia TAC.

Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn, người chủ trì AMM-55, cho biết Campuchia rất vinh dự được đăng cai tổ chức lễ ký kết này.

Ông Prak Sokhonn nhấn mạnh, với việc nhiều nước tham gia TAC như vậy cho thấy tầm quan trọng của hiệp ước này với các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương hữu nghị và cùng tồn tại hòa bình.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn nói: "Tôi muốn nhân cơ hội này khuyến khích tất cả các bên tham gia thúc đẩy nỗ lực tối đa nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với ASEAN với tư cách là một tổ chức cũng như với từng nước thành viên ASEAN".

TAC là hiệp ước hòa bình được ký kết năm 1976 giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử về quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy hòa bình, quan hệ hữu nghị và hợp tác vĩnh viễn dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nguyên tắc không can thiệp và giải quyết hòa bình tranh chấp.

Các vấn đề sức khỏe phải tiếp tục là mối quan tâm đối với hợp tác trong ASEAN

Như tin đã đưa, sáng 3/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) đã khai mạc tại Phnom Penh, Campuchia. Với tinh thần “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung”, các nước cam kết nỗ lực triển các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025.

amm55-3(1).jpg
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự phiên khai mạc AMM-55.

Theo đó, các nước thảo luận về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác hàng hải, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng…. Các nước nhất trí ASEAN cần phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, hành động thống nhất và phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống.

Cùng với các nỗ lực phục hồi, các Bộ trưởng nhấn mạnh hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine, củng cố hệ thống y tế; đồng thời, cần chú ý kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng.

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định, các vấn đề sức khỏe phải tiếp tục là mối quan tâm đối với hợp tác trong ASEAN.

retno_marsudi0807.jpg
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. 

Trong phát biểu của mình, bà Retno Marsudi quan ngại những thách thức về sức khỏe sẽ vẫn còn tồn tại trong tương lai. Do đó, việc đảm bảo ASEAN sẵn sàng hợp tác giải quyết những thách thức về sức khỏe hiện tại và trong tương lai là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cũng cho biết, cơ chế ASEAN hiện tại cần được sử dụng một cách tối ưu, trong đó cần tăng tốc hoạt động và đảm bảo sự sẵn có của quỹ cho Trung tâm Y tế công cộng khẩn cấp và các bệnh mới nổi (ACPHEED). Với trụ cột hợp tác là phòng ngừa, phát hiện và ứng phó, ACPHEED sẽ có các trung tâm tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Hiện các phương thức thành lập ACPHEED đang được thảo luận ở ba quốc gia.

Indonesia đề xuất thiết lập diễn đàn đối thoại về nhân quyền thường niên

Cũng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đại diện của Ủy ban Liên chính phủ về Nhân quyền ASEAN (AICHR) cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã đề xuất thiết lập diễn đàn đối thoại về nhân quyền thường niên.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Indonesia, Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh, đối thoại về nhân quyền này nhằm giám sát tình hình nhân quyền, trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện nhân quyền và hỗ trợ công việc của AICHR trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Bà Retno cũng khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực tiếp tục tăng cường hoạt động của AICHR, thông qua việc tăng cường gắn kết với nhiều bên liên quan hơn.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Indonesia cũng cho rằng, một trong những nhiệm vụ cấp thiết của AICHR hiện nay là xử lý vấn nạn buôn người. Thực tế thời gian gần đây, Indonesia đang đàm phán với các cơ quan chức năng Campuchia để giải quyết tình trạng buôn người. Hợp tác tương tự sẽ có lợi hơn nếu nó được tăng cường trong khối.

Indonesia và Campuchia sẽ là đồng chủ nhà của Đối thoại Nhân quyền được tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Duy trì đoàn kết và cân bằng của ASEAN

Chia sẻ nhận định về duy trì đoàn kết và cân bằng của ASEAN, nhất là vai trò “trung gian thực tâm”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khuyến khích các nước kiên trì lập trường chung về Biển Đông, phấn đấu duy trì môi trường thuận lợi cho bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực và hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực như xung đột tại Ukraine, cạnh tranh nước lớn và tình hình Myanmar.

amm55-4.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại phiên khai mạc AMM-55.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta, Bộ trưởng Thương mại quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Amanda Milling trao đổi thúc đẩy hợp tác và phối hợp lập trường tại các Hội nghị.

Với New Zealand, hai Bộ trưởng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, triển khai các cơ chế thường niên; đưa hợp tác kinh tế đạt tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm xứng tầm với quan hệ Đối tác Chiến lược; khôi phục các lĩnh vực hợp tác như giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19...

new-zealand.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn New Zealand hỗ trợ Việt Nam 2 triệu đô-la New Zealand để phục hồi. Bộ trưởng Nanaia Mahuta khẳng định, New Zealand sẽ duy trì ODA và các suất học bổng cho Việt Nam và tăng cường hợp tác tại Mê Công. Hai Bộ trưởng thảo luận thêm về phương hướng phối hợp tại các diễn đàn của ASEAN. Bộ trưởng Nanaia Mahuta mời Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm New Zealand và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất.

Với Canada, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tăng cường hợp tác trong các cơ chế khu vực, trong đó có diễn đàn Khu vực ASEAN, hỗ trợ Mê Công phát triển bền vững... Việt Nam mong muốn Canada hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, viện trợ cho phát triển và các doanh nghiệp Canada tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

canada.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Thương mại quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ, hai bên nhất trí triển khai nhiều biện pháp, trong đó có tăng cường tiếp xúc cấp cao, triển khai các cơ chế đối thoại song phương, tận dụng hiệu quả Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP). Hai Bộ trưởng cũng trao đổi thêm về các biện pháp hỗ trợ Canada tham gia hiệu quả hơn vào hợp tác khu vực.

Với Vương quốc Anh, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ năm 2023.

anh.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Amanda Milling

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Anh ủng hộ Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm G7, hỗ trợ Việt Nam về tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị; mong muốn các doanh nghiệp Anh đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng, dược phẩm, công nghệ thông tin, khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng…

Đáp lại, bà Amanda Milling nhất trí đây sẽ là những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

Ngày mai (4/8), Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các đối tác sẽ tham dự các Hội nghị ASEAN+1 và Hội nghị ASEAN+3.

Trong một diễn biến khác, ngày 3/8, Trung Quốc và Campuchia đã cam kết sẽ duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và chủ động xây dựng cộng đồng chung chia sẻ tương lai giữa hai nước.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Campuchia, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã gửi lời cảm ơn chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Về phần mình, Bộ trưởng Vương Nghị cho rằng, quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Campuchia không chỉ mang đến lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình và ổn định của quốc tế và khu vực. Ông Vương Nghị cũng cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Vương Nghị đang ở Campuchia để tham dự các hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung