Làm lại cuộc đời trên vùng đất cát

Bích Thùy| 28/04/2017 14:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từng vướng vào vòng lao lý và phải nhận mức án 18 tháng tù giam, tuy nhiên, do cải tạo tốt Đỗ Đình Đổng (34 tuổi, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được giảm án, sớm trở về để hòa nhập với cộng đồng.

Những tháng ngày tù tội

Giữa một buổi trưa hè, nắng nóng miền Trung khiến con người như muốn ngột thở. Trong căn nhà cấp 4 được xây lợp bằng bờ lô xi măng vẫn chưa hoàn thiện nằm trơ trọi cuối thị trấn Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hơi nóng từ trên mái phả xuống hầm hập. Người đàn ông già hơn so với tuổi, khuôn mặt rám nắng, đón chúng tôi bằng một nụ cười thật tươi, nhưng không giấu được sự e thẹn.

Vì có hẹn trước nên khi vừa nhìn thấy chúng tôi anh nói luôn: “Tôi vừa mới đi chăn bò về, hôm nay nắng nóng quá nên cho bò về sớm, chiều lại tiếp tục”. Ngay lúc đó, mẹ anh Đổng bế trên tay đứa cháu nội mới hơn một tuổi đi từ trong nhà ra, Đổng nhìn rồi cười khoe với chúng tôi: “Con trai tôi đó, mẹ nó đi làm cả ngày nên nó ở nhà với ông bà”.

Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, Đổng là con thứ 5 trong nhà. Thế nhưng, khác so với các anh chị em trong nhà, mãi đến năm 10 tuổi Đổng mới bắt đầu biết nói. Cũng vì thế mà con đường đến trường của Đổng không được suôn sẻ như những bạn cùng trang lứa.

Người mẹ già năm nay tuổi đã ngoài sáu mươi nhìn Đổng ngậm ngùi: “Hồi đó, biết con chậm nói nhưng cứ nghĩ do con cái đông nên trời đã sinh ra như vậy. Đến lúc biết nói, gia đình cũng xin cho Đổng vào học lớp lớp 1. Nhưng rồi nó mặc cảm vì ngoại hình to lớn hơn các bạn nên nó nghỉ học ở nhà. Dù không được học hành đến nơi đến chốn nhưng Đổng lại là đứa chăm chỉ và rất chịu khó. Hằng ngày phụ giúp bố mẹ làm công việc ruộng đồng, chăn nuôi. Cuộc sống cứ thế trôi qua...”.

Làm lại cuộc đời trên vùng đất cát

Mô hình măng tây được Đỗ Đình Đổng trồng thử nghiệm trên vùng đất cát mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến giữa năm 2009, trong một buổi tối đi chơi cùng bạn bè. Khi điều khiển xe máy trên đường về nhà Đổng đã va chạm với một phụ nữ đi xe đạp ngược chiều. Cú va chạm đã làm người phụ nữ chấn thương sọ não và qua đời ngay sau khi đi cấp cứu tại bệnh viện.

Nhớ lại cái ngày định mệnh ấy, Đổng kể: “Cú va chạm nhẹ thôi, nhưng khi ngã xuống chị ấy không may bị viên đá bằng ngón tay găm vào sau gáy. Dù tôi đã cố gắng đưa chị đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để cấp cứu, nhưng cuối cùng vẫn không cứu được mạng sống cho chị. Sau đó tôi bị TAND Phong Điền tuyên án 18 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và phải bồi thường một khoản tiền lớn cho gia đình nạn nhân”.

Mỗi lần nhớ lại những ngày tháng trong trại, Đổng không bao giờ quên cái cảm giác khi cánh cửa nhà giam đóng lại, tiếng then sắt và tiếng loạt xoạt chìa khóa là thứ âm thanh thật đáng sợ. Lúc đó, trời đất dưới chân Đổng như sụp đổ, những tưởng cuộc đời đến đây là chấm hết. Phía ngoài mẹ già đã ngất lịm.   

Những ngày thi hành án tại Trại giam Bình Điền, Đổng luôn ăn năn với hậu quả mà mình gây ra cho gia đình nạn nhân dù là vô tình, rồi nỗi nhớ cha mẹ già không ai chăm sóc nên Đổng quyết tâm phải cải tạo thật tốt, học nghề chăn nuôi heo do các cán bộ quản giáo hướng dẫn, với hy vọng sớm trở về giúp đỡ gia đình ổn định cuộc sống.

Làm lại cuộc đời trên vùng đất cát

Tháng 5/ 2011, Đổng mãn hạn tù, anh luôn mặc cảm là một người mang trên mình án tù. Không giao lưu với ai, không bạn bè với những cuộc chơi như trước, Đổng bắt tay vào xây dựng giấc mơ đang còn dang dở.

Nhìn đứa con trai mỗi ngày vẫn nỗ lực để làm lại cuộc đời sau những ngày tháng tù tội, ông Đỗ Phi (bố của Đổng) chia sẻ: “Trong số các anh chị em trong nhà Đổng là người ít may mắn hơn. Cái ngày đó, tôi bỗng ngã quỵ trên ruộng cát khi nghe tin con trai mình vô tình điều khiển xe máy gây tai nạn, rồi vướng vòng lao lý. Ngày nó trở về, thấy ai cũng xa lánh nên thấy thương nó lắm, cũng may nó có ý chí phấn đấu, chịu khó để vượt qua tất cả”.

Hành trang Đống mang vào vùng đất cát Tạch Tả (Phong Điền, TT-Huế) là một chiếc radio, tấm bạt và cơm đùm gạo bới để dựng chòi. Trải qua ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng mồ hôi công sức mà Đổng bỏ ra cũng được đền đáp. Với những thành công bước đầu, Đổng tiếp tục mở rộng khu sản xuất lúa và tận dụng kiến thức học được ở trại giam để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt hơn Đổng đã mạnh dạn để đưa kỹ thuật trồng măng tây trên vùng đất cát.

Đổng tâm sự: “Đầu năm 2016, UBND thị trấn Phong Điền hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng tiền giống, giàn tưới cùng với kiến thức học hỏi trên mạng Internet, tôi bắt tay trồng 1.000 gốc măng tây và hiện số măng tây bám trụ lại trên vùng cát còn khoảng 700 gốc”.

Loại cây nhập ngoại này có đặc tính ưa thích đất cát nắng nhiều, chỉ tốn công chăm sóc, làm cỏ. Bắt đầu trồng tháng thứ 6 trở đi là măng tây cho thu hoạch. Mỗi ngày  thu hoạch được 3-4kg, với giá bán từ 100-110 nghìn đồng/kg. Hiện tại gia đình  thu hoạch rồi bán theo những “đơn” đặt hàng của những người dân tại địa phương có nhu cầu đặt mua qua điện thoại hay mang ra chợ bán. Măng tây với giá trị dinh dưỡng cao, lại là mô hình đầu tiên của huyện Phong Điền nên đầu ra của sản phẩm khá ổn định.

Ngoài ra, Đổng còn nuôi thêm 20 con bò, 3 con lợn nái và mấy chục con gà, vịt. Những lúc trưa, anh còn tranh thủ nấu dầu tràm nguyên chất tại trang trại để bán cho người dân có nhu cầu.

Đổng dự định sẽ mở rộng thêm 1ha diện tích măng tây và đưa giống dưa hấu vào trồng thử nghiệm. Sắp tới Đổng vay thêm vốn ngân hàng để sắm thêm máy cày, máy gặt và thổi lúa, vừa phục vụ sản xuất trong khu trang trại mình, vừa làm dịch vụ bên ngoài. Hiện nay, doanh thu của trang trại mỗi năm đạt từ 200-300 triệu đồng. Đổng nói: “Tuy con số chưa lớn nhưng đối với một người thanh niên có xuất phát điểm như tôi cùng với cái lý lịch không mấy được tốt thì tôi cũng vui lắm rồi”.

Với những thành tích trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, Đỗ Đình Đổng đã được Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế tặng giấy khen và được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp giáo dục, giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập.

Ngồi tâm sự cùng chúng tôi, Đổng vui mừng cho biết, sau nhiều năm trời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngoài trang trại rộng lớn cho thu nhập ổn định, điều anh vui mừng nhất chính là việc xây dựng được mái ấm hạnh phúc khi có người con gái đã bỏ qua những dị nghị, điều tiếng để đem lòng yêu thương anh.

Đổng tâm sự: “Ngày đó tôi đã nghĩ chắc sẽ không ai chấp nhận một người như tôi. Rồi cũng vì thế mà tôi đã tự ti không dám đối mặt làm quen với những người bạn gái cùng trang lứa. Thế rồi, một buổi chiều, lúc tôi chuẩn bị đưa đàn bò về chuồng thì vô tình gặp cô ấy. Tình duyên của chúng tôi bắt đầu từ đó. Cô ấy chấp nhận, thông cảm cho hoàn cảnh và cả quá khứ của tôi".

Nhìn về phía cậu con trai đang ngủ trưa trong chiếc nôi dưới cái nóng hầm hập, Đổng vừa cười vừa nói: “Giờ không mong mỏi gì hơn vì cuộc đời đã quá ưu ái với tôi, sang năm vợ chồng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện căn nhà và tiếp tục làm ăn nuôi cha mẹ già, và con cái".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm lại cuộc đời trên vùng đất cát