Ukraine đã hoàn tất trả lời bộ câu hỏi cần thiết để Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị lên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), từ đó khởi động thảo luận về khả năng kết nạp nước này làm thành viên.
Theo đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình “1+1” ngày 17/4, ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, thông báo: “Như Tổng thống (Volodymyr Zelensky) đã khẳng định với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khi bà đến thăm Ukraine hôm 9/4, Ukraine sẽ hoàn tất trả lời bộ câu hỏi trong vòng một tuần”.
Sau khi nhận được bộ câu trả lời, EC sẽ bắt đầu chuẩn bị đưa ra các khuyến nghị dựa trên việc Ukraine đáp ứng những tiêu chí gia nhập EU.
Ông Zhovkva hi vọng rằng dựa trên thông tin cung cấp cho EC, Ukraine sẽ có tư cách ứng cử trở thành thành viên EU vào tháng 6 tới.
Việc trở thành một thành viên EU có ý nghĩa rất lớn với Ukraine. Một điều khoản trong hiệp ước EU nêu rõ nếu một thành viên trở thành nạn nhân của hành động gây hấn có vũ trang, các quốc gia khác trong EU có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của họ.
Trước đó, ngày 28/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký đơn xin gia nhập EU, chỉ vài ngày sau khi Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng này.
Sau đó nhiều quốc gia EU đã tìm cách để Ukraine trở thành một thành viên của khối. Slovakia cũng đã đề xuất một thủ tục đặc biệt để Ukraine gia nhập EU.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên EU cũng đã nhất trí khởi động quá trình tiếp nhận Ukraine. Tuy nhiên, sau đó các nước này đã không thể thống nhất quan điểm về khả năng kết nạp Ukraine.
Trong một diễn biến khác, truyền thông cho biết, mới đây, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã hối thúc các nước EU viện trợ vũ khí cho Ukraine, kể cả vũ khí hạng nặng, để quốc gia này đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối nhiều quốc gia châu Âu dường như đang lưỡng lự về việc cung cấp những vũ khí hạng nặng, như máy bay hoặc xe tăng, cho Ukraine vì lo ngại rằng bước đi này có thể khiến xung đột leo thang, đẩy các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.