Tại Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Triều Tiên và Biển Đông.
Các đại biểu tham gia Hội nghị SOM của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Bangkok, Thái Lan.
Ngày 31/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng các quan chức cao cấp ASEAN của Việt Nam (SOM) đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị SOM của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Bangkok, Thái Lan.
Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện thường niên cấp Quan chức cao cấp trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 8/2019. Trọng tâm của hội nghị lần này là kiểm điểm, xem xét các hoạt động hợp tác của ARF thời gian qua và định hình cho các hoạt động trong niên khóa 2019-2020. Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Tại hội nghị, các nước đánh giá cao hiệu quả của ARF, tiếp tục khẳng định đây là diễn đàn hàng đầu trao đổi về hợp tác an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với ASEAN ở vị trí trung tâm, ARF đã trở thành một động lực chính trong xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực thông qua các sáng kiến xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa đa dạng, phong phú.
Hội nghị lần này đã nhất trí với danh mục hơn 20 đề xuất mới cho niên khóa 2019-2020, tập trung các lĩnh vực như cứu trợ thảm họa, chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, và gìn giữ hòa bình.
Các đại biểu đã trao đổi về định hướng tương lai cho Diễn đàn, nhất trí triển khai rà soát tổng thể hoạt động của Diễn đàn trong 10 năm qua; Việt Nam, với vai trò Chủ tịch ARF 2020 sẽ chủ trì xây dựng Tầm nhìn và Kế hoạch hành động cho giai đoạn phát triển mới của Diễn đàn. Ngoài ra, hội nghị cũng đã thảo luận và nhất trí sẽ báo cáo Bộ trưởng Ngoại giao ARF (8/2019) xem xét một số văn kiện về hợp tác an ninh khu vực.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước nhấn mạnh ý nghĩa của đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong duy trì hòa bình, củng cố ổn định ở khu vực. Trên cơ sở đó, các nước khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị
Nhân dịp này, nhiều nước nhấn mạnh các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các nước cũng ghi nhận những tiến bộ ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong quá trình thực hiện DOC và mong ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
Trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên, các nước hoan nghênh cam kết của các bên duy trì đối thoại, tìm kiếm giải pháp toàn diện cho các vấn đề trong khu vực này. Các nước khuyến khích các bên liên quan nỗ lực tối đa thúc đẩy thực hiện đầy đủ các cam kết đã đạt được vì một nền hòa bình, ổn định và an ninh lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đề cao tầm quan trọng của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác, các biện pháp xây dựng lòng tin và việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong bối cảnh các thách thức mới đang ngày càng phức tạp, đa dạng hơn.
Đoàn Việt Nam hoan nghênh kết quả ASEAN và Trung Quốc đạt được trong đàm phán COC; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những lo ngại về những diễn biến có thể làm xói mòn lòng tin, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường hòa bình, an ninh khu vực. Trong bối cảnh này, các nước cần kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, làm xói mòn lòng tin, không quân sự hóa, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình nhằm duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.