Đời sống

TP.HCM thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ở 5 bệnh viện, khách sạn 

Kim Sáng 07/04/2023 - 13:12

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM tổ chức thí điểm phần mềm ASM thông báo lưu trú tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện Quận 4, Khách sạn BROS, Khách sạn Subrise Boutique nhằm phục vụ người dân trên địa bàn thành phố.

Sáng 7/4, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM tổ chức khai trương thực hiện thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5.

ASM là phần mềm phục vụ cho các cơ sở có người đến lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, phòng trọ, bệnh viện, bến xe, đơn vị vận chuyển hành khách đường dài và các cơ sở lưu trú khác).

p1830672.jpg
Khai trương thực hiện thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5, TP.HCM

Phần mềm được kết nối với Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo dữ liệu thông tin khách lưu trú được cập nhật liên tục, bảo mật, đồng bộ.

Việc triển khai sử dụng phần mềm ASM giúp cơ sở lưu trú nhiều tiện ích trong thực hiện quản lý các dịch vụ kinh doanh, giảm thời gian nhập liệu và cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi cơ quan Công an nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức thực hiện thủ tục thông báo lưu trú theo đúng quy định của pháp luật về cư trú và góp phần trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

p1830671.jpg
Trung tá Châu Thanh Sơn – Phó Trưởng Công an quận 5 cho biết phần mềm lưu trú ASM sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn

Phần mềm có 4 chức năng chính: Quản lý cơ sở lưu trú; quản lý khách lưu trú tại cơ sở; quản lý các dịch vụ cung cấp; quản lý nhân viên.

Một quy trình từ khi tiếp nhận khách lưu trú tới khi trả phòng. Việc tiếp nhận thông tin khách lưu trú đã được tích hợp cùng chức năng quét mã QR trên thẻ CCCD giúp việc tiếp nhận được nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Phần mềm đã được xây dựng để thiết lập mô hình sơ đồ cơ sở lưu trú theo từng tầng và các phòng. Các phòng cũng được phân chia theo từng loại phòng tùy theo đặc điểm riêng của từng nhân viên cơ sở. Trong phần mềm ASM đã tích hợp các nhóm chức năng quản lý các dịch vụ cung cấp có thể riêng theo từng cơ sở lưu trú.

p1830706.jpg
Các thao tác thực hiện trên phần mềm chưa tới 1 phút/người

Đối với tài khoản quản trị của cơ sở lưu trú có thể thêm mới, thay đổi điều chỉnh thông tin nhân viên cơ sở. Tất cả các nhân viên sẽ được đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử từng người.

Tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Đề án 06 Thành phố tổ chức thí điểm thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại 5 cơ sở, gồm 3 bệnh viện: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5; Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Quận 1; Bệnh viện Quận 4 và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú: Khách sạn BROS và Khách sạn Subrise Boutique, Quận 1.

Thời gian thực hiện thí điểm 30 ngày (7/4 - 7/5). Sau thời gian trên sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng tại tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

p1830721.jpg
Phần mềm giúp tiết kiệm thời gian cho cả cơ sở lưu trú và bệnh nhân, người dân đến lưu trú

Việc thí điểm, nhân rộng thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Bác sĩ CKII Võ Đức chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cho biết, phần mềm ASM nếu được triển khai tốt sẽ góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu tại các bệnh viện nói riêng và cơ sở dữ liệu ngành y tế nói chung được đầy đủ, chính xác, từ đó có thể định danh người bệnh, tương lai hướng đến việc quản lý dịch bệnh, phòng ngừa vaccine…

“Hiện tại, PC06 hỗ trợ bệnh viện về mặt kỹ thuật, trang thiết bị, sau khi được hướng dẫn thì nhân viên bệnh viện sẽ làm. Dự kiến phần mềm hỗ trợ được hơn 5.000 người/ngày”, bác sĩ Chiến thông tin.

p1830737.jpg
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong những bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM thí điểm phần mềm 

Trung tá Châu Thanh Sơn – Phó Trưởng Công an Quận 5 nhấn mạnh: Phần mềm mang lại tiện ích lớn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thay vì phải tạo tài khoản, thao tác trên dịch vụ công với thời gian dài thì các bệnh viện, cơ sở lưu trú chỉ cần quét mã, nhập liệu thời gian là hoàn thành.

“Phần mềm giúp Công an và các cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự”, Trung tá Sơn nói.

Biết được thông tin Bệnh viện Nguyễn Tri Phương triển khai phần mềm thông báo lưu trú, chị Bùi Thị Phúc Hậu (quận Tân Phú) tỏ ra rất phấn khởi.

“Tôi thấy việc tích hợp này rất tốt, bình thường đi khám phải chuẩn bị nhiều giấy tờ, giờ chỉ cần mang theo CCCD gắn chip thì bệnh viện sẽ thấy toàn bộ thông tin của mình. Trường hợp người già đến khám bệnh chỉ cần nhớ mang CCCD là được, không cần phải lui tới làm thủ tục như trước. Tôi rất vui và mong muốn phần mềm được triển khai rộng trên địa bàn thành phố”, chị Hậu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ở 5 bệnh viện, khách sạn