6 nhà khoa học Ý bị xét xử vì dự báo sai động đất

congly.com.vn| 13/04/2012 11:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày tháng 10 này, ở Ý đang diễn ra một phiên tòa có một không hai: xét xử 6 khoa học gia hàng đầu và một quan chức chính phủ vì tội đã không dự báo chính xác động đất (!), qua đó phải chịu trách nhiệm về hơn 300 nhân mạng bị vùi lấp trong trận động đất kinh hoàng tại Ý năm 2009.

Phiên tòa sẽ còn kéo dài với nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên điều khiến người ta quan tâm là bản chất của vụ án: đây là phiên tòa “phản khoa học” hay phiên tòa xét xử sự vô trách nhiệm trong khoa học.

Enzo Boschi, khoa học gia hàng đầu Ý với tội danh ngộ sát 309 người


Tháng 6-2010, khi công tố viên Fabio Picuti đưa ra lời buộc tội “ngộ sát” đối với một tập thể nhà địa vật lý học hàng đầu tại Ý, người ta thoạt nghĩ đó là chuyện đùa, bởi tội danh được đưa ra để truy cứu thuộc loại “có một không hai” trong lịch sử: đưa ra dự báo không chính xác về trận động đất khiến 309 người thiệt mạng tại Ý năm 2009. Thế nhưng đến khi phiên điều trần kỹ thuật đầu tiên diễn ra vào tháng 10-2011, không ai còn nghi ngờ về tính xác thực của vụ việc, mà thay vào đó mọi người bắt đầu bàn tán xung quanh khía cạnh “phản khoa học” của phiên tòa.

6/7 bị cáo đều là những khoa học gia có tên tuổi, bao gồm Enzo Boschi (Chủ tịch Viện Địa vật lý và Núi lửa học quốc gia - INGV), Franco Barberi (Đại học Rome Tre’), Mauro Dolce (Trưởng phòng Nghiên cứu và Cảnh báo động đất, trực thuộc Cục Bảo vệ dân sự quốc gia), Claudio Eva (Đại học Genova), Giulio Selvaggi (Giám đốc Trung tâm động đất quốc gia, trực thuộc INGV), và Gian Michele Calvi (Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu kỹ thuật động đất châu Âu), cùng với đó là một quan chức chính phủ Ý: Bernardo De Bernardinis (Phó Giám đốc Cục Phòng vệ dân sự quốc gia).


Trong bản cáo trạng dài 224 trang, Công tố viên Fabio Picuti lập luận, các thành viên trong Ủy ban dự báo quốc gia - những người đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại L'Aquila một tuần trước khi trận động đất xảy ra - đã không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác và nhất quán với công chúng. Picuti cho rằng trong bối cảnh dân chúng bất ổn vì những chấn động ở mức thấp đã xảy ra liên tục trong nhiều tháng, Ủy ban dự báo quốc gia chỉ quan tâm nhiều đến việc trấn an tâm lý người dân hơn là đưa ra những lời khuyên rõ ràng nhằm chuẩn bị đối phó với những trận động đất có thể xảy ra. Picuti nói "Với tư cách là những viên chức của bang, họ phải có trách nhiệm trước pháp luật về việc đánh giá và phân tích các rủi ro động đất tại L'Aquila". Picuti cho rằng một trong những điều bắt buộc của việc đánh giá rủi ro là tính tới mật độ dân cư thành thị và tính thiếu bền vững của các tòa nhà cổ tại trung tâm thành phố. "Họ có nghĩa vụ phải đánh giá mức độ rủi ro căn cứ trên tất cả những yếu tố này", ông nói, "nhưng họ đã không làm thế".


Thực tế, hơn một tháng trước khi động đất xảy ra, nhà nghiên cứu Giampaolo Giuliani đã báo động rằng sẽ có thể có một trận động đất gần L’Aquila, miền Trung nước Ý vào ngày 29-3-2009. Dự đoán này dựa trên việc phát hiện có sự tập trung bất bình thường khí radon trong không khí cộng với việc một loạt những rung chấn động cường độ thấp xảy ra ở vùng này từ giữa tháng 1. Tuy nhiên, ngày 29-3 đã trôi qua bình yên. Ngày 31-3, Cơ quan Phòng vệ dân sự tổ chức một buổi họp cùng với Ủy ban nghiên cứu thiên tai, kết luận Giuliani đã “báo động giả”, tạo cho dân chúng tâm trạng hoảng sợ.

Sau buổi họp, một vài thành viên Hội đồng nói thêm những lời trấn an với các phóng viên. Đặc biệt ông De Bernardinis còn lạc quan giải thích rằng một loạt những chấn động nhỏ có thể là dấu hiệu tốt đẹp “vì chúng giải tỏa bớt năng lượng tích tụ lại” (do hai khối đất xô đẩy nhau rất căng nhưng chưa tới mức gây sụp vỡ). 6 ngày sau, một trận động đất mạnh 6.3 độ Richter tàn phá L’Aquila và vùng lân cận, làm hơn 300 người thiệt mạng. Sau thảm họa, nhiều người cho rằng tuyên bố nói trên chính là lý do khiến họ không có bất cứ biện pháp phòng ngừa nào, ví dụ như là rời khỏi nhà. Theo cáo buộc, nhiều người lẽ ra đã rời khỏi khu vực nhưng lại quyết định ở lại và cuối cùng thiệt mạng ngay trong chính ngôi nhà của họ.


Với lời buộc tội kể trên, các bị cáo có thể đối mặt với án phạt 12 năm tù giam. Vụ án đã làm dấy lên làn sóng phản đối của giới khoa học trong và ngoài nước Ý. Hơn 5.000 nhà khoa học đã gửi một bức thư ngỏ đến Tổng thống Ý Giorgio Napolitano, chỉ trích mạnh mẽ cáo buộc đối với các đồng nghiệp của họ, bởi theo họ việc dự báo thời gian, địa điểm cũng như cường độ chính xác của trận động đất trong một thời gian ngắn là điều không thể. Vụ việc trên không chỉ gây xôn xao trên khắp nước Ý mà còn lan ra phạm vi toàn cầu.

Hiệp hội Địa lý & Vật lý và Hiệp hội Vì sự phát triển khoa học (AAAS) của Mỹ đã lên tiếng bảo vệ các bị cáo. Trong một bức thư gửi đến Tổng thống Napolitano, AAAS đã lên án hành động buộc tội các nhà khoa học là “không công bằng và thiếu khách quan”. Giám đốc điều hành của AAAS, Alan Leschner phát biểu với báo chí: "Bất cứ ai đưa ra sự buộc tội như thế này đều hiểu không đúng về bản chất của khoa học, bản chất của môn địa chấn và việc bảo đảm dự đoán là khó khăn đến thế nào". Leschner cũng cho rằng, vụ án có thể sẽ gây ra một "hiệu ứng khủng khiếp" đến các nhà khoa học. Ông khẳng định: "Vụ án cho thấy rõ sự thiếu hiểu biết về những gì mà khoa học có thể và không thể làm được. Nói thẳng ra, vụ án như một thái độ đe dọa cộng đồng khoa học. Điều này không thể chấp nhận được".


Hải Yến (theo AFP)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 nhà khoa học Ý bị xét xử vì dự báo sai động đất