Thế giới

Thúc đẩy bảo vệ môi trường khỏi các hóa chất độc hại

Hà Mai 03/10/2023 - 16:23

Hóa chất độc hại là nguyên nhân gây ra một loạt bệnh tật và dị tật bẩm sinh ở người và động vật như ung thư, tổn thương hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi, rối loạn sinh sản, gián đoạn của hệ thống miễn dịch. Nó di chuyển dễ dàng ở mọi nơi, thậm chí vượt qua rào cản nhau thai vào tử cung, tấn công bào thai.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu chưa từng có

Các hóa chất độc hại được tìm thấy trong tất cả các hệ sinh thái trên trái đất, do đó ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, sản xuất nông nghiệp và môi trường nước. Các nhà khoa học cho rằng trong cơ thể mỗi người hiện nay chứa một lượng lớn các hóa chất độc hại, mà chưa thể xác định được tác động của nó đối với sức khỏe. Hóa chất sẽ được tái tạo hoặc thải ra như là một phần của chất thải vào cuối vòng đời sử dụng. Sự quản lý không đúng các chất thải đó (ví dụ qua đốt ngoài tự nhiên) gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường.

o-nhiem-hoa-chat-1.jpg
Một người đàn ông câu cá trên bờ sông Mithi ở miền Tây Ấn Độ, nơi đã trở thành bãi chứa dầu cặn và hóa chất độc hại. (Ảnh: UNICEF)

Các hóa chất độc hại có một số đặc điểm đáng lo ngại như: Khó phân hủy, tích lũy sinh học (trong các “mô sống” với nồng độ cao hơn so với những chất trong môi trường sống xung quanh), di chuyển xa khỏi nguồn gây ô nhiễm (qua không khí, nước, động vật di cư). Nó không bị ảnh hưởng bởi biên giới quốc tế, và thường ảnh hưởng xuyên thế hệ, ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. Nó là nguyên nhân gây ra một loạt bệnh tật và dị tật bẩm sinh ở người và động vật như ung thư, tổn thương hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi, rối loạn sinh sản, gián đoạn của hệ thống miễn dịch. Hóa chất tổng hợp di chuyển dễ dàng ở mọi nơi, thậm chí vượt qua rào cản nhau thai vào tử cung, tấn công bào thai.

Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khẳng đinh: “Mọi người trên hành tinh này đều quyền sống và làm việc mà không sợ bị bệnh hay chết vì tiếp xúc với hóa chất. Thiên nhiên, không bị ô nhiễm, sẽ có thể phát triển và hỗ trợ nhân loại trong nhiều thiên niên kỷ tới”.

ca-heo-chet.jpg
Một con cá heo chết thảm vì dầu loang.

Các chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên hợp quốc đã cảnh báo hậu quả của việc quản lý chất thải và hóa chất kém trên toàn thế giới đang gây ra “tình trạng khẩn cấp về chất độc toàn cầu chưa từng có”. Họ kêu gọi tất cả hãy tuân thủ các nguyên tắc nhân quyền phù hợp với “khung chính sách toàn cầu sau năm 2020 về quản lý hợp lý hóa chất và chất thải”. Theo các chuyên gia, “các mối đe dọa về vô sinh, bệnh tật chết người, thần kinh và các khuyết tật khác do tiếp xúc với hóa chất và chất thải độc hại cho thấy sự vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản của con người”.

Các chuyên gia tiếp tục liệt kê những người thường xuyên tiếp xúc với những môi trường độc hại này, bao gồm công nhân, phụ nữ và trẻ em, người nghèo và người bản địa. Các chuyên gia cho biết thêm: “Tình trạng nhiễm độc trên hành tinh đã đang ở mức cao nhất”.

Những nỗ lực toàn cầu

Nhận thức được sự nguy hiểm của hóa chất độc hại như chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, nhiều nước bắt đầu hạn chế hoặc cấm sản xuất, sử dụng, và phát tán. Những nỗ lực này dẫn đến việc hình thành Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Hơn 160 quốc gia thành viên của Công ước đồng ý loại bỏ hoặc làm giảm sự phát tán của loại hóa chất độc hại này vào môi trường. Công ước Stockholm hiện đang tập trung vào những hóa chất độc hại quan tâm trước mắt như: thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp, và sản phẩm phụ không mong muốn - phát sinh từ quá trình đốt cháy và quy trình sản xuất công nghiệp; và các chất gây ung thư mạnh nhất được biết đến cho đến nay.

Bên cạnh đó, Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) cũng là một trong những tổ chức đóng vai trò xúc tác trong việc tận dụng các nguồn ngân sách từ chính phủ các nước và khuyến khích khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn để đạt được việc loại bỏ và giảm thiểu các hóa chất và chất thải độc hại.

tran-dau-bp_reuters.jpg
Dầu loang trên mặt biển. (Ảnh: Reuters)

Mới đây, Hội nghị Quốc tế về Quản lý Hóa chất lần thứ năm (ICCM5), ở Bonn, Đức, đã thống nhất Khung toàn cầu về hóa chất, đặt ra các mục tiêu và hướng dẫn cụ thể trong suốt vòng đời của hóa chất. Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khẳng định: “Khuôn khổ này đưa ra tầm nhìn về một hành tinh không bị tổn hại bởi hóa chất và chất thải, vì một tương lai an toàn, lành mạnh và bền vững”.

Khung này dựa trên 28 mục tiêu, được thiết kế để cải thiện việc quản lý có trách nhiệm đối với hóa chất và chất thải. Các mục tiêu này cũng nhằm mục đích thiết lập mối liên hệ mạnh mẽ hơn với các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng khác, bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, nhân quyền và sức khỏe. Các chính phủ đã cam kết thiết lập các chính sách và quy định nhằm giảm ô nhiễm hóa chất vào năm 2030 cũng như thúc đẩy các giải pháp thay thế an toàn hơn. Các ngành công nghiệp cũng cam kết quản lý hóa chất theo cách giảm ô nhiễm và các tác động bất lợi của nó. Đến năm 2035, khuôn khổ này nhằm mục đích loại bỏ dần các loại thuốc trừ sâu có độ độc hại cao trong nông nghiệp, nơi các rủi ro chưa được quản lý.

Ngoài Khung toàn cầu, ICCM5 cũng thông qua Tuyên bố Bonn. Tuyên bố nhằm mục đích “ngăn chặn việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại và loại bỏ dần những chất độc hại nhất khi thích hợp, đồng thời tăng cường quản lý an toàn các hóa chất đó khi cần thiết”. Nó cũng khuyến khích các nước hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển các giải pháp thay thế an toàn và thay thế cho hóa chất. Cách tiếp cận này nhằm mục đích không chỉ bảo vệ sức khỏe và môi trường mà còn giảm chất thải và tăng cường nỗ lực tái chế.

z4745407324160_6fa9bfb731e8aa1349d79bbe49ecec27.jpg
Trẻ em chơi đùa ở khu vực bên ngoài ngôi nhà đã bị biến thành bãi rác thải lớn từ ngành công nghiệp da ở Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: UNICEF)

Bà Andersen kêu gọi tất cả các bên bắt đầu hành động ngay lập tức. Bà nói: “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê ô nhiễm hóa chất trực tiếp trong không khí, đất, nước và nơi làm việc đang gây ra 2 triệu ca tử vong mỗi năm. Vì vậy tôi kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp hóa chất và tất cả những người liên quan hãy vượt lên trên những gì đã được thống nhất để bảo vệ con người và hành tinh mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào”.

Nhóm chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo: “Để ICCM-5 mang lại tham vọng và sức mạnh cần thiết nhằm vượt qua tình trạng khẩn cấp về chất độc toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt, nó cần phải áp dụng rõ ràng cách tiếp cận dựa trên nhân quyền”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy bảo vệ môi trường khỏi các hóa chất độc hại