Do sự lây lan khắp nơi của biến thể Omicron, các chủng virus Corona mới có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trên thế giới. Đây là ý kiến nhận định của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
“Đại dịch này vẫn chưa kết thúc ở bất kỳ đâu, và với sự lây lan toàn cầu đáng kinh ngạc của chủng Omicron, có khả năng các biến thể mới sẽ xuất hiện. Đó là lý do tại sao việc theo dõi và đánh giá tình hình là vô cùng quan trọng”, người đứng đầu WHO cho biết tại cuộc họp báo ở Geneva.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ghebreyesus kêu gọi cộng đồng thế giới đảm bảo để vaccine chống lại COVID-19 và các phương tiện khác chống lại sự lây nhiễm được phân phối một cách công bằng.
Theo ý kiến của ông, nhân loại có thể bước vào “giai đoạn bất bình đẳng vaccine thứ hai, thậm chí còn tàn khốc hơn” nếu mô hình phân phối vaccine ngừa COVID-19 hiện tại không thay đổi trong tương lai gần.
“Chúng ta cần đảm bảo sẽ chia sẻ các loại vaccine hiện có trên cơ sở bình đẳng”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Mặc dù việc tiêm vaccine để ngăn ngừa nhiễm bệnh và lây lan đối với chủng Omicron ít hiệu quả hơn so với các chủng khác, nhưng ông Ghebreyesus nói rằng, đây vẫn là biện pháp đặc biệt hữu hiệu trong việc ngăn ngừa bệnh diễn biến nghiêm trọng và tử vong.
Theo số liệu thống kê worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 338.369.256 ca, trong đó có 5.579.889 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới. Hiện nay, biến thể Omicron đang là biến thể chiếm đa số ca mắc tại các điểm dịch nóng của thế giới.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 272.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 59 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 19/1, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.