Người gìn giữ những khoảnh khắc lịch sử

Trọng Nghĩa| 20/02/2018 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhắc đến cái tên Nguyễn Đình Phòng (sinh 1926 - 2015), nhiều người chỉ biết ông từng là cán bộ cấp cao Bộ Nội vụ, Luật gia hay Hội thẩm nhân dân của TAND TP.Hà Nội…

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng ông Phòng đồng thời cũng là một nhà báo, nhà thơ, nhiếp ảnh gia với rất nhiều tấm ảnh, bộ phim tư liệu quý giá về những khoảnh khắc của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Thắp lửa ký ức

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Minh Lan - con gái của ông Nguyễn Đình Phòng, người hiện trông coi “gia tài” đặc biệt của bố mình để lại - và được chiêm ngưỡng khối tài sản đặc biệt của ông Nguyễn Đình Phòng, ở tổ dân phố Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

Nhân lúc chờ bà Lan pha trà mời khách, chúng tôi quan sát những bức tranh trên tường thì nhận ra ông Phòng có rất nhiều bức ảnh tư liệu quý giá, như bức đứng cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bức ảnh chụp tại Điện Biên Phủ sau những năm 1954 cùng đồng đội của ông, rồi những bức ảnh của ông bằng gỗ có in dòng chữ “các em là đội cảm tử, các em quyết tử để cho Tổ quốc  quyết sinh - Hồ Chí Minh”…

Qua những thước phim tư liệu lịch sử được trưng bày, chúng tôi dần mường tượng ra ông, người chiến sĩ của Đội Cảm tử quân năm xưa, người cùng với đồng đội của mình sẵn sàng ôm bom vào lòng địch với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ông Phòng còn trực tiếp tham gia nhiều trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà báo, một nhiếp ảnh gia trong suốt hai cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chỉ cần vậy thôi, trong lòng chúng tôi đã dâng lên niềm cảm phục và ngưỡng mộ. Thế nhưng, đó mới chỉ một vài chi tiết nhỏ về ông...

Rời khỏi phòng khách, ông bà Lan đưa chúng tôi lên phòng của bố mình. Mặc dù ông Phòng đã mất được gần 2 năm, nhưng mọi đồ đạc vẫn được con cháu lưu giữ nguyên hiện trạng. Mọi đồ vật, cách bài trí trong phòng vẫn giống như  lần chúng tôi từng được gặp trò và trò chuyện cùng ông, cách đây hơn 2 năm về trước. Bà Lan đưa dẫn chúng tôi đi tham quan, chỉ vào từng khối “tài sản” mà bố mình để lại. Đây là chiếc tủ kính với nhiều loại máy ảnh đã theo ông suốt những năm kháng chiến; kia là những cuốn sổ ghi chép của một thời đạn bom được xếp ngay ngắn bên cạnh những tờ báo được xuất bản từ những năm 1950; còn kia là những trang tài liệu lịch sử, những thước phim về cuộc chiến tranh cứu quốc của nhân dân Việt Nam và đặc biệt hơn nữa là những cuốn phim tư liệu về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Căn phòng của ông không lớn nhưng cũng đủ rộng để lưu giữ những tài liệu của lịch sử quý giá, là nơi ông dành riêng cho việc lưu trữ tài liệu sách báo. Đầu tiên, bà Lan cho chúng tôi xem những chiếc máy ảnh với nhiều loại khác nhau, đó là những kỉ vật của chiến tranh và của những năm tháng ông Phòng làm ở Bộ Nội vụ.

“Bố tôi mê chụp ảnh lắm, nên đi đâu ông cũng mang máy ảnh đi, bất cứ sự kiện gì, ông cũng có một vài bức ảnh làm kỉ niệm, những bức ảnh này đều tự tay ông làm ra cả đấy”, bà Lan tâm sự.

Người gìn giữ những khoảnh khắc lịch sử

Ông Nguyễn Đình Phòng lúc sinh thời đến chúc thọ và tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bức hình do mình chụp

Bên cạnh đấy, là những cuốn album ảnh mà ông Phòng là người chụp và sưu tầm. Những bức ảnh ông đứng bên Bác, bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên những chiến sĩ Điện Biên một thời khói lửa đạn bom. Những giây phút đau thương, những khúc ca bi tráng một thời đều được ông Phòng lưu vào hình ảnh. Và hiện tại, nhiều hình ảnh tư liệu quý giá chỉ duy nhất mình ông lưu giữ được.

Bên cạnh những tấm ảnh là hơn 600 cuốn phim về Bác Hồ, về tội ác chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây cho nhân dân Việt Nam,… đó là những thước phim mà chính ông Phòng quay được nên nó rất có giá trị và nhiều phim chưa được công bố. Cầm cuốn phim trên tay, bà Lan trăn trở: “Kho dữ liệu này trước khi mất bố tôi muốn chuyển sang dạng đĩa, vì bây giờ, máy phát bằng băng người ta ít dùng. Hơn nữa, gia đình tôi cũng muốn mang những cuốn tư liệu này đến bảo tàng để đông đảo mọi người biết đến những trang sử hào hùng của dân tộc ta…”.

Theo lời bà Lan kể, khi miền Bắc được độc lập, ông trở về công tác tại Bộ Nội vụ và được giao phó nhiều nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trong đó có việc giám sát thi công mặt đá tại Lăng Bác. Với ông Phòng, đó là nhiệm vụ  thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Cùng với đó, ông được giao nhiệm vụ viết, biên tập những cuốn sách mang tính chiến lược quân sự, những cuốn “Cẩm nang của nhà binh” và được giao nhiều nhiệm vụ trọng yếu ở các khu căn cứ quân sự.

Cầm trên tay những cuốn sổ tay có ghi ngoài trang bìa hai chữ “Tuyệt mật”, theo bà Lan bảo “đây là những trang tư liệu bí mật, không thể đưa ra ngoài được, nó ghi chép lại toàn bộ quá trình bố tôi công tác ở Bộ Nội vụ, trong đó ghi chép cả chuyến tôi đạp xe đạp từ Hà Nội vào mặt trận Quảng Trị năm xưa”.

Trăn trở, thao thức với cuộc đời

Khi biết đến cái “Bảo tàng lịch sử thu nhỏ” ở Quốc Bảo, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội, nhiều người đã gọi ông Phòng với cái danh xưng “Người lưu giữ những sự kiện đất nước”. Không phải đơn thuần mà người ta gọi vậy, mà vì ông lưu giữ toàn bộ sách báo có từ sau đất nước được thành lập. Ông Phòng dành riêng một kệ sách viết về Bác Hồ, một kệ riêng viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, một kệ riêng viết về những câu chuyện kháng chiến… và cả một hàng dài những số báo, số tạp chí viết từ những năm 1950 đến nay. Qua những số báo đó, có thể thấy nhiều sự kiện của đất nước đều được lưu giữ lại cho đến tận bây giờ. “Năm 1972, Mỹ quay lại bắn phá miền Bắc, nhà tôi trúng một quả bom, nên cháy mất mấy tạ báo và hình ảnh, tiếc lắm”, bà Lan kể lại.

Đến nơi lưu giữ báo, bà Lan dừng lại khá lâu ở tập báo Nhân dân, số ra vào tháng 9/1969. Đây là số báo mà trước đó ông Phòng lưu giữ cẩn thận nhất, ghi lại toàn bộ diễn biến bệnh tình của Bác trong những ngày cuối đời. Nơi đó, lưu giữ niềm vui chiến thắng của nhân dân ta, những bức thư chúc mừng chiến thắng và cũng là nơi in ấn những bức điện chia buồn của các nước khi Bác ra đi. Rồi những tờ báo viết về các chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi những trận đánh trên vùng biên giới 1979,…

Nhìn những cuốn sách báo này, lúc sinh thời ông Phòng bảo: “Có nhiều tư liệu quý vậy mà rất ít người đọc. Những người bạn già thì bảo tôi dở hơi, lưu giữ những tờ báo này làm gì, còn những cô cậu bạn trẻ thì cũng không chú ý tới vì họ đâu cần mấy số báo này, có gì họ lên mạng là biết thôi”.

Với nỗi buồn khi không mấy người có chú ý đến việc lưu giữ báo chí, khi còn sống, ông Phòng vẫn hay có thói quen lật từng trang báo, từng trang sách, và ngẫm về văn hóa đọc của mọi lứa tuổi hiện nay, đặc biệt là mấy ông cán bộ địa phương. Nói theo cách của ông thì “các ông cán bộ có mấy người đọc báo, thậm chí cả dòng chữ to cũng không đọc ?”.

Qua phân tích, trên dòng nhật ký ông Phòng chỉ ra rằng, sự phát triển của báo mạng khiến người ta lười cập nhật thông tin qua báo giấy. Đó cũng là điều tốt, song lại có mặt hạn chế của nó, cái hạn chế trước hết là độ tin cậy của thông tin, cái hạn chế thứ hai là làm cho người ta lười tư duy và ý thức đọc sách cũng mất đi.

Với những trải nghiệm của một người bước ra từ chiến trường, là cán bộ cấp cao của nhà nước và là một người có trong tay những tư liệu lịch sử, ông Phòng đã lập kế hoạch và viết sách khá nhiều sách, báo. Ông đã từng soạn thảo cuốn sách viết về sự thực, tội ác của đế quốc xâm lược đối với nhân dân Việt Nam.

Qua tác phẩm của mình ông Phòng chỉ mong sự thật được nêu ra để người ta biết quý trọng hòa bình hơn, biết giữ gìn và xây dựng đất nước hơn. Còn xét trên phương diện là một nhà thơ, thì nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Huy một lần đến thăm ông Phòng và để lại dòng lưu bút: “Thơ ông gần gũi, mạnh mẽ, khẳng định được lòng trung thành của ông đối với Đảng với nhân dân và nhiều bài thơ cũng lột tả được cảnh đẹp của non song đất nước”.

Quan sát và cách thức nâng niu khối tài sản là “kho tư liệu”, chúng tôi hiểu “đứa con tinh thần” này có giá trị như thế nào đối với ông Phòng. Nhờ vậy mà có số báo dù được in ấn, phát hành từ hơn nửa thế kỉ về trước, đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.

Bà Lan tâm sự: “Việc lưu giữ những số báo này đối với ông Phòng nó không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm. Cũng vì vậy, lúc ông còn sống, dẫu ở cái tuổi xưa nay hiếm, lưng đã còng, gối đã chùng, chân đã mỏi nhưng với ý chí, nghị lực của một chiến sĩ cách mạng, một nhà báo, nhà thơ, bố tôi luôn trăn trở, mong thế hệ sau này có thói quen trân trọng những giá trị lịch sử”.

Theo di nguyện, của bố mình cũng là của người thân trong gia đình ông Phòng, mong muốn qua kho tư liệu thu nhỏ, thế hệ mai sau biết trân trọng và bảo vệ những giá trị lịch sử. Thời gian chúng tôi gặp bà Lan dường như trôi nhanh hơn, bởi bị hút vào những thước phim lịch sử… Chia tay gia đình người thân ông Phòng, khi trời đã ngả chiều, chúng tôi thầm hẹn, nhất định một ngày nào đó sẽ trở lại thăm gia đình để được lắng nghe thêm những điều thú vị và xem trọn những thước phim lịch sử…. Và điều quan trọng hơn, là được hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp đầy thăng trầm của ông Nguyễn Đình Phòng, một người lính, một cán bộ luôn trăn trở, thao thức với cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người gìn giữ những khoảnh khắc lịch sử