Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ cho biết, tính đến hết tuần 43 năm 2024, số ca sốt phát ban nghi sởi ghi nhận là 633 trường hợp, trong đó có 559 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, các trường hợp các đơn vị điều trị trong và ngoài tỉnh chuẩn đoán sởi lâm sàng 74 ca, chưa nghi nhận trường hợp tử vong.
Trong 550 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm ghi nhận 148/559 ca dương tính với vi rút sởi, âm tính 34/559 ca, đang đợi kết quả phản hồi từ viện Pastuer TP HCM 377/559 ca.
Quận Ninh Kiều là địa phương ghi nhận ca mắc sốt phát ban nghi sởi cao nhất so với các đơn vị còn lại 95 ca, tiếp đến là quận Ô Môn 90 ca. Bên cạnh đó, quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy là 2 đơn địa phương ghi nhận số ca dương tính với vi rút cao nhất so với các đơn vị còn lại, tiếp đó là quận Cái Răng.
Những địa phương này là các quận trung tâm của TP Cần Thơ vì vậy tập trung nhiều các trường mầm mon, mẫu giáo, tiểu học nhất so với các đơn vị còn lại đây là các nhóm tuổi dễ mắc bệnh và lây truyền bệnh so với các nhóm tuổi còn lại.
Theo CDC Cần Thơ, ca bệnh bắt đầu xuất hiện và được ghi nhận từ tuần 9 năm 2024, tiến diễn các ca mắc bắt đầu có dấu hiệu tăng cao và được ghi nhận liên tục từ tuần 34 đến nay. Tỷ lệ các trường hợp dương tính với virus sởi ở nhóm chưa tiêm, nhóm không rõ tình trạng tiêm chủng và nhóm chưa đủ tuổi tiêm ngừa ở tỷ lệ cao (trên 90%, tính đến tuần thứ 43).
Qua đó, ngành y tế thành phố tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.
Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn chuẩn bị đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ…
TP Cần Thơ nhanh chóng xin Trung ương cấp vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho 30.761 trẻ từ 1-10 tuổi và nhân viên y tế nguy cơ cao.
Theo BS CK II Huỳnh Hùng Dũng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, tính từ giữa tháng 9/2024 đến nay, số ca bệnh sởi nhập viện rất đông. Trung bình mỗi ngày khoa điều trị từ 250-350 bệnh nhi.
Hằng ngày có hàng chục trẻ phải thở oxy tại Khoa Truyền nhiễm, chưa kể số ca nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Triệu chứng bệnh sởi: lúc đầu biểu hiện sốt, ho, sổ mũi như cảm cúm thông thường; khoảng 2-3 ngày sau phát ban, mắt đỏ; 4-5 ngày sau ban lặn dần, hết sốt.
Trong giai đoạn phát ban, trẻ dễ có biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não... Nếu sởi thông thường, không có biến chứng, bác sĩ kê toa điều trị ngoại trú, tái khám 1-2 ngày/lần.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nặng, trẻ nhập viện điều trị nội trú. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi phát hiện trẻ nóng, sốt, có các biểu hiện lạ, gia đình cần đưa trẻ đi đến cơ sở y tế khám, điều trị ngay. Biện pháp phòng bệnh sởi chủ động, hữu hiệu nhất là tiêm ngừa.