Với số lượng hơn 4.500 bị hại rải rác khắp nhiều tỉnh, thành trên cả nước, hơn 1 triệu bút lục và thời gian xét xử kéo dài khoảng 1 tháng, vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng trở thành vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.
Những ngày qua, dư luận đang đặt mối quan tâm đến vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng. Không chỉ các bị hại mà nhiều người dân cũng theo dõi sát sao để nắm bắt thông tin và diễn biến phiên tòa.
Trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, Alibaba được coi là vụ án kỷ lục với nhiều cái “nhất”. Đầu tiên phải kể đến số lượng bị hại, với hơn 4.500 người phân bố ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và các quận, huyện của TPHCM. Với số lượng bị hại như trên, ai cũng có thể tưởng tượng về hậu quả mà Alibaba đã gây ra.
Tuy nhiên, con số trên chỉ là thống kê chưa đầy đủ vì vẫn còn nhiều bị hại chưa ra trình báo bởi họ nghĩ rằng bị cáo đã ra toà thì lấy ai để khắc phục hậu quả, nhiều người khác do số tiền bị lừa không đáng so với công sức bỏ ra để đòi lại nên cũng đành ngậm ngùi cho qua.
Đến nay, Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã hầu tòa nhưng nhiều bị hại vẫn bàng hoàng, họ chưa thể tin một công ty với tầm vóc lớn mạnh như Alibaba lại là công ty lừa đảo.
Vì tin vào Alibaba, nhiều gia đình rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, đất mất, tiền mất, rồi cũng chính những thiệt hại đó làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, nhiều người rơi vào vực thẳm vì đặt niềm tin quá nhiều vào Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và những lời mật ngọt của hệ thống công ty lừa đảo này.
Thứ hai là con số khổng lồ, với hơn 1 triệu bút lục. 1 triệu chỉ gói gọn trong 7 con số nhưng để nói về lượng tài liệu trong hồ sơ vụ án là quá lớn, tính sơ qua về việc thống kê, sắp xếp, chi phí in ấn bút lục cũng là cả vấn đề.
Dù vụ án đã kết thúc điều tra nhưng khoảng một tháng trở lại đây, nhiều bị hại vẫn tiếp tục đến Tòa án để cung cấp các tài liệu và nêu lên yêu cầu của từng người. Nếu thống kê đầy đủ thì có lẽ số lượng người bị hại và bút lục phải nhiều hơn thế.
Thứ ba phải kể đến các chi phí, công tác tổ chức cho phiên tòa kỷ lục này. Nhắc đến đây phải ghi nhận sự nỗ lực của lãnh đạo TAND TPHCM, từ Chánh án Lê Thanh Phong, các Phó Chánh án đến bộ phận văn phòng, các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ, thẩm phán, thư ký, bảo vệ, nhân viên vệ sinh…
Như đã nói, đây là vụ án kỷ lục với nhiều cái “nhất” từ trước đến nay, vì vậy các tình huống phát sinh, sự cố ngoài ý muốn là những điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, TAND TPHCM đã làm tốt từ việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, như phối hợp với Công an TPHCM, cơ quan chức năng Quận 1 để bố trí lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố… nhằm đảm bảo an ninh tại phiên tòa và các địa điểm, tuyến đường trọng yếu xung quanh; phân luồng giao thông, hướng dẫn bị hại trong công tác di chuyển, chỗ đậu xe và hỗ trợ các tình huống khẩn cấp khác.
Bên cạnh đó, TAND TPHCM cũng huy động khoảng 200 người, trong đó có lực lượng Cảnh sát tư pháp, Cảnh sát PCCC, bảo vệ, y tế (chăm sóc sức khỏe cho các bị cáo và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng) túc trực tại chỗ. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, lực lượng y tế của Trung tâm 115 cũng có mặt để kịp thời chăm sóc sức khoẻ cho những người tham dự.
Đặc biệt, Toà cũng trang bị thêm các màn hình, camera, loa phát thanh để truyền các hình ảnh, âm thanh trực tiếp từ phiên tòa ra ngoài sân để các bị hại theo dõi. Đồng thời, phát nước uống miễn phí tại các khu vực diễn ra phiên xử.
Nhìn sơ qua về tính chất, mức độ phức tạp của vụ án cũng có thể hình dung về chi phí để tổ chức và phục vụ phiên tòa. Đến nay, chưa thể thống kê cụ thể nhưng theo TAND TPHCM, con số này lên đến hàng tỷ đồng, từ việc in ấn tài liệu, giấy triệu tập, hướng dẫn gửi đến những người tham gia phiên tòa rồi tất cả các chi phí khác… Dù kinh phí tổ chức rất lớn nhưng phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của những người bị hại.
Để đảm bảo việc tổ chức phiên toà, TAND TPHCM đã dựng 3 nhà bạt lớn với sức chứa phục vụ 2.000 người. Việc thẩm vấn các bị hại được chia ra theo từng khung giờ cụ thể, tránh tình trạng tập trung quá đông và hạn chế thời gian di chuyển. Nhờ vậy mà công tác xét xử trong những ngày qua được đảm bảo, không ghi nhận các vấn đề phát sinh ngoài ý muốn.
Phương châm giải quyết của Tòa trong vụ Alibaba là không để bị hại nào mất quyền lợi hoặc phải khởi kiện một vụ án dân sự khác, vì phải giải quyết bằng một vụ án dân sự nữa thì mất rất nhiều thời gian và công sức của công dân.
Hành trình đòi lại công lý mới chỉ bắt đầu và hàng ngàn bị hại đang chờ đợi bản án công tâm, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật để trừng trị thích đáng những kẻ lừa đảo, bù lại phần nào mất mát do Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã gây ra.