Quốc hội Ai Cập đã thông qua mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 13% được áp dụng ngay trong tài khóa 2016/2017, đồng thời thông báo sẽ nâng mức này lên 14% trong tài khóa tiếp theo. Đây là lần đầu tiên, xứ sở của các Kim Tự Tháp áp dụng thuế VAT.
Sau các cuộc thảo luận căng thẳng ngày 28/8, Quốc hội đã phê chuẩn 30 trong tổng số 74 điều của Luật VAT, số điều còn lại sẽ tiếp tục được thảo luận trong ngày 29/8. Theo quy định mới nhất này, mức VAT 13% tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2017 dự kiến có hiệu lực trong tháng 9/2016. Tuy nhiên, chính phủ sẽ không áp dụng thuế VAT đối với 52 mặt hàng và dịch vụ, bao gồm tất cả các loại thực phẩm thiết yếu, sản phẩm từ sữa, sữa và các thành phần dinh dưỡng bổ sung dành cho trẻ em, cũng như các sản phẩm dầu mỏ.
Luật VAT là một phần trong chương trình cải tổ ngân sách của Chính phủ Ai Cập. Kể từ tháng 7/2014, Cairo bắt đầu tiến hành cải cách ngân sách, theo đó các chính sách trợ giá năng lượng sẽ bị bãi bỏ và một số loại thuế mới được áp dụng nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách ngày càng phình to, vốn đã ở mức 11,5% GDP trong tài khóa 2015/2016. Tổng chi ngân sách cho các khoản trợ cấp trong tài khóa 2015/2016 ước ở mức 154 tỷ bảng (17,5 tỷ USD). Tuy nhiên, theo kế hoạch ngân sách 2016/2017, chính phủ nước này đã quyết định cắt giảm 14% trợ cấp do eo hẹp ngân sách.
VAT cũng là một trong những điều hiệu tiên quyết giúp Ai Cập đạt thỏa thuận tín dụng sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo đó IMF sẽ cho Ai Cập vay ưu đãi 12 tỷ USD trong 3 năm. Thỏa thuận dự kiến sẽ được Ban điều hành IMF và Quốc hội Ai Cập thông qua trong vài tuần tới.
Là nền kinh tế dựa nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là lương thực và thực phẩm, Ai Cập đang lâm vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng do bất ổn an ninh và chính trị sau cuộc chính biến mùa Xuân năm 2011 khiến nguồn thu từ du lịch và vốn đầu tư nước ngoài sa sút mạnh.