Lâu nay, người ta vẫn xem Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài tử. Đó là bởi vùng đất này đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, từng cho ra đời nhiều bản đờn, nhiều bài ca bất hủ. Với trên 70 câu lạc bộ, đội, nhóm và xấp xỉ 500 nghệ nhân, tài tử tham gia, những con số chứng tỏ sức sống mãnh liệt và khả năng lưu truyền bền bỉ của người dân đất Bạc Liêu.
“Đất đờn ca”
Theo các tài liệu ghi chép, đầu thế kỷ XX, ở Nam bộ đã hình thành nhiều nhóm ca nhạc hoạt động dưới hình thức tài tử và nhanh chóng phát triển khắp lục tỉnh Nam kỳ rồi dần dần lan rộng ra tỉnh thành trong cả nước. Vào năm 2013, tại Phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, loại hình nghệ thuật đặc sắc này cũng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển đờn ca tài tử, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của những nghệ nhân, nghệ sỹ nói riêng và người dân Bạc Liêu nói chung. Như lời nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân), đã nhận xét trong tác phẩm Kể chuyện Cải lương: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử, vùng đất sản sinh rất nhiều tài tử, nhạc sĩ nổi tiếng. Người được xem là thầy của cổ nhạc là ông Hai Khị (Nhạc Khị) cũng là người Bạc Liêu, con của ông là anh Ba Chột cũng đã trở thành nhạc sĩ tài danh…”.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948) thường được gọi là Nhạc Khị (con ông Lê Văn An, một bầu gánh hát bội nổi tiếng lúc bấy giờ) đã đứng ra thành lập Ban nhạc lễ chuyên phục vụ các đám cúng kiếng, tế lễ của đình làng hoặc ở các gia thất, đây cũng là Ban nhạc lễ đầu tiên trên đất Bạc Liêu. Nhạc Khị được xem là người có công lớn đối với đờn ca tài tử trong việc canh tân, hiệu đính 20 bản tổ, được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn làm Hậu tổ. Ông là người dày công chỉnh tu, bổ sung cho hoàn chỉnh các loại bài bản trong ba Nam, sáu Bắc, bốn Oán.
Cùng thực hiện với Nhạc Khị còn có sư Nguyệt Chiếu và Bảy Kiên, ngay trong những năm đầu thế kỷ XX, các ông hoàn thành công việc tốt đẹp này. Lúc bấy giờ chưa có điều kiện để in ấn, nên những người thừa kế của Nhạc Khị phải ghi chép và sau khi Nhạc Khị qua đời mới được Trịnh Thiên Tư tổng hợp lại trong tác phẩm Ca nhạc cổ điển của ông. Đây chính là thành quả trí tuệ của một tập thể nghệ sĩ tiền bối ở Bạc Liêu. Trong đó đã ghi lại toàn bộ nội dung của sáu Bắc, bảy Bài, ba Nam, bốn Oán và các bài bản canh tân hoặc mới sáng tác của các nhạc sĩ đương thời.
Phần lớn các tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu ở thời ký bấy giờ đều mang ý nghĩa nghệ thuật vị nhân sinh, mà đầu tiên là những đề tài lịch sử. Mở đầu là bài Thủy tổ Hồng Bàng được thể hiện trong bản Lưu thủy trường, thật là tuyệt diệu khi tác giả gắn ghép trang sử đầu tiên của lịch sử Việt Nam với bản đầu tiên của 20 bản Tổ, kế tiếp là một loạt triều đại Việt Nam được trình bày theo thứ tự các bản Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Phụng cầu, Giang nam. Còn những bản canh tân hoặc những sáng tác mới đều mang nội dung biểu dương các vị anh hùng liệt nữ, đề cao những tấm gương yêu nước, trung dũng bất khuất kiên cường, những con người đã hy sinh vì đại nghĩa.
Tiếp đến những năm 30 (thế kỷ XX), hoạt động đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển cả về số lẫn chất lượng, có tiếng vang khắp Nam kỳ. Các nghệ nhân đờn ca tài tử Bạc Liêu xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều người đã trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, đa số đều do Nhạc Khị đào tạo, điển hình như Sáu Lầu, Cai Đệ, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lý Khi, Tư Quận… Hoặc do Sư Nguyệt Chiếu (một nhạc sĩ tiền bối khác ở Bạc Liêu có công trong việc truyền bá nhạc lễ và nhạc tài tử) rèn luyện như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy, Thiện Ý, Thiện Ngộ…
Dòng văn hóa cổ luôn tuôn chảy
Một trong những học trò giỏi của Nhạc Khị thời bấy giờ là Cao Văn Lầu (1892-1976 ), hay còn gọi là Sáu Lầu, tác giả của Dạ cổ hoài lang. Ông sinh ra tại xóm Cái Cui (Chí Mỹ, Vàm Cỏ, Long An) sau do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu. Và cũng ở đây, nhờ có sự chỉ dạy của nhạc sư Lê Tài Khí, tài năng âm nhạc của ông bắt đầu phát triển.
Với tư chất thông minh, hiếu học, đặc biệt có gen âm nhạc của dòng họ (từ ông nội, cha và mấy anh em đều biết đờn), Cao Văn Lầu học gì cũng giỏi, từ học chữ Nho, chữ Pháp đến học đờn. Những bản chưa biết, nghe ai đờn một lần là ông có thể đờn theo được. Chỉ vài tháng theo học, thầy Hai Khị để ý thấy người học trò này có ngón đờn rất “tươi”, đánh trống điệu nghệ nên đưa vào làm thành viên ban nhạc lễ của ông.
Sau khi thầy Hai Khị mất, quyết tâm nối nghiệp của thầy, ông đã tập hợp các bạn đờn thành lập Ban Đờn ca tài tử Bạc Liêu. Ban đờn ca tài tử này một thời khuấy động phong trào đờn ca tài tử không chỉ nội tỉnh Bạc Liêu mà tiếng tăm vang khắp Nam kỳ… Trong thời gian này, Bạc Liêu phổ biến chủ yếu là 20 bản tổ của nhạc tài tử. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Bạc Liêu còn đóng góp thêm hàng trăm bản nhạc từ nhạc bản cũ đặt lời mới.
Xuất phát từ tình cảm sâu nặng da diết đối với người vợ thân yêu, cộng với thực tế xã hội lúc bấy giờ đang còn biết bao người vợ có chồng bị giặc Pháp bắt lính, phải trở thành chinh phụ, nên Cao Văn Lầu đã viết nên Dạ cổ hoài lang. Trong nỗi đau chung có nỗi đau riêng, trong cái mất mát dân tộc có cái mất mát của riêng mình, tính khái quát đó là linh hồn khiến cho bài Dạ cổ hoài lang trường tồn và phát triển gần trăm năm qua, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong nhân dân.
Trong cuốn Tìm hiểu âm nhạc cải lương (NXB TP.HCM, 1987), nhà nghiên cứu Đắc Nhẫn đã từng viết: “Bài Dạ cổ hoài lang không những khái quát được tâm tư, tình cảm của một lớp người ở thời đại đó, mà còn nêu lên tính độc đáo về cấu trúc kỹ thuật, cấu tạo âm dương, phối hợp khéo léo những điệu thức của một loại hình mới về nghệ thuật âm nhạc, được phát triển dựa trên những đường nét cổ truyền... làm cho tác phẩm được tăng cường sức hấp dẫn và sự thể hiện phong phú về mặt hình tượng nghệ thuật khiến cho người nghe như cảm thấy có cuộc đời mình trong đó”.
Còn nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc cổ điển thế giới G.Knops thì đánh giá: “Bài ca này phản ánh bầu không khí áp bức mà người dân Việt Nam phải lay lất sống bên trong. Lúc đó họ chỉ có một con đường duy nhất để tự do phát lộ tâm tư, đó là âm nhạc. Những bài ca đó chính là lịch sử, là tâm trạng của một dân tộc...”.
Cũng chính vì truyền tải được hơi thở cũng như thể hiện được khát vọng cuộc sống của đông đảo nhân dân nên các tác phẩm của nhạc sỹ Cao Văn Lầu nói riêng và của những nghệ nhân, nghệ sỹ tài danh như Lê Tài Khí, Nguyệt Chiếu, Phạm Nguơn Kiên, Lê Văn Túc (Ba Chột), Trịnh Thiên Tư... có sức sống vô cùng mãnh liệt. Đến ngay cả một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc người Đức trong Hội thảo về nhạc sĩ Cao Văn Lầu tổ chức tại Bạc Liêu năm 1992, khi nói về đờn ca tài tử, cũng phải thừa nhận: “Là một loại âm nhạc truyền thống, mặc dù mới được trình diễn trong khoảng trên dưới 100 năm nay. Có thể nói đờn ca tài tử, cải lương vọng cổ là một trong các loại hình âm nhạc truyền thống mới nhất và là một trong những loại phát triển rộng rãi nhất”.
Và, cũng chính vì tính phổ quát như thế nên sức lan tỏa của đờn ca tài tử ngày càng sâu rộng. Nếu so với các loại hình nghệ thuật truyền thống quen thuộc như cải lương, hát bội, chèo và các loại hình nghệ thuật sân khấu khác thì có thể nói đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật “bình dân” nhất. Để tổ chức đờn ca tài tử, người ta chỉ cần một vài cái ghế hoặc ngay trên sàn nhà với một chiếc chiếu hay chiếc đệm, cộng thêm vài người đờn và ca là đủ. Về nhạc cụ có gắn điện để khuếch đại âm thanh cũng tốt, bằng không có cũng không sao, buổi đờn ca tài tử vẫn tiến hành.
Thế nên có cảm giác rằng, ở đất Bạc Liêu, chỉ cần tiếng đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu (tứ tuyệt) được tấu lên thì từ bà bán vé số, ông xe ôm đến anh công chức cổ cồn đều có thể ngân “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng/Ôi tim vàng quặn đau í a” da diết mùi mẫn như ai, như thể họ sinh ra chỉ để ca. Đờn ca tài tử, nó như một dòng văn hóa tuôn chảy, len lỏi qua những nếp nhà thậm thô mộc của vùng sông nước cuối trời Tây Nam Bộ, để đời đời con cháu duy trì cho đến tận bây giờ.