Vừa qua, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Trần Thị Kim Phương (SN 1965, ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại khoản 4, Điều 174 - BLHS năm 2015.
Theo cáo trạng, ngày 19/8/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai nhận được đơn tố cáo Phương của chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1982, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Trong đơn tố cáo, chị Thảo tố Trần Thị Kim Phương đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị thông qua hình thức nhận xin cho chị Thảo vào làm kế toán tại trường Đại học Ngoại Thương.
Ngoài chị Thảo, cơ quan chức năng còn nhận được đơn tố cáo của hơn chục người khác tố cáo Phương.
Theo đó, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Phương là lao động tự do, mặc dù không có chức năng và khả năng xin việc làm, xin học nghề nhưng để có tiền chi tiêu, Phương đã dùng thủ đoạn gian dối giới thiệu với những người quen biết bản thân có mối quan hệ rộng, có thể xin được vào biên chế trong các ngành y tế, giáo dục, thuế…Tưởng thật, nhiều người đã nhờ Phương xin việc giúp người thân của mình.
Bị cáo Trần Thị Kim Phượng tại phiên tòa xét xử
Trong số các bị hại, có ông Lê Văn Bằng (SN 1959, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tài liệu điều tra thể hiện, khoảng đầu tháng 7/2014, ông Bằng cùng công tác tại Công an phường Mai Động (quận Hai Bà Trưng) với Nguyễn Thành Phong - con trai Trần Thị Kim Phương.
Qua nói chuyện, ông Bằng được Phong cho biết mẹ mình có nhiều mối quan hệ quen biết, có khả năng xin được việc làm tại các cơ quan. Tin Phong, người đàn ông này đã xin số điện thoại của Phương để trao đổi. Sau đó, ông Bằng dẫn cháu gái là Lê Thị Trang (SN 1991, quê Lào Cai) đến gặp Trần Thị Kim Phương.
Gặp nhau, Phương cam kết xin được việc cho chị Trang vào làm việc tại Tổng cục Thuế với chi phí 500 triệu đồng. Nhận 500 triệu đồng ông Bằng ứng cho cháu gái và hồ sơ xin việc, Phương viết giấy nhận vay tiền, hẹn đến tháng 4 sẽ trả toàn bộ.
Tuy nhiên, khi đã hết thời hạn cam kết, chị Trang và ông Bằng không nhận được thông báo đi làm. Thấy vậy, ông Bằng đã yêu cầu Phương trả lại tiền nhưng Phương khất lần không trả.
Đến nay, Phương mới trả được cho ông Bằng 200 triệu đồng, còn lại 300 triệu đồng, Phương chiếm đoạt sử dụng cá nhân.
Cáo trạng cũng cho thấy, qua mối quan hệ xã hội, bà Nguyễn Thị Phương (SN 1960, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) quen biết với Trần Thị Kim Phương. Khoảng tháng 3/2016, bà Phương được Trần Thị Kim Phương cho biết bản thân có nhiều mối quan hệ rộng, có khả năng xin được việc làm.
Tưởng thật, bà Phương đã nhờ Kim Phương xin cho con gái của mình vào làm việc tại Đại học Ngoại Thương. Nhận lời, Trần Thị Kim Phương nói với bà Phương giá xin việc vào Đại học Ngoại Thương là 800 triệu đồng. Bà Phương chấp nhận, sau đó chuyển trước cho Trần Thị Kim Phương 150 triệu đồng.
Khi đã nhận số tiền đặt cọc trên xong, vài ngày sau Kim Phương yêu cầu bà Phương giao thêm 650 triệu đồng cho mình. Tổng số tiền Kim Phương đã nhận của bà Phương là 800 triệu đồng.
Đến ngày 21/3/2016, Kim Phương đưa cho bà Phương 1 bản photo quyết định tuyển dụng cán bộ do Đại học Ngoại Thương ban hành với nội dung tuyển dụng con gái bà Phương vào làm việc tại Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Ngoại Thương để làm tin.
Đến khi không thấy con gái được đi làm, bà Phương đã yêu cầu Kim Phương trả lại tiền. Lúc này Phương lại tiếp tục hứa hẹn song không trả lại tiền như cam kết.
Cùng trong khoảng thời gian này, Kim Phương còn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chị Nguyễn Thị Phương Thảo. Bởi chị Thảo là bạn của con gái bà Phương. Khi biết tin bà Phương đang nhờ Trần Thị Kim Phương xin việc cho con gái, chị Thảo cũng gặp Kim Phương nhờ xin việc cho mình vào làm kế toán tại Đại học Ngoại Thương với mức chi phí là 630 triệu đồng.
Nhận tiền của chị Thảo song, Kim Phương cũng hứa hẹn, sau đó cũng đưa cho chị Thảo một bản photo quyết định tuyển dụng cán bộ với nội dung nhận chị Thảo vào làm việc…
Với hành vi phạm tội nêu trên, cơ quan chức năng xác định trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2017, Trần Thị Kim Phương đã nhận tiền của 14 người để xin cho 15 trường hợp với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng.
Nhận tiền, Phương viết biên nhận dưới dạng giấy vay tiền, cam kết thời hạn trả là thời gian mà người xin việc được tuyển dụng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong, Phương không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt số tiền đã nhận.
Khép lại phiên tòa, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Thị Kim Phượng 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.