Ngày 9/12, tại kỳ họp thứ 28, các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương xem xét cơ chế chính sách để thu hút nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Tại kỳ họp thứ 28 diễn ra ngày 9/12, các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương xem xét tờ trình của UBND tỉnh đề nghị ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Theo đó, đối với chính sách hỗ trợ đào tạo, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị người tham gia đào tạo cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đào tạo chuyên khoa cơ bản, đào tạo chuyên khoa sâu được hỗ trợ một lần sau khi hoàn thành khóa học bằng 70% học phí, chi phí đào tạo.
Những người tham gia khóa đào tạo đại học sẽ được hỗ trợ 70% tiền học phí theo hóa đơn, biên lai thu học phí của cơ sở đào tạo công lập và người tham gia khóa đào tạo sau đại học thì được hỗ trợ 100% học phí theo hóa đơn, biên lai thu học phí của cơ sở đào tạo công lập.
Người được nhận văn bằng tốt nghiệp sau đại học sẽ được hỗ trợ một lần chi phí nghiên cứu, học tập, tiến sĩ là 100 triệu đồng/người/khoá; bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú là 50 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 30 triệu đồng.
Đối với chính sách thu hút, đãi ngộ, bác sĩ về làm việc tại trạm y tế tuyến xã, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội tỉnh, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh là bác sĩ sau đại học được hỗ trợ 400 triệu đồng/người, bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ y khoa được 300 triệu đồng/người.
Bác sĩ về làm việc tại các chuyên khoa chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu được hỗ trợ theo nhiều mức, cao nhất 500 triệu đồng/người nếu là tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II...
UBND tỉnh cũng đề xuất mức hỗ trợ cụ thể với bác sĩ về làm việc tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Tâm thần, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; bác sĩ về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Mắt và Da liễu, Bệnh viện Nhi, dược sĩ về công tác tại các đơn vị y tế công lập,...
Về mức đãi ngộ, bác sĩ công tác tại trạm y tế các xã được hỗ trợ hằng tháng bằng 20% mức lương hiện hưởng, bác sĩ công tác tại trạm y tế các phường, thị trấn được hỗ trợ hằng tháng bằng 15% mức lương hiện hưởng.
Dự kiến số kinh phí thực hiện chính sách khoảng 219 tỷ đồng (tương đương 36,5 tỷ đồng/năm) từ nguồn ngân sách của tỉnh theo phân cấp.
Nhân lực y tế của Hải Dương tính đến ngày 31/3 là 7.434 người. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 19 bác sĩ/vạn dân thì cần thêm 3.713 bác sĩ. Do đó, dự kiến Hải Dương còn thiếu khoảng 1.505 bác sĩ.
Hiện nay, Hải Dương đang thiếu nhất là bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở và một số chuyên ngành khó tuyển. Trong khi đó, số bác sĩ tại trạm y tế tuyến xã giảm dần do nghỉ hưu, chuyển công tác lên tuyến trên, xin thôi việc, bỏ việc...
Một số chính sách của tỉnh về hỗ trợ đào tạo và thu hút không còn hấp dẫn nên cần xây dựng chính sách mới, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, y tế cơ sở và các ngành đặc thù. Qua đó, tạo điều kiện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.