Nên có phương thức đào tạo linh hoạt giúp sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm hơn

Xuân Diệp| 18/08/2017 04:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm qua (17/8), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các chuyên gia để giải bài toán tuyển sinh và đào tạo trong ngành sư phạm. Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thời gian qua của ngành.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về những bất cập trong đào tạo sư phạm thời gian qua từ khâu tuyển sinh đầu vào, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, nhất là ở địa phương, đến thực trạng sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ.

Nên có phương thức đào tạo linh hoạt giúp sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm hơn

Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương để thực hiện việc đánh giá nhu cầu thực tế về giáo viên đến từng môn học, bám sát vào chương trình, từ đó xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc. Ảnh Ngô Chuyên.

Những lý do khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn là “đầu ra” khó khăn đã tác động mạnh tới “đầu vào”. Chế độ đãi ngộ dù đã được quan tâm nhưng chưa phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp, áp lực xã hội...

Bên cạnh đó, cam kết giải quyết căn cơ các vấn đề về đào tạo sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương thực hiện trong đánh giá nhu cầu thực tế về giáo viên đến từng môn học, bám sát vào chương trình, từ đó xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc; thống kê số lượng giáo viên cần đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi ở từng địa phương”.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT phối hợp với các trường sư phạm địa phương tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên đang dư thừa ngay tại từng trường, từng cấp học, môn học theo chương trình chuẩn mà các trường đại học sư phạm lớn thống nhất và được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

“Như vậy dù giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo mới nhưng các trường sư phạm địa phương vẫn có cơ hội tồn tại. Còn các trường sư phạm lớn sẽ tập trung nhiều hơn vào biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên địa phương đạt chuẩn, áp dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thầy cô nâng cao trình độ, chuyên môn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thêm.

Đối với các sinh viên sư phạm khó tìm việc, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc ngay với các hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề đang thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch… để có phương thức đào tạo linh hoạt giúp em có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Nếu chúng ta làm tốt những việc trên, đặc biệt là trong đánh giá chất lượng từng trường, từng nơi, gắn với chỉ tiêu, “đặt hàng” đào tạo và đào tạo lại giáo viên thì những vấn đề của đào tạo sư phạm sẽ từng bước được giải quyết. Bộ trưởng đã cam kết bây giờ chúng ta phải thực hiện có kết quả. Quan điểm chung chúng ta rất chia sẻ với các giáo viên của các trường sư phạm nhưng tinh thần không thể vì hàng nghìn cán bộ, giáo viên đang công tác trong các trường sư phạm mà chúng ta coi nhẹ công tác đào tạo giáo viên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên có phương thức đào tạo linh hoạt giúp sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm hơn