Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào về câu chuyện thừa thiếu giáo viên?

Ngô Chuyên| 22/01/2018 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay cả nước thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh; 5.607 giáo tin học ở Tiểu học.

Số liệu trên được đại diện Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, do UBND TP.Hà Nội tổ chức.

Theo đó, với một số môn mới đưa vào chương trình sẽ phải tuyển mới hoàn toàn, đặc biệt với môn Ngoại ngữ đang thiếu nghiêm trọng ở cấp Tiểu học. Hiện cả nước thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh, 5.607 giáo viên tin học ở Tiểu học.

Theo như lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên tiếng Anh và 2.000 giáo viên tin học.

Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào về câu chuyện thừa thiếu giáo viên?

Ảnh minh họa.

Đại diện Bộ GD-ĐT khuyến cáo các địa phương cần ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tiểu học và tiếng Anh, tin học còn thiếu, hạn chế hoặc không tuyển các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, vì các môn học này giáo viên Tiểu học đã được đào tạo để dạy.

Nếu cấp Tiểu học xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thì cấp THCS lại đang thừa. Ở cấp học này, số giáo viên đang thừa là 9.246 (tính đến thời điểm tháng 11.2017). Bộ kiến nghị có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết tình trạng thừa giáo viên THCS.

Về cấp THPT, số được tuyển mới bổ sung thay thế giáo viên nghỉ hưu hàng năm sẽ khoảng 1.507 giáo viên, cộng với số giáo viên cần tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 2.250.

Trên cơ sở số giáo viên đang thừa khoảng 8.874, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới hợp lý, trong đó ưu tiên tuyển 5.400 giáo viên dạy môn nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) để bắt đầu dạy môn học này từ năm 2021.

Chia sẻ về kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay Bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó, các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới ví dụ như: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Khóa học xã hội.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước. Theo đó, mỗi môn học sẽ có 2 giáo viên được lựa chọn/ tỉnh/ thành phố để bồi dưỡng cốt cán khoảng 8 ngày vào kỳ 2 năm 2019. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà qua mạng.

Bộ GD-ĐT cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, giáo viên Lịch sử có thể dạy cả Địa lý và ngược lại, đảm bảo tất cả giáo viên sẽ đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào về câu chuyện thừa thiếu giáo viên?