Xả thải xuống biển Bình Thuận: Yêu cầu giám sát đặc biệt Điện lực Vĩnh Tân 1

Duy Uyên| 14/07/2017 14:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước sự việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất xuống biển, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận đã tỏ ra lo ngại và kiến nghị cần đưa Điện lực Vĩnh Tân 1 vào giám sát đặc biệt.

Theo Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cấp ngày 23/6/2017, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm 918.533 m3 chất nạo vét khu nước trước bến và vũng quay tàu xuống khu vực biển đã được chọn ở vùng biển Bình Thuận trên diện tích 30 ha. Với khối lượng và diện tích này, lượng xả thải của Vĩnh Tân 1 bằng của cả thế giới hiện nay.

Trước vấn đề này, tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Bình Thuận khai mạc ngày 13/7 vừa qua, các đại biểu đã giành gần 1 giờ đồng hồ để nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin về việc cấp phép “nhận chìm” bùn, cát từ hoạt động nạo vét cảng xuống biển cho Công ty  Điện lực Vĩnh Tân 1.

Xả thải xuống biển Bình Thuận: Yêu cầu giám sát đặc biệt Điện lực Vĩnh Tân 1

Bản đồ vị trí nạo vét, nhận chìm và quan trắc trên biển Vĩnh Tân.

Theo đó, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) đã thông tin, sau khi Bộ TN-MT nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép với sự tham gia của 22 thành viên.

Qua xem xét, hồ sơ xin cấp phép nhận chìm đã phù hợp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và quy định của luật pháp Việt Nam.

Do vậy, ngày 23/6, Bộ TN-MT đã cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm ra biển gần 1 triệu m3 vật liệu nạo vét thu được từ việc thi công vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ của nhà máy.

Vật, chất được phép nhận chìm thuộc danh mục được nhận chìm ở biển gồm: 20% là bùn, 80% là cát, sỏi, vỏ sò,… Khu vực nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong) 8km.

Phương tiện nhận chìm là các sà lan phễu chuyên dùng, nhận chìm theo hình thức mở đáy sà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật, chất nhận chìm.

Việc nhận chìm từ tháng 6 đến tháng 10, tức là vào mùa gió Tây Nam, để đảm bảo bùn lắng phát tán trong nước không lan đến khu vực Hòn Cau cũng như khu vực nuôi tôm giống.

Việc nhận chìm cho phép tiến hành từng bước, dưới sự kiểm tra, quan trắc môi trường biển một cách chặt chẽ của các đơn vị liên quan.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức Change Việt Nam nhận xét: "Đã có quá nhiều vụ khủng hoảng về xả thải môi trường trong năm vừa qua, gây bất ổn trong xã hội. Bộ TN-MT cần minh bạch hơn trong các quyết định của mình. Ở Việt Nam, dù có quy định nhưng mọi thứ như  Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đều không được công khai. Từ đó các nhà đầu tư cứ chọn phương án rẻ nhất, thuận tiện nhất mà bất chấp những tác động xấu đến môi trường. Nếu như cứ tiếp diễn như vậy thì mọi rủi ro về môi trường, kinh tế, sinh kế cộng đồng sẽ lãnh đủ".

“Chúng tôi đã xem xét một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, trách nhiệm nên việc nhận chìm ảnh hưởng đến môi trường biển nói chung, Khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng là không đáng kể”, ông Phạm Ngọc Sơn, khẳng định.

Ông Phạm Ngọc Sơn cũng cho biết, chương trình quan trắc, giám sát độc lập do Viện Hải dương học đảm nhiệm tại 13 vị trí, khống chế toàn bộ khu vực cần bảo vệ. Hoạt động nhấn chìm sẽ không ảnh hưởng lớn đến môi trường biển.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện vẫn băn khoăn và cho rằng "chưa tin vào kết quả quan trắc" và đặt câu hỏi "liệu rằng kết quả đấy có khách quan hay không". Đại biểu cũng mong muốn rằng, phải làm sao để "dân người ta tin, chứ có nhiều việc người ta không tin lắm".

Trước những băn khoăn này, ông Sơn khẳng định, cơ quan giám sát quan trắc là cơ quan độc lập không có liên quan gì đến lợi ích của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 hay của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do vậy, đây là cơ quan độc lập chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả của mình.

Qua thảo luận, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kết quả giám sát. Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa Công ty Điện lực Vĩnh Tân vào giám sát đặc biệt về môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, rất nhiều các chuyên gia đã bày tỏ ý kiến của mình, đa số đều cho rằng, việc cấp phép nhận thèm hàng triệu mét khối chất thải xuống biển sẽ tạo tiền lệ xấu và không tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho rằng: "Chúng ta cứ lo việc cấp phép xải thải 1 triệu m3 sẽ tạo tiền lệ xấu thế nhưng không ngờ nó lại xảy ra nhanh như vậy. Có vẻ như đã có sự chuẩn bị từ trước".

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức Change Việt Nam, bức xúc: "Bất cứ ai có kiến thức môi trường cơ bản cũng có thể hiểu rằng việc đổ hàng triệu mét khối bùn cát thải xuống sẽ gây tác động không nhỏ tới môi trường biển. Tôi rất lo cho khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ không còn tồn tại. Các doanh nghiệp, người dân sống phụ thuộc vào kinh tế biển ở khu vực này sẽ sống bằng gì khi môi trường bị ô nhiễm? Việc Bộ TN-MT vẫn cấp phép cho việc xả thải là ngược lại với sứ mệnh chính của bộ này và xu hướng phát triển của xã hội".

Trong khi đó, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nêu hàng loạt câu hỏi: "Đã có đánh giá ngưỡng chịu tải của môi trường biển khi đổ hàng triệu tấn chất thải xuống đó chưa? Cơ chế đền bù nếu có sự cố xảy ra như thế nào? Việc này có được các bên có khả năng bị ảnh hưởng đồng ý hay không ? Cần công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phê duyệt khu đổ thải để cộng đồng khoa học và người dân phản biện, giám sát. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xả thải xuống biển Bình Thuận: Yêu cầu giám sát đặc biệt Điện lực Vĩnh Tân 1