Nói đến lịch sử oai hùng của Thủ đô Hà Nội, không ai không biết đến Chiến thắng Đống Đa của người Anh hùng áo vải Quang Trung, nhưng ít ai biết rằng cách gò Đống Đa chừng hai cây số về phía Tây cũng có một gò chôn xác giặc.

Đó là Gò Đống Thây thuộc đất làng Nhân Mục xưa, nay thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, tương truyền là nơi chôn xác quân Minh trong cuộc kháng chiến, giải phóng Thăng Long năm 1426 của nghĩa quân Lam Sơn...

 

Hư thực gò thiêng

 

Gò Đống Thây nằm lọt trong Khu tập thể Đại học Kiến trúc, đầu đường Khuất Duy Tiến, gần ngã tư giao nhau với đại lộ mang tên Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, linh hồn của cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ XV. Ngay đầu ngõ là tấm biển lập năm 1990 ghi “Bộ Văn hóa- Quyết định số 993 năm 1990- Gò Đống Thây, di tích lịch sử đã được xếp hạng, nghiêm cấm không được xâm phạm – MTTQ xã Nhân Chính”. Cạnh đó là một trang thờ nhỏ lập cùng thời kỳ...

 

Khu di tích lọt giữa một hàng rào đổ nát, người ta làm nhà, làm lều lán lấn chiếm, tập kết vật liệu xây dựng, đổ rác bừa bãi. Di tích chỉ còn khu trung tâm là một phương đình 8 mái, mỗi bề dài 6m trên đỉnh gò xưa. Tôi đếm thấy gò cao 13 bậc. Đình như một ngôi đền nhỏ. Hôm tôi đến là ngày rằm nên nhiều người đến lễ. Chị Thủy sinh năm 1968, ở khu gò gần 20 năm nay kể:

 

-Hồi nhà tôi mới đến đây ở, xung quanh ít người lắm, hai vợ chồng tôi mấy lần nghe tiếng trống cầm canh và lục lạc ở phía sau nhà, như có người vừa đi vừa gõ, chỉ còn thiếu tiếng rao: “Cẩn thận củi lửa” như phim Tàu nữa thôi. Sợ phát khiếp.

 

Có ba lần tôi bị gọi tận tên, lần thứ nhất, khoảng hơn 7 giờ tối, đang ở trong nhà nghe có tiếng gọi “Thủy ơi, Thủy ơi” tôi ra mở cổng, tưởng có khách, ra đến nơi không có ai cả, chỉ có gió thổi và những lùm cây tối đen xào xạc. Sợ quá chạy vào nói với chồng, chồng bảo chắc ai người ta gọi xong đi rồi. Lần thứ hai, đêm đã khuya, cả hai vợ chồng đều nghe tiếng gọi, anh chồng từ trên gác xuống, mở cổng. Ra ngoài nhìn quanh không có ai, chạy vội một vòng quanh nhà xem có ai không nhưng chỉ thấy vắng tanh vắng ngắt, chồng tôi mới khiếp, sợ vã mồ hôi, vào đến nhà mà mồ hôi nhỏ từng giọt, dù đang giữa mùa đông.

 

Lần thứ ba, mới 5 giờ chiều, tôi đang ngồi trong nhà nói chuyện với mấy chị hàng xóm thì lại có tiếng gọi như thế... Mấy chị kia bảo: Có ai gọi kìa. Chị Thủy nghe tiếng thì biết là không có ai. Quả nhiên ra cổng không thấy người nào cả.

 

-Vậy mà chị không sợ à? Lẽ ra như vậy người ta phải chuyển đi chỗ khác chứ.

 

-Chỉ sợ ban đầu thôi, sau mới hiểu là “họ” chỉ trêu, không những không làm hại mình mà còn giúp đỡ, phù hộ cho mình nữa - chị Thủy vừa nói vừa nhìn lên bàn thờ một cách kính cẩn. Chị Thủy kể, hồi đó, gia đình chị rất khó khăn, phải vay mượn rất khốn khổ, một hôm chị mơ thấy có một ông cụ nói: Con đừng vay tiền nhà bà đó nữa, lãi cao thế không chịu được đâu, đi theo ta, ta chỉ chỗ cho con vay, đỡ khổ hơn. Ông cụ dẫn Thủy đến một ngôi nhà tám mái, có những cái cột gỗ to, gặp một bà mặc áo đen, ông cụ bảo: Bà ấy sẽ cho con vay, chị Thủy nói: Cháu không quen bà ấy, nên không dám hỏi ạ. Để ta nói cho, ông cụ lại nói gì đó và bà áo đen gật đầu. Thủy tỉnh giấc và trong lòng thấy nhẹ nhõm. Ít lâu sau, đi qua gò mới thấy, tòa nhà tám mái trông quen quá, hóa ra đây chính là ngôi nhà trong giấc mơ ông cụ dẫn mình đến đây. Từ đó chị Thủy chăm chỉ lên lễ, ngày rằm, mùng một nào cũng có mặt. Từ đó nhà chị làm ăn dễ dàng và khá dần lên. Chị Thủy coi ông cụ trong mơ là Thần Gò nên cứ khấn xin ông Thần Gò phù hộ.

 

Ông Nguyễn Hữu Khai, người trông nom di tích từ nhiều năm qua và chị Thủy còn kể thêm vô số chuyện tâm linh ở nơi này. Chị Hạnh nhà gần đó, ngày rằm mùng một cứ mua túi hoa quả rồi đưa cho ông Khai, nhờ thắp hương giúp rồi đi, đến tối mới quay về hạ lễ. Một hôm chị Hạnh đến lễ, không hiểu sao ngồi vào chiếu xong không đứng dậy được nữa, người cứ lắc lư. Rồi Hạnh cố gắng bò ra khỏi chiếu, nhưng bò đến mép chiếu lại quay vào ngồi giữa chiếu. Cứ như thế ba tiếng đồng hồ, chồng chị này nhờ ông Khai khấn vái giúp, mãi sau, đến cả tiếng đồng hồ chị Hạnh mới đứng dậy mà về được. Sau này chị Hạnh kể, khi đó thấy bốn người mặc áo đen đứng bốn góc chiếu và một ai đó đứng sau lưng, cứ ấn đầu mình xuống, không thể dậy được.

 

Đống Thây còn một chút này...

Phương đình Gò Đống Thây hiện như một ngôi đền...

 

-Năm ngoái có cậu thợ xây nhà một hôm vào gò trông thấy con rắn lớn, sợ quá ốm luôn và  xin nghỉ việc. Sau đó cậu ta nhắn lên là về đến nhà là khỏi, không dám lên làm nữa - Một người đến lễ góp chuyện... Ông Khai thì kể, có một phụ nữ cứ mỗi lần lên lễ là bị “ốp” – ôm mặt khóc nức nở rồi chạy ra ngoài dúi dụi vào bụi cây mà khóc.

 

Những câu chuyện đượm màu hư thực trên phương đình Gò Đống Thây, kế bên trụ sở Ủy ban nhân dân phương Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cứ ám ảnh tôi. Hỏi về nguồn gốc của gò thì không mấy ai nói đúng. Người dân đang dần quên nguồn gốc gò Đống Thây. 

 

Dấu ấn lịch sử

 

Làng Nhân Mục này chính là nơi ghi dấu chiến công năm 1426, trong cuộc phản công giải phóng Thăng Long (Đông Quan), của nghĩa quân Lam Sơn.

 

Đầu tháng 11 năm 1426 Tổng binh Vương Thông huy động gần 10 vạn quân chia làm ba mũi nhằm phản công tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn đang ngày càng tiến sát Đông Quan. Một trong những mục tiêu của quân Minh là đạo quân của Phạm Văn Xảo và Lý Triện đóng ở Ninh Kiều (Chương Mỹ). 

 

Sơn Thọ, Mã Kỳ tiến quân chính từ cầu Nhân Mục này rồi đóng quân ở Thanh Oai, chúng “dàn doanh trại đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là một trận sẽ bắt hết được quân ta” –  Đại Việt sử ký toàn thư  viết. Ngày 6 tháng 11, nghĩa quân khiêu chiến và dẫn bọn Sơn Thọ, Mã Kỳ đến cánh đồng Cổ Lãm (Thanh Oai). Quân giặc bị sa lầy, nghĩa quân chém hơn 1000 thủ cấp, Thọ, Kỳ chạy  tháo thân về  Đông Quan. Nghĩa quân truy kích đến tận cầu Nhân Mục. Hồi đó, đường qua cầu Nhân Mục và các làng Mọc là thượng đạo để vào Kinh thành Thăng Long nên còn được gọi là đường Lai Kinh.  Toàn thư chép: “Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài mươi dặm, ta bắt sống hơn 500 tên”. 

 

Đống Thây còn một chút này...

         Khu Gò Đống Thây đang bị xâm phạm hàng ngày

 

Trước đó, ngày 20 tháng Bảy, Lý Triện cũng đánh nhau với quân Minh tại cầu Nhân Mục này, chém hơn hơn 1000 thủ cấp giặc, trong đó có nhiều tướng lĩnh như Đào Sâm, Tiền Phụ, Triệu Trình và bắt sống được tên Đô ty nhà Minh là Vi Lượng (Minh sử và Hoàng Minh thực lục chép tên Đô ty này là Viên Lượng).

 

Trong tất cả các bộ chính sử cũng như các công trình nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống quân Minh từ xưa đến nay đều ghi chép rất đầy đủ, chi tiết và đánh giá cao chiến thắng tại Nhân Mục. Trong sách Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước đầu thế kỷ XV của Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn có đánh giá: “Trận cầu Nhân Mục xảy ra ngay sát nách thành Đông Quan. Đó là một chiến thắng lớn của nghĩa quân, có tác dụng uy hiếp trực tiếp thành Đông Quan là căn cứ trung tâm của địch ở nước ta. Theo Minh sử, sau trận này, Lý Triện chia quân làm ba toán  thừa thắng tấn công đến sát đến cổng thành Đông Quan, nhưng vì lực lượng còn yếu nên phải rút lui”.

Sách địa chí  Từ sông Tô đến sông Nhuệ (Nhà xuất bản Hà Nội 1986) ghi lại sự kiện này và cho biết: “Cả hai trận đánh đều diễn ra trong phạm vi làng Mọc, hàng nghìn xác giặc được nhân dân chôn vào 6 cái hố lớn, đắp lên thành gò, gọi là “Đống Thây”, con đường lớn qua làng gọi là “Đường Vỡ” tức là trận của giặc bị vỡ tan tành”.

 

Từ điển địa danh Hà Nội của Bùi Thiết (NXB Văn hóa – Thông tin 1993) hay gần đây là cuốn Di sản văn hóa quận Thanh Xuân, Hà Nội (NXB Văn hóa – Thông tin  2000) và nhiều sách báo về Hà Nội đều giới thiệu di tích Gò Đống Thây, tương truyền là nơi chôn xác giặc Minh. Đặc biệt là Gò Đống Thây đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử năm 1990.

 

Khu gò này xưa nằm giữa cánh đồng mênh mông của làng Nhân Mục, nay mới nằm giữa khu dân cư của phường Thanh Xuân Trung. Theo cách truyền thống, chúng tôi tìm các vị “cố lão” địa phương để hỏi chuyện, nên rẽ vào đình Giáp Nhất. Hương Nhân Mục xưa chia thành Nhân Mục Môn và Nhân Mục Cựu, Giáp Nhất là một trong năm thôn của Nhân Mục Môn. Ông thủ từ đình Giáp Nhất nói, khi xưa chúng tôi vẫn được các cụ kể lại rằng đó là nơi chôn xác quân Minh. Đó là cái gò thâm thấp  ở  giữa cánh đồng, ít ai qua lại.

 

Đống Thây còn một chút này...

        Cụ Nguyễn Bá Đạm

 

Từ cầu Nhân Mục lịch sử nay đã được bê tông hóa, tôi hỏi thăm đến nhà cụ giáo Nguyễn Bá Đạm, Trưởng ban quản lý di tích Đình Giáp Nhất, năm nay 92 tuổi, có người gọi cụ là “người viết sử sông Tô”. Nhà cụ cách cầu chỉ dăm trăm thước. Cụ tiếp tôi trong gian phòng khách có các cổ vật bằng gốm thời nhà Hán và bức bình phong vốn của gia đình Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải. Cụ vốn là một giáo viên dạy sử, hay viết báo và là người chơi tiền cổ nổi tiếng ở Hà Nội. Cụ giáo Đạm cho biết: Từ xưa các cụ vẫn truyền lại rằng Gò Đống Thây là nơi vùi xác quân Minh. Dù không ghi chép vào bia đá như Tốt Động nhưng dân làng vẫn truyền từ đời này sang đời khác như vậy. Gần đây, đôi khi cũng có người nhầm là xác quân Thanh nhưng quân Thanh chôn ở chỗ Chùa Bộc, Đại học Thủy lợi bây giờ, khi xưa là đồn Khương Thượng. Nhân Mục chỉ có xác quân Minh. Trước đây gò Đống Thây trơ trọi giữa cánh đồng, không có cây cối hay thờ cúng gì cả. Vì vậy, hồi trẻ tôi cũng không ra đó bao giờ. Mãi sau này, khi Gò được xếp hạng, tôi là Trưởng ban quản lý di tích mới ra đó một vài lần. Khoảng năm 1992, sau khi được xếp hạng thì mới xây kè và làm một bàn thờ lộ thiên, để có chỗ thắp hương cho những oan hồn ở đó. Gần đây thì mới xây lại thành phương đình.

 

-Thưa cụ, Gò Đống Thây còn có tên là Gò Thất tinh, có phải ở đó có bảy cái gò hay chỉ mang tên như vậy?

 

-Ở đó chỉ có một cái gò Đống Thây thôi, nhưng còn gọi là gò Thất Tinh.

 

Thế ra Đống Thây không có bảy gò và không có “Kình quán” như có người viết ở  đâu đó. Tôi ngờ rằng, chữ “Thất tinh” cũng từ nguồn gốc Đống Thây mà ra. Trong Việt Nam phong tục –  phần Tang ma, cụ Phan Kế Bính viết: “Tục ta nhiều người tin theo thầy phù thủy, trong quan tài thường có mảnh ván đục sao Bắc đẩu thất tinh”. Sách Thọ mai gia lễ của Túy Lang Nguyễn Văn Toàn cũng ghi: ”Đặt trên nắp quan tài 7 ngọn nến tượng trưng cho 7 ngôi sao (thất tinh)”. Và phong tục này chúng ta thấy còn duy trì cho đến ngày nay. Theo quan niệm của người xưa thì trên thiên đình có nhiều vị thần nhưng người đời thờ kính hai vị là Nam Tào coi sổ sinh và Bắc Đẩu coi sổ tử. Việc thắp nến hay đục lỗ hình thất tinh – mang hàm ý người đó đã được ghi vào sổ tử, đã được Bắc Đẩu che chở. Do đó, các cụ dùng chữ “Thất Tinh” thay cho “Đống Thây” dùng trong văn viết, hay những phát biểu mang tính trang trọng cũng là điều dễ hiểu, phù hợp với tập tục địa danh thường có tên nôm và tên chữ, như Kẻ Mọc và Nhân Mục chẳng hạn.

 

Biến đổi văn hóa? 

 

Có một gò chôn thây giặc Minh được chép vào thư tịch cách gò Đống Thây khoảng 20 km về phía Tây, đó là gò Đống Mồ tại xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Gò này gắn liền với chiến thắng cầu Nhân Mục, trong những ngày cuối năm 1426 lịch sử đó, tại Tốt Động, nghĩa quân Lam Sơn đã chém chết Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lê Lượng và 5 vạn đầu giặc, giặc chết đuối rất nhiều nên sông Ninh Kiều tắc nghẽn. Đúng là “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi muôn dặm/ Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để ngàn năm” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi). Ta còn bắt sống hơn 1 vạn tên, thu khí giới, ngựa và xe cộ nhiều không kể xiết, chính tên Tổng binh Vương Thông cũng bị thương và chạy chí chết về Đông Quan. Xác giặc cũng được chôn thành nhiều nấm vào cánh đồng xã Tốt Động, từ đó nơi đây và mang tên là cánh đồng Mồ. 

 

Năm Tự Đức 19 (1866) triều đình cho thu nhặt hết hài cốt rải rác khắp cánh đồng vun thành đống rồi xây gạch bó xung quanh, trên gò dựng một ngôi miếu nhỏ, có đặt tấm bia “Di ngôn” ghi lại sự kiện này. Bia viết: “Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi được về đây, thoát cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương, hồn phách chập chờn như đom đóm…”. Hàng năm, cứ đến ngày 24 tháng Chạp, vài bô lão trong làng lại sửa lễ vật, gồm chân giò lợn, chai rượu, nồi cháo với ít vàng mã ra gò cúng và đọc bài văn tế do Cử nhân Bộ Lại Đặng Dĩnh Trai soạn, còn khắc trên bia. Bài văn tế (dịch) rằng: “Hỡi ôi các chúng hồn/ Sinh năm nào không biết/ Mất tuổi nào chẳng hay/ Chiều tà chỉ thấy cỏ xanh/ Trên những nấm mồ nối tiếp nhau/ Vua ta mở lòng nhân nghĩa / Cho thu nhặt hài cốt/ Theo sắc chỉ xây mồ/ Cùng chung một xứ mộ/ Hàng năm các vong hồn hãy nhớ/ Ngày này trở về đây/ Cùng nhau mà hưởng lộc/ Vì không có nơi nương tựa/ Chỉ có một be rượu/ Một cái chân giò lợn/ Ta trước cúng sau ăn/ Các người đừng e ngại”. Bài văn tế vừa thể hiện lòng nhân ái, vừa thể hiện được tư thế của người chiến thắng, vừa cao thượng vừa thân tình. Những người lính vì tham vọng của vua Minh mà bị bắt ra trận, lìa bỏ quê hương, cha mẹ, vợ con hành binh đến phương Nam xa xôi này cũng là nạn nhân của chiến tranh mà thôi. Mấy trăm năm qua gửi xác nơi đây, hẳn lòng nhân ái của người dân Việt cũng đã cảm hóa được các linh hồn lang thang uổng tử này. Nghe nói, suốt bao nhiêu năm qua, cứ mỗi khi Tốt Động cúng cô hồn ở Đống Mồ là trời đổ mưa.

 

Trong khi Tốt Động giữ gìn được nếp xưa thì Gò Đống Thây Nhân Mục biến đổi nhanh chóng. Năm 2001 Hà Nội xây dựng phương đình tám mái, mỗi bề chừng 6m, thay thế cho bàn thờ lộ thiên xây dựng trước đó gần chục năm. Hiện nay phương đình được treo mành che chắn bớt và giống như một ngôi đền, phía trên là bàn thờ lớn, có cỗ ngai, trên nữa là những bức tranh Phật được treo nhân một lễ cầu siêu trước đó, hai bên cột chính treo hai lá phướn. Nền đình trải ba chiếc chiếu dàn ngang để lễ bái và ngồi uống nước. Ở chiếc chiếu chính giữa có bày chuông và mõ như ở chùa. Bên cạnh có hòm công đức. Cả mấy lần tôi đến thăm thì đều thấy phương đình đang phát những bài hát chầu văn của đạo Mẫu.

 

Dường như người dân đang dần quên mất sự tích Gò Đống Thây, nơi gắn liền với các oan hồn giặc Minh bỏ mạng vì cuộc chiến tranh xâm lược, được hương khói để thể hiện lòng nhân ái và hòa hiếu của dân tộc ta. Nơi đây ghi dấu chiến công oanh liệt của cha ông trong hành trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, nhưng đang bị mai một, lịch sử đứng trước nguy cơ quên lãng. 

 

Việc thờ cúng vị “Thần Gò” ở Gò Đống Thây hiện nay là theo quan niệm dân gian trong thờ cúng các hiện tượng tự nhiên, cầu xin sức khỏe, tài lộc cũng phản ánh sự thích ứng của cuộc sống gấp gáp, có phần dễ dãi và vị lợi hiện nay, dẫn đến những biến đổi xa dần với bản sắc của di tích.

 

***

 

Đứng ở nhà phương đình nhìn ra bốn phía chỉ thấy cây lá xanh tươi, nhấp nhô nhà cửa tạm bợ, xa xa là những cao ốc, tôi không thể nào hình dung được cánh đồng Kẻ Mọc chất đầy xác giặc khi xưa và con đường Lai Kinh xinh xắn, không thể hình dung ra bao phen binh lửa xảy ra trên vùng đất Nhân Mục tấp nập hôm nay. Di tích quý giá Gò Đống Thây đang bị xâm lăng về cả hai phương diện, vật thể và phi vật thể (theo cách nói thời thượng). Đó là tệ lấn chiếm, bỏ hoang kéo dài hàng chục năm không được ngăn chặn, bảo vệ theo đúng Luật Bảo vệ di sản và để cho tòa phương đình thành một điểm tự do tín ngưỡng một cách tự phát không có định hướng. 

 

Tôi nghĩ trong nhiều việc phải làm thì trước hết, cần phải tiến hành nghiên cứu một cách cẩn thận để xác định sự kiện lịch sử gắn với ngôi gò này. Hồ sơ di tích về gò Đống Thây ghi rằng: “Gò Đống Thây hiện nay còn tại xã Nhân Chính là chứng tích hào hùng, oanh liệt của dân tộc ta đã chiến thắng giặc Minh trong cuộc khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Di tích Gò Đống Thây là một tư liệu quý, góp phần không nhỏ cho việc tìm hiểu quy mô và không gian thật của chiến thắng quân Minh… năm 1426” - Lý lịch di tích do Sở Văn hóa Thông tin và Ban quản lý Di tích – danh thắng Hà Nội lập năm 1993.

 

Nơi đây cũng cần dựng một tấm bia ghi lại sự kiện lịch sử vẻ vang năm Bính Ngọ 1426 diễn ra trên mảnh đất Nhân Mục cổ kính và hiện đại này, để mọi người hiểu đúng  giá trị sâu sắc của di tích, khơi dậy lòng tự hào về từng tất đất của cha ông. 

 

Dấu xưa còn một chút này, lẽ nào ta không bảo vệ và gìn giữ nguyên vẹn cho muôn đời con cháu mai sau nhỉ?!

 

Đống Thây còn một chút này...

 

Nữ Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung Trần Thị Thanh Bình dẫn tôi ra thăm Gò Đống Thây và cho hay: Di tích Gò Đống Thây được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng với diện tích 26.772m2, nhưng hiện nay có nhiều hộ dân làm nhà tá túc trong khu di tích, nhiều người biến nơi đây thành chỗ đổ phế liệu, diện tích thì bị thu hẹp dần, nhưng chưa giải quyết được. Nữ Chủ tịch ao ước Gò Đống Thây được tôn tạo thành một công viên đẹp mắt, vừa lưu dấu ấn lịch sử, vừa làm đẹp cảnh quan đô thị ở khu vực này.

 

Nguyễn Phan Khiêm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đống Thây còn một chút này...