Trong suốt 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, mặc dù tổ chức, bộ máy thay đổi qua các giai đoạn lịch sử, hệ thống TAND đã tiến hành 4 lần cải cách tư pháp (CCTP) và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Kể từ khi thành lập đến nay, trong mọi hoàn cảnh lịch sử cũng như hội nhập quốc tế, TAND, TAQS các cấp luôn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ pháp luật và công lý.
Toà án là một thiết chế tư pháp quan trọng trong bộ máy Nhà nước
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Xuất phát từ luận điểm nổi tiếng của Lê Nin “Giành được chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền lại càng khó hơn”, Đảng và Nhà nước ta đã có những sách lược đúng đắn nhằm giữ vững chính quyền non trẻ vừa mới được thành lập. Để giữ vững chính quyền, không có cách nào khác là phải có ngay các biện pháp cần thiết để vừa xây dựng, vừa củng cố bộ máy nhà nước trong đó có TAND. Song song với việc phá hủy đến tận gốc rễ bộ máy Nhà nước của chế độ thực dân phong kiến, chúng ta tiến hành củng cố thành quả cách mạng, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng một xã hội dân chủ và tiến bộ.
Xác định Toà án là một thiết chế tư pháp quan trọng trong bộ máy Nhà nước, là công cụ đắc lực của chính quyền chuyên chính vô sản, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 33-c thiết lập các TAQS; ngày 24/1/1946 ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các TAND và các ngạch Thẩm phán. Sự phát triển của hệ thống TAND gắn liền với quá trình lớn mạnh của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Như vậy, TAQS là tiền thân của hệ thống TAND ngày nay và ngày 13/9 hàng năm đã trở thành ngày Truyền thống TAND.
Hệ thống TAND và những dấu ấn cải cách tư pháp
Kể từ khi thành lập cho đến nay, TAND đã trải qua chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng, phát triển với tổng cộng 4 lần tiến hành cải cách tư pháp CCTP ở từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với nhận thức, mức độ phát triển của xã hội và đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đặt ra nhằm khẳng định Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, nhân danh Nhà nước tiến hành các hoạt động xét xử với mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Ban chỉ đạo CCTP Trung ương làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của TANDTC về công tác CCTP
Lần CCTP đầu tiên diễn ra từ năm 1950 đến 1958 khẳng định tính chất nhân dân của nền tư pháp. Theo đó, sau 5 năm kể từ ngày giành được chính quyền, Nhà nước ta đã bãi bỏ bộ máy tư pháp của chế độ chính quyền, thực dân, phong kiến, thiết lập những Tòa án mới, trong đó có TAQS và Tòa án binh. Tuy nhiên, các Tòa án còn mang nặng những ảnh hưởng của nền tư pháp cũ. Tòa án trong thời kỳ kháng chiến độc lập với Ủy ban hành chính; Ủy ban không có quyền kiểm soát, điều khiển các Tòa án. Nhiều Thẩm phán trong các Tòa án lúc đó đã không chú ý vận dụng các chính sách của Chính phủ vào công tác xét xử và đã hiểu “độc lập” là “biệt lập”, tức là Tòa án không chịu sự lãnh đạo của Đảng, không cần phải phối hợp với Ủy ban hành chính, cơ quan Công an và đoàn thể nhân dân trong việc bảo vệ chế độ.
Tình hình này đã là một trở ngại cho việc phát huy sức mạnh của Nhà nước, cho nên Đảng ta đã tiến hành một cuộc đấu tranh về tư tưởng và sau đó là cải cách bộ máy của Tòa án. Bộ máy tư pháp được dân chủ hóa các Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp (nay gọi là TAND huyện, TAND tỉnh) và Hội đồng phúc án (nay là Tòa Phúc thẩm), phụ thẩm nhân dân (nay gọi là Hội thẩm nhân dân). CCTP giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1958 đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về tổ chức và chuyên môn của Tòa án; tính nhân dân của Tòa án được thể hiện rõ nét cả trong tổ chức và trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, giai đoạn này quá nhấn mạnh tính cách mạng, tính nhân dân, cho nên nhiều cán bộ Tòa án không được đào tạo về luật và do đó phần nào có hạn chế trong công tác chuyên môn.
Lần CCTP thứ hai diễn ra vào đầu những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ XX, khi hệ thống tư pháp nước ta được chuyển sang mô hình của các nước trong hệ thống XHCN. Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp năm 1959 về tổ chức và hoạt động của TAND, ngày 14/7/1960, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Tổ chức TAND năm 1960. Đây là cơ sở pháp lý củng cố các TAND và khẳng định chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Tòa án trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH. Hệ thống TAND thời kỳ này gồm 3 cấp: TANDTC; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các TAND huyện, quận thị xã thuộc tỉnh. Ở Miền Nam, dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ cùng chính quyền ngụy, phong trào cách mạng phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các Tòa án cách mạng lúc đó chủ yếu hoạt động dưới phương thức Tòa án binh, TAQS, thực hiện xét xử, trừng trị những tên tay sai, ác ôn nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thực hiện CCTP của hệ thống TAND
Sau khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước 1975, Hiến pháp 1980 ra đời. Luật Tổ chức TAND năm 1981 quy định hệ thống TAND thống nhất trong cả nước. TAQS cấp cao (nay là TAQS Trung ương) là một đơn vị Tòa án thuộc TANDTC. Hệ thống TAND vẫn tổ chức thành 3 cấp: TANDTC; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Năm 1981, Bộ Tư pháp được thành lập lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được giao quản lý các Tòa án địa phương về mặt tổ chức; TANDTC lãnh đạo các TAND địa phương về nghiệp vụ, khoa học chuyên môn, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử.
Lần CCTP thứ ba diễn ra vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước và là những năm đầu của quá trình đổi mới đất nước; tuy nhiên, về mặt tổ chức và hoạt động của Tòa án không có nhiều thay đổi. Cho đến năm 1992, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX kỳ họp thứ nhất (ngày 6/1//1992) thông qua Luật Tổ chức TAND năm 1992 đã có sự bổ sung căn bản so với các quy định của pháp luật trong các giai đoạn trước năm 1992. Cơ cấu tổ chức của TANDTC theo quy định mới gồm có: Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Ủy ban Thẩm phán TANDTC; TAQS Trung ương; Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính; các Tòa phúc thẩm TANDTC và bộ máy giúp việc. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TANDTC.
Cơ cấu tổ chức của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có: Ủy ban Thẩm phán; Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính, bộ máy giúp việc. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án TANDTC. Đối với cơ cấu tổ chức của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, mặc dù được giao thêm thẩm quyền xét xử nhưng vẫn giữ nguyên như trước đây. Đối với các TAQS, theo Điều 2 của Pháp lệnh Tổ chức TAQS thì có: TAQS Trung ương; các TAQS quân khu và tương đương; các TAQS khu vực.
CCTP đối với TAND trong giai đoạn này đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đó là đã thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán theo nhiệm kỳ 5 năm thay cho chế độ bầu Thẩm phán (được duy trì từ năm 1960 đến năm 1992). Đồng thời để bảo đảm cho việc bổ nhiệm Thẩm phán đúng và có chất lượng, đã thành lập Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án các cấp; có quy định cụ thể về tiêu chuẩn Thẩm phán. Về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động xét xử của Tòa án được chú trọng hơn và được nâng cao lên một bước; công tác đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ công tác ở các Tòa án được chú trọng và đẩy mạnh. Việc thi hành án dân sự được chuyển giao từ Tòa án sang Bộ Tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án tập trung vào nhiệm vụ xét xử.
Buổi làm việc của Ban chỉ đạo CCTP Trung ương với lãnh đạo TANDTC về công tác CCTP
Lần CCTP thứ tư diễn ra vào đầu những năm 2000 khi mà trong lĩnh vực tư pháp có rất nhiều việc bức xúc, tồn đọng, yếu kém kéo dài. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 53/CT-TW, ngày 21/3/2000 “Về một số việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000”. Thực hiện Chỉ thị này, TAND tiếp tục được củng cố về tổ chức, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, Chỉ thị số 53/CT-TW chỉ mới đề cập một số việc cần phải thực hiện trong hai năm 2000 và 2001. Do vậy để công tác tư pháp có chuyển biến rõ nét về chất, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc CCTP, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, tháng 4/2002 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2002. Theo quy định mới, TANDTC quản lý các TAND địa phương và các TAQS về mặt tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng. Đây là một bước CCTP quan trọng đối với hệ thống TAND.
Thực tiễn đất nước lại đặt ra những nhu cầu CCTP toàn diện để cải cách bộ máy nhà nước trên cả ba phương diện: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Do vậy, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-TW “Về Chiến lược CCTP đến năm 2020”. Nghị quyết số 49/NQ-TW thể hiện quyết tâm sâu sắc của Đảng ta là cải cách cơ bản, sâu rộng nền tư pháp nước nhà; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND; xác định Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm. Mục tiêu của Chiến lược CCTP đến năm 2020 là “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Chiến lược CCTP đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 4 phương hướng và 8 nhiệm vụ cần thực hiện. Đây là lần CCTP quan trọng trong đường lối đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập, là lần CCTP ở tầm chiến lược tổng thể, toàn diện và triệt để nhất từ trước đến nay.
Thực hiện chiến lược CCTP lần thứ tư, TAND các cấp đã không ngừng nâng cao chất lượng xét xử; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng; phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một bước đột phá quan trọng của lần cải cách này đó là lần đầu tiên trong lịch sử, Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã Hiến định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tháng 11/2014, để phù hợp với nội dung Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2104. Theo đó, TAND được tổ chức thành 4 cấp gồm: TANDTC; TAND cấp cao; Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cùng với đó là nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, chế độ bổ nhiệm, thi tuyển Thẩm phán và các quy định khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND trong giai đoạn mới.
Hệ thống TAND được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, trong suốt 70 năm qua, dù tổ chức, bộ máy thay đổi qua các giai đoạn lịch sử, nhưng TAND, TAQS các cấp luôn đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về nhiệm vụ của Tòa án. Với 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, TAND và TAQS các cấp đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Năm 1985 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Truyền thống TAND, tại Quyết định số 687-KT/HĐNN ngày 4/7/1985, Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam đã tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” cho hệ thống TAND. Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống TAND, tại Quyết định số 1208/2005/QĐ-CTN ngày 17/10/2005 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã tặng thưởng “Huân chương Sao vàng” cho hệ thống TAND. Đối với TAQS Trung ương, năm 1984 vinh dự được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Quân công” hạng Nhì; năm 1995 được tặng “Huân chương Độc lập” hạng Ba; năm 2002 được tặng “Huân chương Quân công” hạng Nhất; 3 đơn vị thuộc TAQS Trung ương được tặng thưởng “Huân chương Quân công” hạng Ba…
Đối với TAND địa phương, có 1 cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh”; 5 tập thể, 15 cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 15 tập thể, 17 cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhất; 46 tập thể, 103 cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhì; 161 tập thể, 226 cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Ba. 929 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 168 lượt tập thể được tặng thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”. Ngoài ra, còn có 748 lượt tập thể được tặng thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của TAND”; 18.789 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Chánh án TANDTC; hàng nghìn cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua TAND”. 14.906 cá nhân được tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án” vì đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển hệ thống TAND.
Với những công lao, thành tích to lớn đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/20215), TANDTC đã đề nghị Nhà nước xét tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần thứ hai cho hệ thống TAND.