Chữ "tình" của những kẻ giả điên

An Dương| 23/12/2016 06:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Yêu đơn phương trong tuyệt vọng hoặc yêu cuồng đến mức không chấp nhận “chia sẻ” người tình đồng tính với ai nên hung thủ quyết định gây án rồi giả điên nhằm né tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Hai bị cáo trong các vụ án mới được TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử cho thấy tình trạng báo động về việc giết người rồi giả điên. Đó là bị cáo Nguyễn Đăng Thành (35 tuổi, quê Bình Định) và Lê Thị Liên (33 tuổi, quê Khánh Hòa) bị truy tố về tội “Giết người”, cả hai đều có nhiều năm “điều trị tâm thần”. Đứng trước vành móng ngựa ngày 20/12, Nguyễn Đăng Thành rành rọt khai lại quá trình phạm tội.

Theo đó, vào năm 2004, Thành quen biết chị Vũ Thị Hoàng Linh và đơn phương “thương thầm nhớ trộm”. Đến cuối năm 2010, Thành bày tỏ tình cảm với chị Linh nhưng bị cự tuyệt. Mặc dù vậy, Thành vẫn âm thầm theo đuổi trong tâm trạng vừa bực tức, vừa tuyệt vọng.

Chị Linh nghĩ thời gian sẽ làm nhạt phai tình cảm đơn phương của Thành, nhưng sự thật lại ngược lại. Với bản tính hẹp hòi, khi nghi ngờ chị Linh có bạn trai là anh Đoàn Tuấn Long, Thành liền xông đến công ty đánh anh Long. Do có mâu thuẫn với anh Long nên từ đó về sau, Thành thường thủ sẵn dao nhọn khi đi ra đường.

Cáo trạng xác định, khoảng 10 giờ ngày 27/2/2011, Thành đến nhà chị Linh tại phường 2, quận 5. Lúc này, chị Linh đang nói chuyện với một người bạn. Khi người bạn vừa đi về, Thành bất ngờ rút dao xông đến tấn công chị Linh, thấy nạn nhân tử vong, Thành bỏ trốn nhưng bị bắt ngay sau đó.

Chữ

Áp giải bị cáo Liên đến Tòa

Trong quá trình bị tạm giam để điều tra, Thành bất ngờ “phát bệnh” tâm thần, trầm cảm, mất ngủ. Tháng 11/2011, Cơ quan điều tra liền trưng cầu giám định về tâm thần với Thành rồi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Việc “chữa bệnh” kéo dài gần 5 năm.

Cũng gây án rồi xuất hiện các “triệu chứng tâm thần” giống Thành là bị cáo Lê Thị Liên. Năm 2009, Liên tự nghĩ ra tên giả là Sam, đến xin làm thuê tại tiệm uốn tóc Hằng Nga (số 37 Tuệ Tĩnh, phường 13, quận 11) do bà Hỷ Phụng Sương làm chủ. Quá trình làm tóc, Liên được chị Nguyễn Thị Phong (thợ chính của tiệm Hằng Nga) kèm cặp, giúp đỡ và hai người đã nảy sinh quan hệ tình cảm yêu đương đồng tính.

Thấy vợ hờ hững, anh Nguyễn Phước Dũng Công tìm hiểu và phát hiện mối quan hệ đồng tính của Liên và Phong vào giữa năm 2012. Bị gia đình ngăn cấm, chủ tiệm Hằng Nga cũng cho Liên nghỉ việc. Tuy nhiên, tình cảm giữa Liên, Phong không bị gián đoạn, họ vẫn lén lút gặp gỡ, cùng nhau 32 lần thuê khách sạn 23 Ngọc Hân Công Chúa, phường 13, quận 1 để gần gũi. Thông thường, Phong đến khách sạn “tâm sự” với Liên khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng rồi ra về, còn Liên thường ở lại khách sạn nghỉ qua đêm.

Khoảng 20 giờ ngày 20/8/2013, Liên gọi điện thoại cho quản lý khách sạn đặt phòng. Chị Phong đến khách sạn trước, ngồi ở quầy lễ tân chờ Liên. Khoảng vài phút sau, Liên đến và đưa giấy chứng minh nhân dân cho lễ tân rồi nhận phòng 302. Đến khoảng 14 giờ ngày 21/8/2013, do không thấy Liên trả phòng như thường lệ nên lễ tân lên gõ cửa phòng 302 và phát hiện Phong chết trong trạng thái lõa thể, đắp chăn, riêng Liên đã biến mất.

Sau gần một năm truy nã, Liên mới bị Công an tỉnh Lào Cai tóm gọn. Tại Cơ quan điều tra, Liên bắt đầu giở trò, khai mình tên là Kimmora, con nuôi người Hàn Quốc, không biết nạn nhân Nguyễn Thị Phong. Phòng Kỹ thuật hình sự nhận định: Nạn nhân Phong "không có khả năng tự gây ra tất cả các vết thương trên cơ thể mình". Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra xác định Liên chính là hung thủ sát hại chị Phong.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Liên. Kết quả cho thấy trước, trong và sau khi gây án, Liên bị bệnh "loạn dục đồng giới". Liên vẫn có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế do bệnh. Liên cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trong hai phiên tòa, cả bị cáo Thành và Liên đều tỏ ra tỉnh táo trả lời các câu hỏi. Thậm chí, mỗi khi bị hỏi xoáy vào những tình tiết, chứng cứ buộc tội, các bị cáo tìm cách né tránh. Tại phiên tòa ngày 20/12, Thành lặp đi lặp lại điệp khúc “bị cáo không nhớ” về các tình tiết trước, trong và sau khi gây án. Tuy nhiên, tại Cơ quan điều tra, Thành khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của Thành phù hợp với các vật chứng, chứng cứ có trong hồ sơ. Tại tòa, Thành cũng thừa nhận là người gây ra cái chết cho nạn nhân và lý giải “không hiểu nổi sao mình lại làm như vậy. Sau khi gây án, bị cáo rất hoảng loạn”. Trên thực tế, sau khi gây án, Thành vẫn rất bình tĩnh về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi đến nhà người thân.

Đối với bị cáo Liên, mặc dù bị cáo không nhận tội và lớn tiếng cho rằng chính kiểm sát viên mới bị “điên” nhưng qua các tài liệu, chứng cứ cho thấy trong thời gian từ 20 giờ ngày 20/8/2013 đến 14 giờ ngày 21/8/2013, chỉ có Liên và Nguyễn Thị Phong cùng ở trong phòng 302, Liên đã dùng dao đâm chết người bị hại, sau đó khóa trái cửa phòng rồi đem hung khí gây án bỏ trốn, cho đến khi bị bắt. Kết luận giám định tâm thần cho thấy, Liên giả bệnh có chủ ý.

Sau nhiều năm gây tội ác, cả hai bị cáo với lý lịch có “bệnh án tâm thần” cuối cùng cũng bị pháp luật trừng phạt nghiêm minh. Thành phải nhận mức án tù chung thân, riêng Liên lãnh 20 năm tù về tội “Giết người”. Cái ác cuối cùng phải trả giá và công lý được thực thi.

* (Tên người bị hại đã được thay đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữ "tình" của những kẻ giả điên