Trong vòng một tuần, từ 12-18/8, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công 16 ca mổ ghép tạng cho 15 người.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ ngày 12-18/8, bệnh viện đã thực hiện 10 ca ghép tạng từ 2 người cho chết não (1 người ở Hải Dương, 1 người ở Thanh Hóa), gồm: 1 tim, 2 phổi, 3 gan, 4 thận.
Đặc biệt, bệnh viện đã phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chuyển 1 quả tim, 1 gan từ người hiến chết não hiến tặng trong TP.HCM ra Hà Nội để ghép cho 2 bệnh nhân. Cùng với đó, bệnh viện cũng thực hiện 4 ca ghép thận theo kế hoạch và 1 ca ghép gan do người sống hiến một phần gan…
Trong số những ca ghép tạng được thực hiện trong vòng 1 tuần qua, đáng chú ý là bệnh viện thực hiện thành công ca ghép phổi thứ 2 từ người chết não hiến đa tạng, sau ca ghép phổi đầu tiên cho một bệnh nhân 17 tuổi được thực hiện vào ngày 12/12/2018.
Một bệnh nhân đã tiến triển tốt sau khi được ghép tạng.
GS Trần Bình Giang cho biết thêm, ở ca ghép phổi thứ 2 này, người hiến tạng còn trẻ và hiến đa tạng, các tạng hiến đều có chất lượng rất tốt. Người nhận phổi là ông N.V.K. (38 tuổi, ở Hà Nội), mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối đã có chỉ định ghép phổi vì bệnh nhân phải liên tục máy thở và ô xy hỗ trợ. Ca mổ lấy - ghép hai phổi cho bệnh nhân K. đã diễn ra liên tục trong gần 15 tiếng đồng hồ.
Theo GS Trần Bình Giang, để thực hiện ca ghép đa tạng, bệnh viện có thể huy động 300 người cùng một lúc chứ không riêng gì các bác sĩ phòng mổ làm việc. Ghép tạng rất căng thẳng, nếu không theo dõi từng phút sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân nên các bác sĩ thường phải ăn, ngủ ngay tại phòng mổ.
“Có ca từ buổi chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau mới xong. Phòng mổ hoạt động 6 bàn mổ liên tục. Đến nay các bệnh nhân được ghép đều có kết quả tốt”, GS. Giang chia sẻ.
Thông tin những khó khăn về ghép tạng hiện nay, GS Trần Bình Giang cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng. Cái khó là không có nguồn tạng hiến. Bởi ghép tạng luôn luôn là cấp cứu nhưng không phải lúc nào cũng có tạng mà chỉ khi nào người cho có chết não mới được lấy. Tuy nhiên, bác sĩ không thể chủ động lấy tạng từ người cho chết não mà phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình. Chỉ cần một người trong nhà không đồng ý thì cũng không thể lấy tạng được.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng không hiến tạng khi người chết não, bởi phong tục tập quán, quan niệm của người dân về bảo toàn thi thể sau khi chết nên việc hiến tạng vẫn chưa được như mong muốn.
Cũng theo GS Trần Bình Giang, với bệnh nhân ghép tạng bảo hiểm y tế chi trả tổng chi phí cho thuốc sau ghép là 80%. Bệnh nhân phải trả 1,2 triệu đồng cho tháng đầu tiên nhưng sau dần sẽ giảm đi. Ví dụ loại thuốc được sử dụng 8 viên/ngày thì sau dần giảm còn từ 2,3 viên/ngày giống như thuốc bệnh thông thường cao huyết áp, tiểu đường.