Sau 3 đợt tổ chức, chương trình tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đã thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, tính đến ngày 1/10, sau 3 đợt tổ chức (dịp lễ 30/4, 1/5; lễ Quốc khánh trong hai ngày 1 và 2/9; tour tham quan định kỳ ngày 30/9 và 1/10), trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đã thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan, trong đó lượng khách đến từ các địa phương, khách du lịch quốc tế đăng ký tham quan ngày càng tăng.
"Sức hấp dẫn của chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM năm 2023 ngày càng lan tỏa đến đông đảo người dân thành phố, du khách các địa phương và du khách quốc tế", Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh.
Trong đợt tham quan ngày 30/9 và 1/10 vừa qua, người dân và du khách được tham quan công trình kiến trúc, hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của toà nhà hơn 100 năm tuổi.
Bên cạnh đó, du khách còn được tham quan triển lãm chuyên đề “Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – TP.HCM” giới thiệu 20 hình ảnh, tư liệu quý giá của TP.HCM hôm nay – một đô thị hiện đại lồng ghép cùng những hồi ức Sài Gòn xưa về di sản kiến trúc, không gian đô thị độc đáo, phong phú, về văn hóa, ẩm thực, những con đường, góc phố, đình chùa… qua nét vẽ tranh và ký họa của họa sĩ Phạm Công Tâm, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Trong các đợt tham quan tiếp theo, người dân và du khách tiếp tục được tìm hiểu thêm về đặc trưng văn hóa, lối sống và con người thành phố qua các chuyên đề triển lãm.
Tháng 10 với chuyên đề “Nét đẹp nhân ái - Nghĩa tình con người TP.HCM" vào ngày 28 và 29.
Nội dung triển lãm khắc họa hình ảnh con người TP.HCM hôm nay luôn phóng khoáng, nhân ái, nghĩa tình thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: đền ơn đáp nghĩa, hiến máu tình nguyện, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, mùa hè xanh…
Trải qua hơn 320 năm xây dựng, hình thành và phát triển, TP.HCM trở thành một trung tâm văn hóa lớn của cả nước với sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống góp phần hình thành đặc trưng văn hóa, tính cách của con người thành phố.
Tháng 11 gắn với chuyên đề “TP.HCM đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa” vào ngày 25 và 26/11, giới thiệu về diện mạo Sài Gòn – TP.HCM được tạo dựng bởi rất nhiều yếu tố, cả vật thể và phi vật thể, nhưng không thể không nhắc tới sông ngòi, kênh rạch đã mang lại đặc thù địa hình và nét đẹp văn hóa rất riêng của thành phố. Bên cạnh sông Sài Gòn là chủ lưu, còn có rất nhiều kênh rạch lớn như: rạch Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Lò Gốm, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ...
Triển lãm trưng bày hình ảnh, giới thiệu cảnh quan sông nước là đặc điểm, bản sắc tự nhiên, là di sản thiên nhiên của đô thị TP.HCM cũng là nền tảng để phát triển thành phố sinh thái, thành phố xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến thành phố sông nước - xanh, phát triển bền vững.
Triển lãm tháng 12 với chuyên đề: “Sắc màu trẻ thơ” diễn ra vào ngày 30 và 31, trưng bày những tác phẩm xuất sắc mang đậm sắc màu trẻ thơ được các em thiếu nhi, học sinh thành phố thể hiện góc nhìn độc đáo về cuộc sống, tình cảm gia đình, các khía cạnh sinh hoạt thường nhật, những góc phố, con đường, các công trình kiến trúc… đoạt giải tại Hội thi Nét vẽ xanh lần thứ 26 năm 2023.