Việt Nam lần đầu thành công trong việc ghép ruột từ người cho sống

Thảo Nguyên| 31/10/2020 15:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên tiếp trong 2 ngày 27- 28/10, Học viện Quân y đã thành công 2 ca ghép ruột, đánh dấu Việt Nam đã chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột - một trong những tạng ghép được cho là khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Nguyễn Văn D. (42 tuổi), có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột, đã điều trị tại nhiều bệnh viện.

Quá trình điều trị, bệnh nhân đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non hiện tại của bệnh nhân chỉ còn lại 80cm) vào tháng 5/2007.

Ngày 2/5, bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 103 (Học Viện Quân y) với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng.

Bệnh nhân được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

ghep1.png
Bệnh nhân được ghép ruột non từ người cho sống. Ảnh: BVCC

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Lò Văn T. (26 tuổi). Đầu tháng 9/2020 bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt gần như hoàn toàn ruột non. Chiều dài ruột non còn lại của bệnh nhân còn lại gần 20cm.

Ngày 29/9 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân T. đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện bệnh gan chuyển hoá liên quan hội chứng suy chức năng ruột.

Sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân, Học viện Quân y đã tiến hành khám, xét nghiệm và mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả 2 bệnh nhân đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột.

Học viện Quân y đã báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103.

Ngày 27/10, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. là mẹ đẻ của bệnh nhân 47 tuổi.

Ngày 28/10, ê-kíp tiếp tục đã thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi).

Sau mổ, cả 2 người hiến ruột đều ổn định. Hiện nay 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

ghep2.jpeg
2 bệnh nhân sau ghép ruột đều đã ổn định, tiến triển tốt. Ảnh: BVCC

Đánh giá về 2 ca bệnh trên, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho rằng, với thành công này, Việt Nam đã nằm trong số 22 nước thực hiện được kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Ghép ruột là kỹ thuật khó trong các kỹ thuật ghép tạng. Đây là thành công lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam. Ông Quyết cho biết đến nay, trên thế giới thực hiện được thành công khoảng 1.000 ca ghép ruột.

Chúc mừng thành công của các chuyên gia, bác sĩ của Học viện Quân y, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá việc thực hiện thành công ca ghép ruột non đầu tiên của Việt Nam là mốc son đánh dấu bước tiến trong khoa học của ngành y nước nhà.

Trước đó, tháng 12/2019, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: "Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống" do GS.TS Đỗ Quyết là chủ nhiệm đề tài.

Sau đó Học viện Quân y đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hoá chất… và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản). Đồng thời, Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam lần đầu thành công trong việc ghép ruột từ người cho sống