Trùng tu cung điện nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn

Thục Anh (TH)| 23/04/2022 07:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiến hành hạ giải công trình Điện Thái Hòa để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản.

Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay.

Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Dự kiến việc trùng tu công trình kéo dài 3 năm do Công ty Cổ phần tu bổ Di tích Huế thi công.

thai-7584-1611395387.jpg
Công trình đã tồn tại hơn 200 năm.

Mục tiêu dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa là phải bảo đảm yếu tố gốc của di tích. Công trình có riêng một gói thầu quét 3D, dựng lại Điện Thái Hòa với kích thước, hình ảnh thật của những cấu kiện hiện hữu nhằm lưu giữ yếu tố gốc, làm cơ sở đối chiếu trong quá trình trùng tu, đồng thời phục vụ cho du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này. Đơn vị thi công đã chụp ảnh toàn bộ hiện trạng công trình, dập lại hoa văn trang trí, đánh dấu vị trí cấu kiện gỗ và làm sàn bảo vệ nền gạch… Sau đó, tiến hành hạ giải từng hạng mục như: mái ngói, ô pháp lam, hệ vách ván... rồi đưa vào nhà bao che để phân loại đánh giá.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: “Các giải pháp bảo tồn tu bổ, tôn tạo là hết sức chuẩn mực. Cụ thể là bảo tồn yếu tố gốc, các vật liệu gốc cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để đề xuất phương án tối ưu nhất. Sau khi hại giải xong, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng để đánh giá lại từng cấu kiện, từng chi tiết và cái nào sẽ được tận dụng tu bổ lại, cái nào được bảo quản lưu giữ để có phương án chuẩn hóa nhất".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trùng tu cung điện nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn