Bảo vệ môi trường đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Vì thế, phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác này, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang tích cực tham gia nhiều hoạt động, triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại tính khả thi và hiệu quả thiết thực.
Đưa phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đi vào nề nếp
Đã thành thông lệ, vào khung giờ từ 6 rưỡi đến 7 giờ sáng mỗi Chủ nhật hàng tuần, khi tiếng loa phát thanh từ nhà văn hóa phát đi thông báo là đông đảo bà con nhân dân ở các tổ dân phố trên địa bàn phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An lại hăng hái, khẩn trương tập trung dọn vệ sinh tại khu dân cư.
Quỳnh Phương là địa phương ven biển có mật độ dân số đông, lượng rác thải hàng ngày rất lớn nên vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Chính vì vậy, ý thức được trách nhiệm của mình, các hội viên phụ nữ đã tích cực chung tay tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Buổi sáng Chủ nhật trở nên náo nhiệt hơn bởi tiếng chị em gọi nhau, tiếng trò chuyện rôm rả, tiếng chổi quét trên mặt đường. Với dụng cụ lao động trong tay, cán bộ, hội viên phụ nữ cùng nhau thực hiện các phần việc như thu gom rác thải, dọn cỏ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước trong khu dân cư, xóa các biển quảng cáo rác, rao vặt sai quy định...
Mỗi hộ gia đình cử ít nhất một người tham gia, không ai bảo ai, đều chăm chỉ hoàn thành công việc. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Không khí lao động tập trung, hăng hái, thể hiện tình đoàn kết, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thắt chặt tình làng nghĩa xóm đã góp phần làm nên diện mạo, bức tranh nông thôn mới đẹp và sinh động. Ai ai cũng vui vẻ, nhiệt tình làm việc vì biết rằng bản thân đang góp phần làm cho môi trường sống của mình và những người xung quanh được xanh - sạch - đẹp hơn.
Chị Phan Thị Quảng- Chủ tịch Hội LHPN phường Quỳnh Phương cho biết: “Những ngày đầu tổ chức hoạt động cũng gặp một số khó khăn, rào cản nhất định do nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa đồng đều. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm, cấp ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận, Chi hội phụ nữ nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình. Người dân nhìn thấy được ý nghĩa, lợi ích thiết thực của hoạt động này nên tích cực hưởng ứng, tham gia”.
Tại thị xã Hoàng Mai, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ cũng đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện quy định về vệ sinh môi trường như: Không xả rác bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định, thu gom và tái sử dụng rác thải hữu cơ, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, việc giữ gìn vệ sinh môi trường của khu dân cư, thôn khối dần đi vào nề nếp. Các con đường liên thôn, ngõ, xóm được dọn dẹp, phát quang sạch sẽ, góp phần phát huy hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Ngày Chủ nhật xanh” không chỉ đơn thuần xoay quanh việc thu dọn rác thải, tạo cảnh quan đường sá sạch - đẹp hơn, mà điều quan trọng nhất là đánh thức được “màu xanh” trong việc nâng cao ý thức của người dân.
Những việc làm của tổ chức Hội phụ nữ trong hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” đang từng bước thay đổi nhận thức, chuyển biến trong hành động của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với việc bảo vệ môi trường - một vấn đề nóng và cấp thiết hiện nay.
Hỗ trợ xây dựng “gia đình 3 sạch”
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) đã được các cấp Hội phụ nữ thị xã Hoàng Mai cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực, mở rộng phạm vi cũng như nội dung hoạt động, trở thành phong trào thi đua của Hội. Trong đó, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch”.
Hội LHPN các xã, phường đã xây dựng nhiều mô hình như: Phân loại rác thải tại gia đình, Phụ nữ nói không với rác thải nhựa, Biến rác thải thành tiền... Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ.
Với rác thải hữu cơ, các gia đình sẽ đào hố rác để chôn lấp các loại rác phân hủy được và tận dụng làm phân bón hữu cơ. Với rác thải vô cơ (rác thải không tái chế được), các gia đình sẽ tự thu gom sau đó đưa đến nơi tập kết để xử lý tập trung. Các rác thải tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy…. mỗi gia đình tích góp lại để ủng hộ cho mô hình “Tiết kiệm xanh”. Từ nguồn tiền bán phế liệu, các Chi hội phụ nữ sẽ tặng thẻ bảo hiểm y tế hoặc mua quà cho những hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các xã, phường đã và đang tích cực xây dựng nhiều mô hình tuyến đường, đoạn đường tự quản tại địa phương. Đến nay, nhiều đường hoa xanh tươi, muôn sắc màu mang đến không gian tươi mới, tràn đầy sức sống, góp phần thay đổi cảnh quan nhiều làng quê, tạo nên nét đẹp nông thôn mới.
Về các làng quê hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những con đường rực rỡ sắc màu trải dài khắp các thôn xóm. Để có được thành quả này, là nhờ sự nỗ lực, đóng góp công sức của từng hội viên phụ nữ. Nhiều con đường trước kia mọc đầy cỏ dại, bị vứt rác thải bừa bãi thì nay dưới bàn tay chăm sóc của các chị, các mẹ đã trở thành những đoạn đường kiểu mẫu sạch đẹp. Những con đường hoa đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường, chung tay cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trao đổi với chúng tôi, chị Cao Thị Tuyết- Phó chủ tịch Hội LHPN thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An khẳng định: “Trong thời gian tới, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN thị xã tiếp tục xây dựng Kế hoạch phát động đến hội LHPN 10 xã, phường, mỗi đơn vị xây dựng một mô hình Chi hội Phụ nữ tự quản tuyến đường xanh - sạch - đẹp.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cả về bề rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, quản lí và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các bộ Hội các cấp và hội viên, phụ nữ. Hiện nay đã có 114 tuyến đường do phụ nữ tự quản, trong đó có 15 tuyến đường do Hội LHPN xã, phường tự quản và 99 tuyến đường cho chi hội tự quản”.
Môi trường là không gian sống của con người, vì vậy bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và nhiệm vụ này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày.