Tòa tuyên án

Vụ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Không vi phạm quy định một hành vi bị xét xử 2 lần

Mạnh Hùng 22/10/2023 - 14:02

Trong phần tranh luận với các bị cáo, luật sư vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đại diện VKS cho rằng, việc các bị cáo bị truy tố, xét xử lần này là không vi phạm quy định một hành vi bị xét xử 2 lần, như luật sư và bị cáo nêu.

79fe1e93-7b95-4549-ac12-eb0a254ce402.jpeg
Đại diện VKS đưa ra quan điểm đối đáp với các luật sư và bị cáo

Sáng nay (22/10), phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi bước sang ngày làm việc thứ 7, tiếp tục diễn ra ở phần tranh luận. Theo đó, tại phiên tòa, đại diện VKS đã đối đáp các quan điểm bào chữa của luật sư, bị cáo và những người liên quan trong vụ án.

“Không vi phạm quy định một hành vi bị xét xử 2 lần”

Liên quan nội dung các luật sư và bị cáo cho rằng một hành vi nhưng bị xử lý hai lần, đại diện VKS cho rằng, nhận định này là không đúng.

Với 6 bị cáo bị xét xử trong giai đoạn 1, VKS đánh giá, hành vi bị xét xử lần này chỉ cùng phương thức thực hiện hành vi phạm tội chứ không thể xét là cùng một hành vi mà bị xét xử 2 lần. Đại diện VKS nhấn mạnh: “Do đó, việc các bị cáo bị truy tố, xét xử lần này là không vi phạm quy định một hành vi bị xét xử 2 lần, như luật sư và bị cáo nêu’’.

Các luật sư cho rằng, ITSTS (Phân viện KHCN GTVT phía Nam) không có chức năng giám định, giám định viên không đảm bảo quy định pháp luật, nội dung giám định không đầy đủ theo quyết định trưng cầu của cơ quan điều tra, bác bỏ kết luận giám định của ITSTS ban hành...

Về việc này, VKS thấy ITSTS có chức năng giám định, giám định viên có đầy đủ điều kiện giám định tư pháp, do đó việc ban hành quyết định giám định tư pháp là có căn cứ đúng pháp luật.

Theo Quyết định 4305 năm 2015 của Bộ GTVT thì ITSTS là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực GTVT; theo Quyết định 3892 của Bộ trưởng GTVT, bổ sung danh sách các cá nhân tổ chức giám định viên tư pháp theo vụ việc, kèm theo phụ lục có tên 3 giám định viên này.

1f1cc72f-36d6-4180-9605-26e30853f4f2.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Đến nay chưa có quyết định thay thế 2 quyết định này, do đó ITSTS có quyền hạn, nghĩa vụ giám định, các giám định viên này là giám định viên lĩnh vực GTVT. Do vậy cơ quan cảnh sát điều tra có quyết định trưng cầu giám định tới ITSTS và 3 giám định viên là đúng thẩm quyền. ITSTS ra kết luận giám định theo quyết định trưng cầu này là hoàn toàn có căn cứ pháp lý và đúng luật, do vậy nội dung kết luận là có căn cứ, đúng pháp luật.

Về các ý kiến cho rằng phương pháp giám định không đảm bảo khách quan, chính xác VKS cho rằng, tại phiên tòa HĐXX, các luật sư và bản thân VKS đã hỏi giám định viên. Theo đó, giám định viên trả lời sử dụng phương pháp tổng hợp bao gồm cả quan sát bằng mắt thường, phương pháp phá hủy và không phá hủy. Đại diện VKS nói: “Trước khi tham gia vụ án, tôi đi làm rất nhiều trên tuyến đường này, tôi nhận thấy mặt đường luôn có chỗ được trát mới thể hiện nhà thầu thi công phải sửa chữa hiện tượng bong tróc mặt đường nhựa. Bản thân tôi chứng kiến hiện tượng bong tróc thành ổ trên cả 2 tuyến’’.

Một hiện tượng nổi bật thứ hai là về hiện tượng lún vệt bánh xe, xe sau đi theo xe trước, cứ như vậy, tạo nên vệt lún rất sâu, "chúng tôi đã chụp ảnh''.

Dự án khi mới đưa vào sử dụng đã xảy ra điểm hư hỏng trên mặt đường, đã được dư luận xã hội phản ánh, báo chí đã nói rất nhiều về thi công, nghiệm thu con đường có nhiều vấn đề.

3280fb80-49cd-4492-8e80-04a763e18204.jpeg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

VKS cho biết, giai đoạn 1 có 380 điểm phỏng (bong tróc trong mặt đường), giai đoạn 2 có 162 điểm phỏng. “Chủ đầu tư đều thông báo đến nhà thầu, nhà thầu đã nhận được, xác nhận và sửa chữa, không thể nói trước phiên tòa là chúng tôi không biết gì về hư hỏng’’, đại diện VKS nói.

Ngoài ra, VKS cho biết thêm, con đường đưa vào khai thác sử dụng thì phải thu phí, theo báo cáo của VEC thì tổng số tiền thu phí đến nay là 2.500 tỉ đồng, trong khi tổng đầu tư đối với tuyến đường trên 12.000 tỉ đồng, không thể nói số thu vượt thiệt hại của vụ án.

Hậu quả đặc biệt lớn

Về trách nhiệm dân sự, VKS nêu vụ án được xác định có hậu quả đặc biệt lớn, trên 460 tỉ đồng. Số tiền trên có nguồn gốc Nhà nước vay vốn chủ yếu của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Thiệt hại này được xác định do hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng trong quá trình tổ chức thi công, nghiệm thu không đúng quy định pháp luật, đã chứng minh mối quan hệ nhân quả hành vi thiệt hại, theo chế tài luật hình sự những người nào gây ra hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó các bị cáo phải liên đới bồi thường.

Các bị cáo là người của các nhà thầu. Chủ đầu tư và các nhà thầu có quan hệ hợp đồng thi công và chủ đầu tư trả tiền cho nhà thầu, cho cả khối lượng không đảm bảo chất lượng - được xác định là thiệt hại của vụ án.

1a397d51-99fb-40d7-aad9-43395352a920.jpeg
Một góc phiên tòa

Theo dòng tiền thì nhà thầu đang sử dụng số tiền này, cho nên các gói thầu mà người của nhà thầu phạm tội, thì nhà thầu phải có trách nhiệm bồi thường cho VEC số tiền đó.

Đối với các bị cáo không thuộc nhà thầu, chủ đầu tư, Ban QLDA thì nhà thầu vẫn phải hoàn trả lại số tiền đã được thanh toán cho gói thầu đó cho chủ đầu tư. Đại diện VKS nói: “Nhà thầu có quyền yêu cầu các bị cáo trả lại số tiền mà nhà thầu đã trả cho chủ đầu tư’’.

Quan điểm luật sư của các nhà thầu

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX buộc 22 bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại 460 tỉ đồng, 5 nhà thầu phải bồi hoàn theo hợp đồng.

Trong các ngày xét xử vừa qua, hai nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Sơn Đông và Giang Tô không được tòa chấp nhận tư cách người đại diện do giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự.

Phát biểu quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, luật sư của 2 nhà thầu này nhấn mạnh phản đối toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ đầu tư VEC bởi không có căn cứ pháp lý.

Luật sư cho rằng, hai nhà thầu Trung Quốc nằm trong top "50 nhà thầu lớn nhất toàn cầu". Tại Việt Nam, ngoài dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tập đoàn Sơn Đông còn là nhà thầu thi công nhiều dự án cao tốc khác.

Với chất lượng thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hai nhà thầu đã thực hiện đúng hợp đồng, với quy chuẩn chủ đầu tư yêu cầu. Đến nay chất lượng công trình vẫn đảm bảo, "các thiếu sót hỏng hóc chỉ mang tính cục bộ, sửa chữa được".

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét ba nội dung: Tách yêu cầu bồi thường dân sự của VEC với các nhà thầu để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác, xét xử bởi cơ quan tài phán có thẩm quyền; trả hồ sơ điều tra, xác minh lại thiệt hại và phân định trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan vụ án; xác định đúng giá trị thiệt hại của vụ án và phần trách nhiệm của tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế,...

Tiếp đó, luật sư và đại diện hai nhà thầu Lotte E&C và Posco E&C (Hàn Quốc) cũng phản đối việc VEC yêu cầu các nhà thầu bồi thường với lý do "giám định kết luận không đúng, không chính xác, không đủ sức thuyết phục".

Đại diện Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) nhấn mạnh, "không đổ lỗi cho cá nhân người lao động của VEC, của nhà thầu hay tư vấn giám sát, nhưng nhà thầu vô cùng thiệt hại, cả về người và của. Nhà thầu chưa biết bao giờ mới lấy lại được 157 tỷ VEC đang giữ lại".

Đại diện CC1 mong HĐXX xét xử công minh để giảm án cho không chỉ riêng 2 bị cáo thuộc gói thầu CC1 phụ trách, mà cho tất cả 20 người còn lại.

* Theo hồ sơ vụ án, Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT giao VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km.

Quá trình thực hiện dự án, 22 bị cáo trong vụ án có nhiều sai phạm dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước 460 tỉ đồng.

Có 5 nhà thầu thi công dự án, được triệu tập đến tòa với tư cách bị đơn dân sự gồm gói thầu A1 nhà thầu là liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Lotte. Gói thầu A2 có nhà thầu là Tập đoàn Sơn Đông, gói thầu A3 là nhà thầu Giang Tô, gói thầu A4 nhà thầu Lotte E&C, gói thầu A5 nhà thầu Posco E&C.

Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền là 460 tỉ đồng. Cụ thể, thanh toán cho nhà thầu của gói thầu A1 là 47,5 tỉ đồng; gói thầu A2 là 129 tỉ đồng; gói thầu A3 là 85 tỉ đồng; gói thầu A4 là 127 tỉ đồng và gói thầu A5 là 71 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Không vi phạm quy định một hành vi bị xét xử 2 lần