Vai trò của án lệ đối với việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật

Trung Thành| 20/08/2015 09:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Án lệ trong hệ thống dân luật có vai trò hết sức quan trọng, được coi là nguồn luật không thành văn áp dụng để giải quyết các vấn đề tương tự và là cơ sở để đảm bảo sự nhất quán trong hoạt động xét xử.

Việc nghiên cứu án lệ là một yêu cầu bắt buộc đối với những người làm công tác xây dựng luật pháp.

Tạo tính ổn định, minh bạch trong xét xử

Theo Viện khoa học xét xử thì hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra xu hướng giao thoa giữa các hệ thống pháp luật trên thế giới; trong đó, các quốc gia có truyền thống dân luật (Civil Law) có tính chất tương đồng như Việt Nam đang ngày càng coi trọng vai trò của án lệ trong việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Theo đó, các quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về một vụ việc cụ thể có chứa đựng các lập luận để giải thích về các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra các nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng trong việc giải quyết vụ việc đó sẽ được áp dụng nhằm bảo đảm các vụ án giống nhau phải được xét xử và phán quyết như nhau.

Đây chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật và bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án mà đối với cả xã hội.

Với ý nghĩa và giá trị đã được thừa nhận của án lệ theo kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam, trong công cuộc cải cách tư pháp, Đảng ta đã rất đúng đắn khi đưa ra quan điểm phải phát triển án lệ tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020 và giao cho TANDTC nhiệm vụ quan trọng này tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Trên cơ sở quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, với ý thức và quyết tâm chính trị cao, Ban cán sự Đảng TANDTC đã chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu và xây dựng Đề án phát triển án lệ.

Ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức TAND. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ chương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của TAND nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Tổ chức TAND 2014 thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Quy định này là một trong những nội dung mới, quan trọng mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC là chủ thể phải thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ hoặc chưa thống nhất dẫn đến những cách hiểu và vận dụng khác nhau.

Vai trò của án lệ đối với việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật

Án lệ tạo tính ổn định, minh bạch trong xét xử 

Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai. Với việc lựa chọn, ban hành án lệ, xác định trách nhiệm của Thẩm phán và Hội đồng xét xử phải nghiên cứu, làm theo, chắc chắn sẽ có hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó về mặt xã hội, việc xây dựng và phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo đảm công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội.

Phải xem việc áp dụng án lệ trong xét xử là yêu cầu bắt buộc

Để triển khai thi hành quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và để đưa án lệ đi vào cuộc sống thì cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, trước hết là việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ban hành án lệ. Cụ thể là cần bổ sung quy định của pháp luật tố tụng về giá trị pháp lý và nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động, hành chính; xây dựng quy định về quy trình lựa chọn, ban hành án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xác định cụ thể các tiêu chí đối với những bản án, quyết định có thể được lựa chọn làm án lệ; quy trình phát hiện, tuyển chọn, thẩm định và thông qua án lệ; hình thức ban hành án lệ; nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong công tác này theo hướng xác định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc giúp Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện quy trình lựa chọn, ban hành và công bố án lệ trong từng lĩnh vực xét xử cụ thể (gồm án lệ về hình sự; án lệ về dân sự; án lệ về hôn nhân và gia đình; án lệ về kinh doanh, thương mại; án lệ về lao động và án lệ về hành chính); chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện để tuyển chọn và phát hành án lệ (trong đó cần phải tăng cường năng lực cho Cổng thông tin điện tử của TANDTC; mở các trang thông tin điện tử của các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng viết bản án; kỹ năng nghiên cứu, phân tích, áp dụng án lệ cho Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND.

Đồng thời, khi xây dựng án lệ phải đáp ứng được một số tiêu chí như đó là bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về một vụ việc cụ thể; có chứa đựng các lập luận để làm rõ quy phạm pháp luật còn có nhận thức chưa thống nhất; phân tích, giải thích giải thích về các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra các nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng trong việc giải quyết vụ việc đó; có tính chuẩn mực, được thừa nhận rộng rãi và có giá trị bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử.

Còn trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền, các Tòa chuyên trách TAND cấp cao, Tòa phúc thẩm Tòa án quân sự Trung ương căn cứ tiêu chí đặt ra đối với án lệ để phát hiện các bản án, quyết định có thể lựa chọn là án lệ và báo cáo với Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác, các bản án, quyết định được lựa chọn cần được đăng tải công khai để các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia ý kiến.

Đồng thời, phải xem việc nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do; nếu do sự thay đổi của pháp luật hoặc do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì phải kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xem xét việc hủy bỏ, thay thế án lệ. Nguyên tắc này cần được quy định bổ sung vào dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới đây.

Bên cạnh đó, để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (khoản 2 Điều 103) thì án lệ cần được ban hành bằng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo đó, khi áp dụng án lệ thì về hình thức là áp dụng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; về nội dung sẽ áp dụng án lệ được ban hành kèm theo các Nghị quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của án lệ đối với việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật