Vị quan xử án được người đời ví như Bao Công

Hà Nguyễn | 13/09/2022 13:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong số những vị quan thanh liêm chính trực của dân tộc Việt Nam có một vị quan đặc biệt có tài xử án như Bao Công - đó chính là Nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1690 - 1725), công thần dưới thời chúa Nguyễn thứ sáu - Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Nội tán Nguyễn Khoa Đăng là một nhân vật gắn với những câu chuyện ly kỳ được lưu lại trong sử sách như vụ xử trộm dưa, anh hàng dầu mất tiền...

Dòng họ công thần

Nguyễn Khoa Đăng là hậu duệ của Nguyễn Đình Thân - bậc công thần khai triều của các chúa Nguyễn. Vốn là người ở làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương), ông Nguyễn Đình Thân làm tướng trải qua hai triều chúa là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Sau đó, con cháu ông thay nhau làm quan cho các chúa Nguyễn.

Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ chúa từ vùng Bắc Thuận Hóa về làng Kim Long (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên), Nguyễn Đình Khôi (1594 - 1678), là con ông Thân, cũng đến nhập tịch ở huyện ấy và được chúa Nguyễn cho đổi từ họ Nguyễn Đình thành họ Nguyễn Khoa (chữ Khoa có nghĩa là khoa cử).

Ông Khôi có người cháu là Nguyễn Khoa Chiêm, làm quan đến chức Chánh đoán sự, tước Bảng Trung hầu và là một danh sĩ giỏi thơ văn. Ông Chiêm là tác giả của sách “Nam triều công nghiệp diễn chí” soạn vào khoảng năm 1719, là cuốn tiểu thuyết chương hồi viết về chuyện các chúa Nguyễn khai phá vùng Thuận – Quảng và chiến tranh với chúa Trịnh, trải qua 5 đời chúa Nguyễn đầu tiên, mở đầu từ lúc chúa Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ Thuận Hóa vào năm 1558 và kết thúc khi chúa Nguyễn Phúc Thái mất vào năm 1691. Bộ truyện có 30 hồi này được độc giả hiện nay quen thuộc với bản dịch mang tên gọi “Trịnh Nguyễn diễn chí”.

Nguyễn Khoa Đăng là con thứ của Nguyễn Khoa Chiêm, được mô tả là người thông minh từ nhỏ. Mười tám tuổi, ông ra làm quan, lần lượt trải đến chức Nội Tán kiêm Án sát sứ, Tổng tri Quân quốc Trọng sự, tước Diên Tường hầu. Ông nổi danh là người có mưu lược, trung thực và đức độ.

Bắt kẻ trộm dưa, vạch mặt kẻ giả mù

minhhoa.jpg
Hình minh họa

Về vụ án ruộng dưa, tương truyền vào một ngày nọ, Nguyễn Khoa Đăng đến thị sát một vùng, thấy quan huyện đang chửi mắng một người dân. Hỏi thì được biết ruộng dưa của bà bị xắn nát hết cả gốc đúng vào độ dưa đang ra quả. Kêu quan thì quan nói không đủ bằng chứng.

Nguyễn Khoa Đăng lập tức cho thu hết xẻng của người trong làng và ra lệnh ai nấy biên tên vào xẻng; rồi sai người lấy lưỡi liếm vào xẻng và phát hiện ra một cái có vị đắng. Ông lại sai vắt nước gốc dưa cho người nếm thấy hai vị đắng giống nhau. Thủ phạm chính là chủ cái xẻng đã phải “thò mặt ra”. Lập tức ông sai lính bắt người kia giải đến. Trước tang chứng và lý lẽ đanh thép của quan, hắn không còn chối vào đâu được, đành cúi đầu nhận tội. Ông bắt hắn phải đền hoa lợi ruộng dưa cho người kia và phạt thêm gấp hai lần để hắn chừa cái thói hại ngầm kẻ khác.

Hôm khác, có một anh hàng dầu gánh dầu ra chợ bán. Trong khi đang bận đong dầu, có kẻ thừa dịp thò tay vào bị lấy trộm tiền. Khi biết thì tên ăn cắp đã “cao chạy xa bay”. Anh ta nhớ tới một người mù hồi nãy quanh quẩn bên gánh của mình, đuổi mấy cũng không đi, đoán chắc là kẻ cắp, bèn gửi gánh hàng cho người quen rồi đi tìm. Nhưng khi gặp, người mù hết sức chối cãi, rằng mình mù thì còn biết tiền của để ở đâu mà lấy. Hai bên xô xát, tuần bắt giải quan. Ông Đăng bắt hai bên khai rõ sự tình. Người mù khăng khăng không nhận. Ông Đăng hỏi: “Anh có tiền giắt đi theo đấy không?”. “Có, nhưng đây là tiền tôi mang đi chợ, không phải của nó”. “Được cứ đưa ra đây, của ai rồi sẽ biết”. Người mù móc tiền ra, ông Đăng sai người múc một chậu nước, rồi bỏ tất cả số tiền vào chậu (tiền kim loại), lập tức thấy trên mặt nước có váng dầu nổi lên. Nghe quan sai bưng chậu nước cho mọi người chứng kiến, người mù hết đường chối, đành chịu tội ngay. “Khoan đã, chưa hết đâu. Tội ăn cắp mới là một. Nếu ngươi mù tịt thì làm sao biết được tiền người hàng dầu bỏ trong bị, cất trong thúng khảo mà lấy được? Đúng là mày giả mù. Lính đâu. Bắt nó nọc ra đánh cho rõ đau, bao giờ nó mở hai mắt ra hãy thôi”. Người mù trước còn chối lấy chối để, nhưng chỉ qua ba roi là hắn mở ngay hai mắt nhận tội, đúng như lời quan truyền bảo.

Hòn đá vạch tội

Một lần ông được đổi đi làm quan ở hạt miền núi. Khi mới đến, người ta cho biết hạt ấy nổi tiếng có nhiều bọn trộm cướp nhà nghề. Các quan trước đều bó tay không thể trị nổi. Khi ấy, ông chỉ cười nhạt không nói gì, nhưng sau đó ông ngầm sai người đi dò la hành tung và quê quán từng tên cướp.

Thế rồi, qua một làng nọ, ông thấy có một hòn đá lớn ở vệ đường. Ông hỏi dân sở tại thì họ đáp: “Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm, ai cầu khẩn việc gì cũng đều được linh ứng”. Ông nghe nói liền họa theo: “Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp trừ yên cướp trộm để bớt hại cho dân chúng mới được”. Nói rồi một mình bước tới khấn vái, hồi sau ông trở ra bảo với mọi người rằng: “Ngài bảo rằng, vài hôm nữa cho người đến rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọn gian phi trong toàn huyện”. Ít hôm sau, ông sai mấy người ban đêm bí mật đào hầm ở giữa sân công đường. Sau đó cho người thân tín cầm theo danh sách các tên trộm cướp trong vùng, rồi xuống nấp ở dưới đó.

Tờ mờ sáng hôm sau, ông sai lính khiêng hòn đá về đặt trên miệng hầm. Trước mặt đông đủ mọi người, ông dõng dạc hỏi hòn đá: “Ta nghe đồn thần rất thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng trong huyện hạt có nhiều trộm cướp nhũng nhiễu hại dân cư. Vậy ta mời thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu triều đình phong tặng”. Ông hỏi xong nhưng hòn đá không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh, ông nổi giận quát lớn: “Hay là đá đồng lõa với kẻ phạm pháp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực”.

Bấy giờ, mọi người nghe tin đến xem đông như hội. Lệnh truyền xa, lính dùng roi đánh vào đá túi bụi, tự nhiên đá bật ra tiếng khóc, xin dừng tay. Thế rồi, hòn đá lần lượt khai và vạch tội từng tên. Mỗi lần đá khai ra tên nào, ông sai thư lại lấy bút mực viết ngay trát, giao cho lính nã bắt lập tức. Suốt ngày hôm đó, ông bắt được 30 tên. Khi giải cả một xốc về, bọn trộm cướp nhìn nhau kinh ngạc, không ngờ lại có việc xảy ra như thế và bắt đúng tên như thế. Chúng cho là chỉ có thần đá linh thiêng mới biết một cách rành mạch tội trạng của mình, bèn không đợi khảo mà vội vàng thú nhận tất cả.

Phá cướp truông Nhà Hồ

Theo Sách Đại Nam liệt truyện ghi lại: “Đường rừng Nhà Hồ (Hồ Xá) thường có giặc cướp tụ họp, người đi đường sợ hãi. Chúa sai Đăng đi kinh lý đất ấy. Đăng tới đặt phép bắt cướp, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó bọn cướp im bặt”. Thời xưa, truông Nhà Hồ là vùng rừng rậm, đoạn nằm giữa xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị và xã Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình ngày nay. Đầu thời chúa Nguyễn, vùng này có nhiều trộm cướp. Lúc Nguyễn Khoa Đăng đang là Nội tán ở đây, có vụ kẻ cướp ở truông Nhà Hồ cướp giấy của lái buôn, không truy được dấu vết gì. Người lái buôn đem việc ấy đến kiện. Ông liền ra lệnh yêu cầu dân sở tại mỗi người phải khai họ tên quê quán nộp quan, mỗi người một bản. Nhu cầu giấy vì thế mà lên cao, giá giấy do đó đắt lên, tên kẻ cướp thấy thế đem giấy ra bán. Nhân thế, bắt được bọn cướp giấy.

Giai thoại dân gian lại kể chuyện để bắt bọn cướp ở truông Nhà Hồ, Nguyễn Khoa Đăng cho làm những hòm gỗ kín có lỗ thông hơi vừa một người ngồi, có thể mở được từ phía trong, rồi cho võ sĩ mang vũ khí ngồi vào trong. Sau đó, ông sai quân sĩ đóng giả dân thường, khiêng những hòm ấy qua truông, ra vẻ như khiêng những hòm của cải nặng, đồng thời đánh tiếng có một vị quan to ở ngoài Bắc sắp sửa về quê sẽ đi qua truông mang theo nhiều hòm của cải quý. Bọn cướp nghe tin, liền phục kích đuổi đoàn người hộ tống, cướp số hòm ấy về tận sào huyệt. Về đến nơi, vừa đặt hòm xuống thì các võ sĩ bật nắp hòm cầm vũ khí xông ra đánh giết bọn cướp, cùng lúc phục binh của triều đình từ ngoài kéo vào, chẳng mấy chốc, đảng cướp bị dẹp tan.

Ngoài ra, bờ biển Tam Giang gọi là xứ Bàu Ngược (xã Vĩnh Xương và Kế Môn, thuộc huyện Quảng Điền), nước sâu sông cong, mùa thu đông thường có gió to sóng dữ khiến thuyền đi hay bị đắm. Ông cho dân đào và nắn thẳng sông ấy để rút bớt sức nước. Bấy giờ thuyền đi mới không trở ngại, người đi buôn và khách đi đường được tiện lợi mọi người đều ca tụng.

Từ đó, nhân dân mới sáng tác thêm hai câu hát tiếp nối vào hai câu ca dao xưa: “Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang/Phá Tam/Giang ngày rày đã cạn/Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”.

Tuy nhiên, cuộc đời vị Nội tán tài năng, đức độ này không được suôn sẻ. Năm Ất Tỵ (1725), mùa hạ, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mất. Chưởng doanh Nguyễn Cửu Thế vốn ghét Nguyễn Khoa Đăng bèn giả làm di mệnh của chúa, cho triệu ông lúc đó đang đi dẹp loạn ở Quảng Trị về dinh, dọc đường lén cho người giết chết khi ông mới 35 tuổi. Chúa Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi chúa, thương tiếc người tài chết oan mới sai tìm con của Nguyễn Khoa Đăng để bổ dụng. Đến đời con cháu ông đã đưa di hài từ Quảng Trị về an táng và xây mộ ông nằm cạnh mộ phu nhân là bà Phạm Thị Tý tại khu mộ của dòng họ Nguyễn Khoa, nay gần nhà thờ dòng họ ở thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Mộ hai ông bà nằm chỉ cách mộ của cha ông là Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm và phu nhân có hơn chục mét. Toàn thể khu mộ và nhà thờ này đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị quan xử án được người đời ví như Bao Công