Với sự chuẩn bị chu đáo, TAND hai cấp tỉnh An Giang vận hành thông suốt sau sáp nhập, đó ý kiến đánh giá của Chánh án TAND tỉnh An Giang Võ Kế Nghiệp tại hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm và triển khai công tác 3 tháng cuối năm của TAND tỉnh An Giang, diễn ra vào sáng ngày 8/7.
Trong 9 tháng đầu năm (từ ngày 01/10/2024 - 30/6/2025), TAND hai cấp tỉnh An Giang đã thụ lý 36.550 vụ, việc theo tố tụng và theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án. TAND hai cấp tỉnh An Giang đã giải quyết 25.138 vụ, việc đạt tỷ lệ gần 70%.
Về xét xử án hình sự: Thụ lý 2.738 vụ 5.554 bị cáo, giải quyết 2.247 vụ 4.233 bị cáo, đạt tỷ lệ 82,07%, còn lại 491 vụ 1.321 bị cáo. Trong công tác xét xử án hình sự, TAND hai cấp tỉnh An Giang luôn đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Về xét xử án dân sự: Thụ lý 25.611 vụ việc, giải quyết 15.241 vụ việc, đạt tỷ lệ 59,51%, còn lại 10.370 vụ việc. Trong công tác giải quyết, xét xử các loại án dân sự, TAND hai cấp tỉnh An Giang đã tập trung xem xét giải quyết dứt điểm nhiều vụ án khó, phức tạp, kéo dài nhiều năm.
Về xét xử án hành chính: Thụ lý 451 vụ, giải quyết 161 vụ, đạt tỷ lệ 35,70%. Trong công tác xét xử án hành chính, TAND tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quá trình đối thoại, tổ chức phiên tòa trực tuyến để giải quyết vụ việc.
Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa: Thụ lý 1.761 vụ, giải quyết 1.741 vụ, đạt tỷ lệ 98,86%.
Về chất lượng xét xử chung: số vụ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chỉ chiếm tỷ lệ 0,21% (thấp hơn mức quy định của TANDTC).
Về công tác thụ lý, giải quyết các vụ việc theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Thụ lý 5.989 vụ việc, giải quyết 5.747 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,95%. Trong đó Hòa giải thành 3.300 vụ, ra Quyết định công nhận 1.837 vụ, tồn 242 vụ.
Thực hiện chỉ đạo theo tinh thần cải cách tư pháp, TAND hai cấp tỉnh An Giang đã thực hiện công bố 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc trường hợp phải công bố trên cổng thông tin điện tử. Các Thẩm phán cũng đã tổ chức 88 phiên tòa rút kinh nghiệm; phiên tòa trực tuyến. Công chức có chức danh tư pháp đã tiếp cận thường xuyên hơn với phần mềm trợ lý ảo, đóng góp nhiều tình huống pháp lý…
Phát biểu tại hội nghị, đại diện TAND khu vực trên địa bàn tỉnh An Giang cho biết, nhờ có sự chuẩn bị tốt và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, sau hơn 1 tuần đi vào hoạt động theo mô hình mới, hoạt động của TAND khu vực diễn ra thông suốt, vận hành trơn tru. Tuy nhiên, bước đầu cũng khó tránh khỏi một số khó khăn như: số vụ việc thụ lý tăng, nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tỉnh An Giang Võ Kế Nghiệp cho biết, qua hơn 1 tuần hệ thống TAND tỉnh An Giang đi vào hoạt động theo mô hình mới cho thấy ngành đã triển khai, sắp xếp tinh gọn và vận hành thông suốt.
“Đương nhiên, bước đầu đi vào vận hành theo mô hình mới thì khó tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc như thiếu nhân sự (thiếu 51 biên chế); cơ sở vật chất chưa đảm bảo; chưa có chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức xa nhà để về làm việc tại trung tâm…
Để nắm bắt hết khó khăn của các đơn vị, từ ngày mai (9/7), TAND tỉnh An Giang sẽ tổ chức các đoàn công tác do Chánh án, Phó Chánh án TAND tỉnh làm trưởng đoàn, đến thăm và làm việc với các TAND khu vực trên địa bàn”, Chánh án TAND tỉnh An Giang Võ Kế Nghiệp cho hay.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao về 11 nhiệm vụ trọng tâm công tác trong 3 tháng cuối năm.
“Dự kiến cả năm 2025, TAND hai cấp tỉnh An Giang thụ lý khoảng 40.000 vụ, việc. Đáng chú ý là đến nay tỷ lệ xét xử án dân sự chỉ mới đạt hơn 59%, án hành chính đạt hơn 35%, còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao.
Để khắc phục tình trạng số lượng án giải quyết vẫn còn thấp, đòi hỏi trong thời gian tới TAND hai cấp tỉnh An Giang cần tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn để thu thập chứng cứ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, đảm bảo chỉ tiêu thi đua năm 2025”, Chánh án TAND tỉnh An Giang Võ Kế Nghiệp lưu ý.