Xây dựng đạo luật toàn diện về Tư pháp người chưa thành niên

Hà An| 31/08/2022 15:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 31/8, TANDTC phối hợp với Liên minh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn đối với Dự thảo Đề cương Luật tư pháp người chưa thành niên bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với 04 điểm cầu quốc tế (Úc, Mỹ, Đức và Indonesia).

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đồng chủ trì hội thảo.

anh-2.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước.

Về phía chuyên gia nước ngoài có ông Thomas Wiersing, đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam.

Đạo luật riêng phù hợp với đặc điểm lứa tuổi

Phát biểu tại khai mạc tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương đảng, Chánh án TANDTC cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Châu Á và thứ hai của thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em, cam kết đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em. Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam luôn chăm lo và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có xây dựng pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

anh-1.jpg
PGS. TS Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương đảng, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc hội thảo

Trên thực tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực này, đã bước đầu hình thành pháp luật về bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên trên thực tế chưa có đạo luật riêng, chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. Từ đó, nhu cầu nghiên cứu, hình thành một đạo luật riêng phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, có chính sách ưu đãi, thực thi quy trình tố tụng thân thiện để tránh tạo ra những tổn thương tiếp theo, tránh mặc cảm, hướng trẻ vị thành niên đi theo con đường hoàn lương sau sai phạm.

Từ thực tiễn cấp thiết đó, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật toàn khoá của Quốc hội, TANDTC xây dựng dự án luật đã nghiên cứu, biên soạn Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo đã thu hút nhiều quy phạm pháp luật nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau, khắc phục được những hạn chế của pháp luật hiện hành, nội luật hóa các cam kết quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều nền tư pháp khác nhau.

Quá trình xây dựng dự thảo, TANDTC đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học, các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư và các nhà hoạt động xã hội về trẻ em.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình hi vọng và tin tưởng rằng, với trách nhiệm cao cả và tình yêu đối với thế hệ trẻ, bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, các đại biểu sẽ có những đóng góp thiết thực, sâu sắc, chuyên nghiệp cho dự thảo, giúp Tòa án nhân dân tối cao hoàn thành dự án Luật với chất lượng cao để trình Quốc hội thông qua trong tương lai gần nhất.

Hướng tới xây dựng đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày tham luận và trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến góp ý thiết thực đối với dự thảo Đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên như sự cần thiết của công tác điều phối và phối hợp liên ngành hiệu quả; thủ tục thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới khi giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên; hệ thống biện pháp và chế tài xử lý liên tục từ nhẹ đến nặng, vai trò của nhân viên công tác xã hội trong mọi giai đoạn của tiến trình tư pháp người chưa thành niên cũng như việc phát triển các dịch vụ phúc lợi xã hội để giáo dục, phục hồi người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng.

anh-3.jpg
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu ý kiến.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICCEF tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của TANDTC trong việc đề xuất Luật Tư pháp với người chưa thành niên, thể hiện cam kết mạnh mẽ, liên tục của Tòa án trong việc tăng cường xử lý người chưa thành niên phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt. Thay vào đó, các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến sự phân tán và thách thức trong việc thực thi hiệu lực và hiệu quả. Việc đưa ra một luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng manh mún này.

Bà Lesley Miller cho rằng trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên theo các luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự.

anh-5.jpg
Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, một đạo luật toàn diện về Tư pháp cho người chưa thành niên là nền tảng của một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, trong đó quy định các nguyên tắc, mục tiêu, thủ tục, và dịch vụ đặc thù, được điều chỉnh cho phù hợp với người chưa thành niên

Còn bà Shelley Casey, chuyên gia UNICEF Việt Nam tại Úc cho biết việc xây dựng một đạo luật toàn diện là cách hiệu quả để hợp nhất và mở rộng các điều luật liên quan đến người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp và đưa ra những cải cách mạnh dạn để làm hài hòa hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam với chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới.

Một đạo luật toàn diện về tư pháp với người chưa thành niên sẽ quy định rõ ràng hơn việc xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên trong tất cả các giai đoạn của quá trình xử lý vi phạm hành chính và tư pháp hình sự và đảm bảo rằng tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan đến hệ thống tư pháp cùng hợp tác hướng tới các mục đích và mục tiêu chung.

Chuyên gia UNICEF Việt Nam tại Úc cho rằng, công ước LHQ về Quyền trẻ em quy định các quốc gia thành viên phải đưa ra quy định về một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng và chuyên biệt. Ủy ban LHQ về Quyền trẻ em khuyến nghị các quốc gia ban hành đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên để đưa ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Từ đó luật pháp quốc gia cần thúc đẩy cách tiếp cận khác về cơ bản đối với người chưa thành niên và đảm bảo rằng người chưa thành niên được xử lý riêng biệt với người thành niên ở tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng.

Kết luận hội thảo, thay mặt lãnh đạo TANDTC, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình gửi lời cám ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các ý kiến tham luận, trao đổi thảo luận rất thẳng thắn, tâm huyết về cơ bản đều ủng hộ chủ trương cần phải xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao sáng kiến của TANDTC trong việc đề xuất Luật Tư pháp với người chưa thành niên.

Đối với một số ý kiến đề nghị xem xét thêm về nội dung đối với dự thảo đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban soạn thảo đề cương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia hoàn thiện đề cương, trước khi trình Quốc hội thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đạo luật toàn diện về Tư pháp người chưa thành niên