Ngày 1/7 đánh dấu bước chuyển có tính hệ thống đối với bộ máy TAND nói chung và các cấp Toà tại Đà Nẵng nói riêng, khi mô hình Tòa án khu vực chính thức đi vào vận hành, thay thế cho tổ chức cấp quận, huyện trước đây. PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Chánh án TAND TP. Đà Nẵng Nguyễn Chí Công về những yêu cầu thực chất của cải cách, cách tổ chức lại guồng máy và những kỳ vọng đối với chặng đường mới.
PV: Thưa ông, việc mô hình Tòa án khu vực chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7 được xem là một bước chuyển có tính hệ thống đối với bộ máy TAND. Là người được giao trọng trách điều hành, lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng, trong đó có 12 Tòa khu vực, ông nhìn nhận ra sao về ý nghĩa của cuộc cải cách này?
Ông Nguyễn Chí Công: Đây không đơn thuần là một cuộc thay đổi về mặt tổ chức hay cơ cấu hành chính, mà là bước cải cách mang tính nền tảng và thực chất. Việc chuyển từ mô hình Tòa án cấp huyện sang tổ chức theo khu vực chính là quá trình tái định hình cách thức tư pháp tiếp cận và phục vụ người dân. Đó là bước chuyển quan trọng, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa yêu cầu cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Với vai trò nguyên là Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, tôi từng có điều kiện nghiên cứu sâu các bản án sơ thẩm của các Tòa cấp dưới. Điều đó giúp tôi hình dung rõ hơn những nút thắt và cũng từ đó, khi nhận nhiệm vụ mới, tôi chủ động cùng tập thể lãnh đạo triển khai phương án điều hành dựa trên bốn trụ cột: tổ chức nhân sự, nền tảng công nghệ, quy trình nghiệp vụ nội bộ và sự phối hợp liên ngành. Mọi bước đi đều phải hướng tới tính đồng bộ và hiệu quả thực chất, không chạy theo hình thức.
PV: Có ý kiến lo ngại rằng việc tổ chức lại hệ thống Tòa án dễ dẫn đến những điểm nghẽn như địa bàn quản lý rộng hơn, nhân lực chưa đồng đều, cơ sở vật chất còn thiếu... Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Chí Công: Mọi cuộc cải cách đều có sự đánh đổi, thử thách nhất định và Tòa án cũng không nằm ngoài quy luật đó. Địa bàn của các Tòa khu vực hiện nay không chỉ mở rộng về phạm vi mà còn đa dạng, phức tạp về văn hóa pháp lý, dân tộc, tôn giáo và đặc thù dân cư. Việc bố trí trụ sở, phương tiện làm việc ở nhiều nơi vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Nhưng nếu vì e ngại khó khăn mà chần chừ thì cải cách sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.
Tinh thần của chúng tôi là chủ động tiến bước, điều chỉnh và từng bước hoàn thiện trong quá trình vận hành. Có thể ví von giai đoạn này là “vừa chạy vừa siết ốc” – một cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt nhưng không buông lỏng kỷ luật, kỷ cương. Mọi điểm nghẽn phát sinh đều được phát hiện kịp thời, xử lý dứt khoát, với quyết tâm không để bất kỳ sự trì trệ nào làm gián đoạn hoạt động xét xử và thực hiện quyền tư pháp.
PV: Theo ông, đâu là yếu tố quyết định giúp mô hình Tòa khu vực đi vào thực chất?
Ông Nguyễn Chí Công: Không phải công nghệ, cũng không phải quy trình - yếu tố quyết định vẫn là con người. Mọi cải cách nếu thiếu một đội ngũ tận tâm, tận lực sẽ chỉ dừng ở cấu trúc hình thức. Cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký… chính là những người giữ nhịp, truyền năng lượng để guồng máy vận hành nhịp nhàng, hiệu quả.
Việc bố trí nhân sự không đơn thuần dựa vào nơi công tác cũ, mà được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở năng lực chuyên môn, khả năng thích ứng với mô hình tổ chức mới và tinh thần sẵn sàng cống hiến. Những cán bộ trẻ thông thạo công nghệ được lựa chọn làm hạt nhân cho tiến trình số hóa toàn hệ thống; trong khi đó, các Thẩm phán giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh nghề nghiệp được ưu tiên phân công về những địa bàn trọng điểm.
Dù vận hành theo mô hình mới, các Tòa án khu vực vẫn luôn duy trì kết nối chặt chẽ với TAND TP. Đà Nẵng, không chỉ để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn để chủ động chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ chuyên môn và phối hợp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong thực tiễn xét xử.
P.V: Trong quá trình tổ chức lại hệ thống Tòa án theo mô hình mới, bên cạnh yếu tố con người, công nghệ chắc hẳn cũng giữ vai trò không nhỏ. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ vận hành, nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả hoạt động tư pháp hiện nay?
Ông Nguyễn Chí Công: Công nghệ không còn là sự lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu muốn nâng tầm chất lượng điều hành và hiệu quả xét xử. Chúng tôi đang triển khai đồng bộ nhiều nền tảng: từ hệ thống quản lý án, báo cáo thống kê, điều phối lịch xử cho đến xử lý văn bản điện tử – tất cả đều hướng đến mục tiêu số hóa toàn diện hoạt động tư pháp và tố tụng điện tử.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là sự chuyển biến trong tư duy tiếp cận công nghệ của chính đội ngũ vận hành. Ứng dụng số không phải để phô diễn hình thức, mà để tiết kiệm thời gian, giảm tải thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và giúp người dân dễ tiếp cận công lý. Ở nhiều đơn vị, cán bộ trẻ đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết cho các đồng nghiệp lớn tuổi – một tinh thần chia sẻ và học hỏi lẫn nhau rất đáng trân trọng, giúp lan tỏa văn hóa công nghệ một cách tự nhiên và bền vững trong nội bộ ngành.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nội bộ, hướng tới xây dựng một hệ thống Tòa án thông minh, nơi công nghệ trở thành công cụ thiết thực để phục vụ công lý nhanh hơn, chính xác hơn và gần dân hơn. Cải cách tư pháp không thể tách rời chuyển đổi số – đó là con đường mà chúng tôi đang thực hiện.
PV: Ông kỳ vọng gì vào vai trò và hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án khu vực trong thời gian tới, đặc biệt là khi mô hình này đang trong giai đoạn đầu vận hành và từng bước hoàn thiện?
Ông Nguyễn Chí Công: Tôi kỳ vọng hệ thống Tòa án khu vực không chỉ dừng lại ở một mô hình hành chính tư pháp mới, mà sẽ trở thành cú hích thực sự cho một cuộc đổi mới tư duy phục vụ trong toàn ngành. Người dân đến Tòa không chỉ để đòi hỏi bảo đảm quyền lợi, mà còn để tìm thấy sự công minh, liêm chính và gần gũi nơi những người thực thi pháp luật.
Chúng tôi xác định rõ: Tòa án khu vực phải hoạt động hiệu quả hơn chứ không phải vất vả hơn. Việc nâng cao hiệu suất không thể đồng nghĩa với gia tăng áp lực công việc, mà phải đi kèm với cải tiến phương thức tổ chức, ứng dụng công nghệ và tối ưu hóa nguồn lực.
Mỗi cán bộ, Thẩm phán đều cần thấm nhuần tinh thần trách nhiệm kép – vừa là người đại diện cho hệ thống công lý, vừa là người giữ gìn và củng cố niềm tin của xã hội vào pháp luật. Mỗi bản án, quyết định được ban hành phải đảm bảo để dân tin, xã hội đồng tình. Khi tinh thần ấy lan tỏa, Tòa án sẽ không chỉ là nơi phán xử mà còn là nơi gìn giữ giá trị công bằng, văn minh và tiến bộ.
PV: Trong giai đoạn đầu, ông đánh giá thế nào về phối hợp liên ngành?
Ông Nguyễn Chí Công: Chúng tôi luôn xác định rõ: Tòa án không thể vận hành hiệu quả trong một “ốc đảo” tách biệt. Mọi cải cách tư pháp chỉ thực sự phát huy hiệu lực khi có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng như Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự và các đơn vị liên quan. Trong suốt quá trình tổ chức việc sáp nhập, TAND TP. Đà Nẵng luôn chủ động làm việc với các cơ quan hữu quan để thống nhất phương án phối hợp, nhằm bảo đảm không xảy ra độ vênh trong xử lý các vụ việc hình sự, dân sự, hành chính...
Trên tinh thần đó, mỗi Tòa án khu vực đều được yêu cầu xây dựng quy chế phối hợp riêng, sát với thực tiễn địa bàn và điều kiện tổ chức cụ thể. Có nơi, lãnh đạo các ngành còn trực tiếp đến chia sẻ trụ sở, hỗ trợ phương tiện và nhân lực – những hành động thiết thực cho thấy tinh thần cộng đồng trách nhiệm và sự đồng thuận rất cao trong hệ thống.
Một cải cách đơn lẻ chỉ tạo nên thay đổi kỹ thuật. Nhưng khi cải cách được cộng hưởng giữa các ngành, giữa các cấp, nó sẽ tạo ra chuyển động sâu rộng, bền vững và có sức lan tỏa thực sự.
PV: Là người từng giữ vai trò tổ chức xét xử phúc thẩm, nay lại trực tiếp chỉ đạo hệ thống sơ thẩm rộng lớn, ông đặc biệt lưu tâm điều gì để đảm bảo chất lượng bản án?
Ông Nguyễn Chí Công: Chất lượng bản án chính là danh dự của Tòa án và đó cũng là thước đo cuối cùng để người dân đặt niềm tin vào công lý. Một bản án thiếu căn cứ, thiếu sức thuyết phục, không đứng vững khi bị kháng cáo hay giám đốc thẩm… thì dù mô hình tổ chức có mới mẻ, hiện đại đến đâu cũng không thể tạo dựng được uy tín.
Chính vì vậy, tôi yêu cầu tất cả các Tòa án khu vực phải duy trì sinh hoạt chuyên môn định kỳ, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, siết chặt quy trình rà soát hồ sơ trước khi ban hành bất kỳ quyết định nào. Không được xem nhẹ khâu chuẩn bị, vì sự cẩn trọng hôm nay là nền tảng của sự vững vàng ngày mai.
Cùng với đó, TAND TP. Đà Nẵng sẽ triển khai các đợt thanh tra công vụ, kiểm tra nghiệp vụ theo chuyên đề, tập trung vào những nhóm vụ án tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện hoặc gây tác động xã hội. Đó không chỉ là biện pháp nghiệp vụ, mà là cam kết của chúng tôi: Dù tổ chức có thay đổi, chất lượng xét xử không những phải được bảo đảm, mà còn phải nâng lên một tầm mới – vững vàng hơn, công minh hơn và gần với kỳ vọng của nhân dân hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!