Trong thời gian gần đây, việc ứng dụng CNTT, xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh được TANDTC chú trọng đẩy mạnh và thực hiện rất hiệu quả. “Trợ lý ảo” là một trong những minh chứng tiêu biểu cho quá trình đó. Việc sử dụng Trợ lý ảo mang lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng, nhất là các Thẩm phán. Đây là nhận định của Thẩm phán Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang về “Trợ lý ảo” trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công lý.
PV: Thưa Chánh án, “Trợ lý ảo” được coi là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Ngành Tòa án yêu cầu, bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm Trợ lý ảo phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng. Chánh án nhận định như nào về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phần mềm này thưa ông?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Trong thời gian gần đây, việc ứng dụng CNTT, xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh được TANDTC chú trọng đẩy mạnh và thực hiện rất hiệu quả. “Trợ lý ảo” là một trong những minh chứng tiêu biểu cho quá trình đó. Việc sử dụng Trợ lý ảo mang lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng, nhất là các Thẩm phán.
Việc nghiên cứu, xây dựng phần mềm “Trợ lý ảo” do hãng công nghệ lớn và những “cây đại thụ” về nghiệp vụ thực hiện rất công phu và khoa học, có sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao của đồng chí Chánh án TANDTC nên hoàn toàn sát với thực tiễn và dễ sử dụng, đạt hiệu quả lớn, giúp người tiến hành tố tụng nhất là Thẩm phán có thêm sự hỗ trợ đắc lực.
“Trợ lý ảo” xây dựng công cụ tìm kiếm văn bản pháp luật, để thuận tiện cho việc tra cứu; các luật được xấp xếp thành “cây tri thức”, Trong mỗi điểm, khoản, điều của luật nếu có văn bản liên quan sẽ được chú thích, chỉ dẫn ngay tại đó để giúp Thẩm phán hiểu đúng vấn đề, áp dụng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật.
“Trợ lý ảo” hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể, căn cứ vào các luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác, án lệ và cả các công văn giải đáp, hướng dẫn của TANDTC. “Trợ lý ảo” bao hàm những bản án, quyết định của Tòa án tương tự; trên cơ sở đó sẽ giúp Thẩm phán đưa ra những quyết định đúng khi giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, giải quyết các vụ việc dân sự tương tự.
“Trợ lý ảo” cung cấp cho các Thẩm phán tất cả các văn bản tố tụng mẫu, nhất là những bản án mẫu đối với mỗi loại vụ việc cụ thể nhằm hỗ trợ Thẩm phán soạn thảo các văn bản tố tụng nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Giúp thẩm phán xây dựng kế hoạch giải quyết các vụ án cụ thể, trợ lý ảo sẽ đưa ra những nội dung chủ yếu Thẩm phán phải thực hiện đối với mỗi loại vụ việc cụ thể.
“Trợ lý ảo” giúp đưa ra đoán định tư pháp, nghĩa là trong một tình huống pháp lý cụ thể, “Trợ lý ảo” sẽ cho ra kết quả cụ thể để tư vấn giải quyết tình huống đó. Qua đó giúp cho nhận thức của các Thẩm phán có sự tương đồng, được định hướng bởi trí tuệ nhân tạo, việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo nguyên tắc pháp chế và công bằng. Đây có lẽ cũng là cơ sở để xây dựng Tòa án thông minh trong tương lai không xa.
Bên cạnh những thuận lợi, “Trợ lý ảo” vẫn còn một số khó khăn nhất định như “Trợ lý ảo” mới bắt đầu triển khai sử dụng nên thẩm phán, cán bộ tòa án chưa hình thành thói quen sử dụng, trong khi đó việc sử dụng các phần mềm tìm kiếm khác như Google đã trở thành gần như phản xạ tự nhiên.
Phần mềm “Trợ lý ảo” phải xây dựng trong thời gian nhiều năm, hiện nay đang thực hiện giai đoạn 2, còn nhiều nội dung đang triển khai và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới cho nên chưa thật sự hoàn chỉnh.
PV: Xin Chánh án cho biết việc áp dụng phần mềm Trợ lý ảo có ảnh hưởng tới tính độc lập trong phán quyết của các Thẩm phán hay không thưa ông?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Có thể việc áp dụng phần mềm này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến tính độc lập trong phán quyết của Tòa án mà còn góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm áp dụng đúng đắn, thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.
Ngay tên gọi đã cho thấy, đây là một trợ lý, giúp cho Thẩm phán thuận tiện tra cứu, tham khảo, việc quyết định hoàn toàn do HĐXX thực hiện độc lập, tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm đối với mọi phán quyết của mình. Theo quan điểm cá nhân tôi, việc ứng dụng CNTT chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể làm thay con người trong công tác xét xử, một hoạt động đặc biệt, đòi hỏi cả tri thức, trí tuệ và cảm xúc để xử lý những tình huống, giải quyết những vụ việc cụ thể cho “thấu lý đạt tình”.
PV: Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống “Trợ lý ảo” được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Năm 2021, Trợ lý ảo được xây dựng phù hợp với tính chất, đặc thù của Toà án, hoàn thiện phần cơ sở dữ liệu pháp luật theo hướng đến các bộ luật để xây dựng, hình thành kênh tri thức, đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin như: chỉ dẫn pháp luật, tra cứu văn bản pháp luật, hỏi đáp về án lệ… Giai đoạn 2 (năm 2022), Giai đoạn 3 (từ năm 2023 -2030), vậy, với giai đoạn 1 và 2 đơn vị mình đã có những chuẩn bị và áp dụng như thế nào, thưa ông?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Lĩnh vực phát triển CNTT cũng như ứng dụng CNTT trong hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang phục vụ công tác xét xử và các hoạt động khác trong những năm vừa qua luôn được coi trọng. Những phần mềm do TANDTC cung cấp và yêu cầu đưa vào triển khai thực hiện, TAND tỉnh Bắc Giang luôn thực hiện tốt theo chỉ đạo góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong toàn hệ thống.
Chúng tôi đã phân công cụ thể nhiệm vụ ứng dụng các phần mềm trong Tòa án hai cấp; mỗi đơn vị đều có một cán bộ đảm nhiệm nhiệm vụ CNTT; đảm bảo cơ sở vật chất gồm hệ thống máy tính kết nối mạng, đường truyền internet không dây tốc độ cao..., đảm bảo cho việc tìm kiếm thông tin và truy cập sử dụng phần mềm được thông suốt, nhanh chóng.
Tích cực triển khai Kế hoạch số 49/KH-TANDTC ngày 15/3/2022 của TANDTC về triển khai áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, cử tất cả đội ngũ Thẩm phán và cán bộ, nhân viên làm công tác chuyên môn nghiêm túc tham gia các buổi tập huấn sử dụng phần mềm do TANDTC tổ chức; in ấn, cấp phát tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu, sử dụng. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức khai thác dữ liệu đảm bảo nhanh chóng và chính xác nhất. Đảm bảo 100% Thẩm phán không chỉ phấn đấu thành thạo kỹ năng tra cứu, nghiên cứu mà còn phải chủ động sử dụng “Trợ lý ảo” để thực hiện các hoạt động tố tụng, soạn thảo văn bản tố tụng, xây dựng kế hoạch giải quyết án một số loại án cụ thể.
Chúng tôi rất mong “Trợ lý ảo” hoàn thành Giai đoạn 2 theo Kế hoạch và sớm triển khai Giai đoạn 3 là giai đoạn nâng cao để cập nhận bổ sung các nội dung đã thực hiện ở giai đoạn 1 và 2; hoàn thiện phần mềm Hỗ trợ Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng; Xây dựng và hoàn thiện đoán định tư pháp.
PV: Qua một thời gian sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, Chánh án thấy hiệu quả công việc có sự khác biệt thế nào, các Thẩm phán sử dụng phần mềm có gặp khó khăn, vướng mắc gì không thưa ông?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Thực tế thời gian qua cho thấy, các Thẩm phán và cán bộ Tòa án xử lý hồ sơ nhanh hơn, thuận tiện hơn trong việc tra cứu văn bản pháp luật và án lệ liên quan, tìm kiếm các vụ án có tình huống pháp lý tương tự, từ đó giúp tiến độ giải quyết các vụ án được nhanh chóng, đúng quy định pháp luật, chất lượng giải quyết án ngày càng được nâng cao. Việc triển khai, ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” thời gian qua đối với các Thẩm phán chưa thấy có khó khăn, vướng mắc gì.
PV: Phần mềm “Trợ lý ảo” được xem như một cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp. Đây cũng được xem như một trong những giải pháp quan trọng quá trình xây dựng tòa án điện tử, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của TANDTC, bình luận của ông về vấn đề này?
Chánh án Lương Xuân Lộc: Chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Đối với Tòa án cũng vậy, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới. Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số.
Việc vận hành, đưa vào sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ giúp đội ngũ cán bộ hành chính tư pháp tại các Tòa án thực hiện tốt hơn, nhanh chóng hơn các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án như: tiếp nhận đơn khởi kiện và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến giải quyết vụ án, vụ việc; thông báo thụ lý vụ án; quản lý thời gian giải quyết vụ án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước và sau các phiên tòa xét xử và hỗ trợ các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp; cấp trích lục, giao, gửi bản án và công khai bản án…
TAND tỉnh Bắc Giang thấy rằng xây dựng Tòa án điện tử là tất yếu, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số quốc gia; hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách ngày càng nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao phó cho hệ thống TAND; thúc đẩy, trao đổi thông tin nhanh chóng, hiệu quả minh bạch, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chánh án!