Đời sống

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường

Gia Ân- Thanh Thủy 09/08/2023 - 10:44

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2030, nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên đã có chuyển biến tích cực. Tình hình ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát, nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra

Thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025; có 03 khu công nghiệp: KCN Hoàng Mai, KCN Hoàng Mai 2 và KCN Đông Hồi; các cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ đạt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, có lập hồ sơ và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cấp Giấy phép môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; có 01 nhà máy xử lý chất thải rắn T-Tech Hoàng Mai, 03 Công ty thu gom, vận chuyển rác thải.

bao-ve-mt-1.jpg
Xử lí rác thải tại Nhà máy xử lý chất thải rắn T-Tech Hoàng Mai

Cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đã có nhiều mô hình, cách làm phù hợp mang lại hiệu quả cao. Qua đó từng bước xây dựng cảnh quan, môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thị xã.

UBND thị xã đã tích hợp nội dung bảo vệ môi trường vào Quy hoạch thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có tính khả thi cao, bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường của thị xã trong quy hoạch tỉnh.

Phối hợp với các Sở, ngành cấp tỉnh rà soát, tham mưu ban hành quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển và phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh, chất thải rắn y tế, chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước.

bao-ve-mt-4.jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình thu gom phế liệu vừa gây quỹ vừa bảo vệ môi trường

Ngoài ra các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn.

UBND các phường, xã đã xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước và cam kết bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư. Thường xuyên phát động rộng rãi phong trào toàn dân bảo vệ môi trường; Đưa tiêu chí môi trường là nội dung quan trọng khi đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, bình xét danh hiệu cơ quan, đơn vị, gia đình, làng văn hóa hàng năm.

Triển khai lắp đặt 140 thùng rác, 45 xe đẩy tay tại các điểm công cộng đông người như bãi biển Quỳnh Phương, Đền Cờn, trụ sở UBND các xã, phường, các trường học, trạm y tế... khuyến khích nhân dân sử dụng thùng chứa rác tại nhà để nhân dân đổ bỏ rác đúng quy định, đảm bảo cảnh quan.

Chỉ đạo UBND các xã, phường lắp đặt camera, biển báo xử phạt vi phạm hành chính về môi trường. Tỷ lệ thu gom rác thải trên toàn thị xã đạt 96%, không có tình trạng ùn ứ rác thải trên địa bàn.

Xây dựng và phát triển các mô hình bảo vệ môi trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã thành lập 79 tổ hội “thu gom phế liệu” từ rác thải tái chế được để tuyên truyền nhân dân phân loại rác thải tại nguồn đồng thời lấy tiền bán phế liệu để giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã phát động phong trào đoạn đường “xanh- sạch - đẹp -nở hoa. Đoàn thanh niên đã duy trì tốt phong trào “Ngày chủ nhật xanh”,“Tuổi trẻ Hoàng Mai giữ gìn sông Hoàng Mai xanh - sạch - đẹp”, thường xuyên tổ chức đoàn viên thanh niên thu gom rác thải tại bãi biển, dọc sông Hoàng Mai, khu dân cư vào các dịp phát động: Ngày môi trường Thế giới 5/6, Ngày Nước Thế giới, Ngày Toàn dân ra quân làm giao thông thủy lợi…

Với việc kiểm soát môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nhiều phụ phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp được người dân tận thu để sản xuất phân bón hữu cơ, phục vụ sản xuất.

Ở các khu vực khai thác và chế biến khoáng sản các loại, tất cả các mỏ khai thác khoáng sản đều đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động, các mỏ cơ bản chấp hành nghiêm pháp luật và các quy định về bảo vệ môi trường đã được duyệt, xác nhận.

Công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế, rác thải được xử lý tại Lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện hoặc hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Phú Hà để vận chuyển và xử lý rác thải y tế theo đúng quy định. Tại các Trạm Y tế phường, xã thì hợp đồng với Trung tâm Y tế vận chuyển, xử lý ít nhất 1 lần/tháng.

Tại các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp, trên địa bàn thị xã hiện có 02 khu công nghiệp đang hoạt động là KCN Hoàng Mai và KCN Đông Hồi.

Các khu công nghiệp hoạt động có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải,

Bên cạnh đó, UBND thị xã đã chỉ đạo UBND xã, phường tuyên truyền về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh về việc bảo vệ môi trường từ Ban Tuyên giáo, cử tri, báo chí, thông tin đường dây nóng để kịp thời xử lý và báo cáo phối hợp xử lý theo thẩm quyền.

bao-ve-mt-5.jpg
Đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh bãi biển

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, TX Hoàng Mai đang dần khẳng định vị thế là một trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh, nằm trong tốp đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo định hướng phát triển bền vững, thời gian tới, Ban Thường vụ Thị ủy tiếp tục chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan.

Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, làm chuyển biến nhận thức rõ nét trong hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn thể cộng đồng dân cư và toàn xã hội.

Để làm được điều đó không chỉ cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mà còn sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, các địa phương và nhân dân trên toàn thị xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường