Đại diện Ngân hàng VietinBank thừa nhận, đến khi có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì mới biết những hồ sơ mà Huyền Như làm giả là hồ sơ giả.
Mở đầu phiên xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm sáng nay 17/12, HĐXX mời đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank-Berjayan (gọi tắt là Công ty SBBC) phát biểu tóm tắt nội dung kháng cáo của mình. Đại diện Công ty SBBC khẳng định vẫn giữ nguyên kháng cáo.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như
Xung quanh việc chiếm đoạt số tiền của Công ty SBBS, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như khai rằng, thông qua Vũ Minh Hải, một nhân viên Công ty CP chứng khoán và Vũ Thị Mỹ Linh, Kế toán trưởng của Công ty SBBS, Như biết được Công ty SBBS có nguồn tiền lớn. Như đề nghị gửi vào VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh với lãi suất cao hơn so với quy định từ 2-6% năm. Sau đó, Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty SBBS với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè để huy động được 225 tỷ đồng.
Để chiếm đoạt được số tiền này, Như đã yêu cầu Công ty SBBS mở tài khoản tại VietBank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh. Khi Công ty SBBS chuyển tiền vào tài khoản của mình tại Vietbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Như đã làm giả các lệnh chi để chuyển trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như đã vay trước đó, chiếm đoạt 210 tỷ đồng.
Nhằm làm rõ hành vi lừa đảo trên, HĐXX, đại diện VKS và các luật sư đã tập trung hỏi bị cáo Như, Công ty SBBS, VietinBank về tính pháp lý đối với việc Công ty SBBS mở tài khoản tại VietinBank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh; về nguồn tiền của Công ty SBBS trong tài khoản của VietinBank được giải chi như thế nào, trong đó có 15 tỷ đồng chuyển trả lại cho chủ tài khoản; về trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện lệnh chi; khi thực hiện các lệnh chi, nhân viên giao dịch có biết là hồ sơ giải chi là giả không?...
Bị cáo Như khóc khi trở về trại giam
Tại phiên tòa, bị cáo Như và đại diện VietinBank đều thừa nhận hồ sơ của Công ty SBBS là hoàn toàn hợp lệ. Riêng số tiền 15 tỷ đồng chuyển trả ngược cho chủ tài khoản, đại diện VietinBank cho rằng, khi có lệnh chi của tài khoản thì ngân hàng phải thực hiện.
Trả lời câu hỏi của HĐXX và luật sư, bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh, nguyên là Giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh nại rằng, bản thân bị cáo không hề biết hồ sơ mà bị cáo Như đưa để thực hiện là hồ sơ giả. Đại diện Ngân hàng VietinBank cũng thừa nhận đến khi có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì mới biết những hồ sơ mà Huyền Như làm giả là giả.
Kết thúc phần thẩm vấn đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt 210 tỷ đồng của Công ty SBBS, HĐXX chuyển sang thẩm vấn đối với hành vi chiếm đoạt gần 125 tỷ đồng của Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu (gọi tắt Công ty Hoàn Cầu) và 170 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư An Lộc (gọi tắt Công ty An Lộc). Đại diện Công ty Hoàn Cầu và Công ty An Lộc đều giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Về phần thẩm vấn, HĐXX, đại diện VKS và các luật sư cũng tập trung xoay quanh những vấn đề cần làm rõ như Công ty SBBS.
Đối với số tiền của Công ty Hoàn Cầu, tại phiên tòa, Huyền Như khai rằng, bị cáo làm giả các lệnh chi của chủ tài khoản. Tiếp đó, bị cáo sử dụng máy tính của ngân hàng lấy danh nghĩa Chi nhánh VietinBank Nhà Bè để chuyển tiền qua hệ thống VietinBank đến các tài khoản của Công ty CP XNK Hoàng Khải, Công ty CP CK Phú Gia, Công ty TNHH Dung Vân với số tiền gần 125 tỷ đồng.
Còn số tiền 170 tỷ của Công ty An Lộc, Huyền Như khai rằng, bị cáo đã làm giả 3 lệnh chi của Công ty An Lộc để chuyển cho Công ty Thịnh Phát 50 tỷ đồng, cho Công ty Phú Vinh 120 tỷ đồng để trả nợ.
Ngoài ra, trong phần xét hỏi này, các luật sư tập trung hỏi về vai trò, trách nhiệm của bị cáo Huyền Như cũng như những người ký quyết định phân công công việc đối với Huyền Như tại thời điểm phạm tội….
Chiều nay 17/12, HĐXX tiếp tục làm việc.