Phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm bất ngờ hoãn tuyên án vào ngày hôm nay 25/4, 8h sáng ngày 28/4 tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.
Chúng tôi liên tục cập nhật thông tin về vụ án này, mời quý vị và các bạn chú ý đón đọc trên congly.com.vn.
16h54: HĐXX công bố dừng phiên tòa xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm ngày thứ 4. 8h sáng thứ 2 ngày 28/4, HĐXX sẽ tiếp tục làm việc với phần tranh luận.
16h46: Luật sư Trần Thị Hồng Phúc hỏi lại đại diện Bộ Tài chính (giám định viên trong cơ quan giám định liên Bộ), có phải ụ nổi gọi là “tàu nối bờ không”, ông này phủ nhận.
Về ý nghĩa của công ước HS, ông này cho biết là để quy ước tên gọi theo mã hàng hóa mang tính chất quốc tế (mã và tên khi áp vào phải song trùng nhau thì hàng hóa mới hợp lệ để được tính thuế thông quan).
16h27: Các luật sư tiếp tục tham gia phần xét hỏi. Luật sư Hoàng Huy Được hỏi bị cáo Trần Hải Sơn và bị cáo Trần Hữu Chiều về những vấn đề liên quan đến ụ nổi 83M. Tiếp đó là luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi bị cáo Trần Hải Sơn về việc ông Goh yêu cầu đưa thông tin một công ty để hợp thức hóa thủ tục chuyển tiền 1,666 triệu USD, bị cáo nói với em gái Trần Hải Hà thế nào? Bị cáo Sơn đề nghị công bố lại bút lục.
16h04: Luật sư Trần Đại Thắng được đề nghị hỏi thêm bị cáo Dương Chí Dũng. Ông Thắng hỏi tháng 8/2008, khi mang valy ruợu lên máy bay như thế nào? Dũng nói do nhân viên sân bay làm thủ tục và sau đó mang vào phòng chờ. Tiếp đó, luật sư Thắng hỏi thêm bị cáo Trần Hữu Chiều về cuộc khảo sát ụ Doc 220 nhưng không thành (tháng 3/2007) vì ụ này bị chìm đắm. Từ đó, đến tháng 7/2007, AP mới chào đến Vinalines ụ 83M.
Các phóng viên tại phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm ngày thứ 4
16h00: Một lần nữa, HĐXX cho phép các bị cáo được nêu ý kiến, đề nghị HĐXX xem xét giảm hình phạt và giảm mức bồi thường dân sự.
15h52: Tòa hỏi thêm bị cáo Mai Văn Khang. Khang khẳng định tham gia đoàn khảo sát ụ nổi chỉ với tư cách là người phiên dịch vì bị cáo biết… tiếng Anh, mặc dù là đi Nga. Không dịch giao tiếp được nhưng bị cáo dịch hồ sơ của ụ nổi, dịch trao đổi với ông Goh vì ông này nói tiếng Anh.
Cụ thể về giám định kỹ thuật thì Khang không tham gia, chỉ là đi theo chân Lê Văn Dương – đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm VN. Báo cáo giám định của Dương theo đó có chữ ký nháy của Khang vì có 1 phần quan trọng về hồ sơ pháp lý, hồ sơ đăng kiểm do Khang dịch. Còn phần trao đổi với chủ ụ nổi thì do người khác dịch tiếng Nga làm. Việc chỉ nhìn thấy ụ nổi lên 1 nửa Khang khẳng định bản thân cũng băn khoăn, đã cảnh báo Trần Hải Sơn nhưng Sơn đã ký vào bản báo cáo đó rồi.
15h46: Nữ thẩm phán hỏi thêm, khi kể với em là có một khoản phải chuyển cho các bác thì có nói là tiền từ cái gì không? Sơn ấp úng diễn giải vòng vo. Thẩm phán hỏi lại: “Tự nhiên em gái nhận được khoản tiền rất lớn, 28 tỷ đồng, nếu không giải thích gì có ai chịu không?”. Bị cáo giải thích gia đình làm ăn nên đó là chuyện bình thường, cần bao nhiêu tiền chỉ báo em là được. Vị nữ thẩm phán lắc đầu, nhận định lời giải thích của bị cáo “nghe không lọt”.
Yêu cầu lý giải lý do chậm chuyển tiền “lại quả” cho các sếp, Sơn tỏ vẻ khổ sở nói vì phải thu xếp về thời gian. “Bị cáo nói thế nào thì có thể chủ tọa cũng không tin nhưng ở Tổng Công ty Hàng hải, việc đó phải làm bằng tiền mặt” – Sơn vặn vẹo tay trước vành móng ngựa.
15h30: HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Sơn về bản tuyên thệ của ông Goh.
Tòa hỏi: Bị cáo có suy nghĩ gì về những nội dung trong bản tuyên thệ của ông Goh? Bị cáo Sơn: Bị cáo nghĩ rằng, ông Goh làm tuyên thệ đó khi phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra, nghĩa là sau khi đã có án sơ thẩm. Ông Goh đã biết việc đó.
Tòa hỏi: Bị cáo trước đó đã có giao dịch gì với ông Goh không?
Bị cáo Sơn: Bị cáo không giao dịch.
Tòa hỏi: Lần cuối cùng gặp ông Goh ở đâu?
Bị cáo Sơn: Bị cáo không nhớ.
Tòa hỏi: Khi nào ông Goh yêu cầu làm hợp đồng khống để chuyển khoản tiền 1,666 triệu USD về Việt Nam? Bị cáo Sơn trả lời: Bị cáo cũng không nhớ rõ lắm.
Chủ tòa phiên tòa nói ông Goh sang Việt Nam rất nhiều, kết quả xác minh thông tin nhập cảnh cho thấy. Tuy nhiên, Sơn khẳng định việc đó bị cáo không liên quan, không biết.
Trong lời khai của mình trước HĐXX, Sơn trình bày, chỉ cung cấp tài khoản, tên công ty của em gái cho ông Goh, không thực hiện việc gì khác. Mà chắc chắn Dũng, Phúc biết việc có khoản tiền này hoàn lại sau thương vụ 83M. Việc này Sơn không báo cáo lại với Chiều mà chỉ đến phòng báo cáo bị cáo Dũng và bị cáo Phúc vì Chiều không liên quan. Khi báo cáo, Phúc rõ ràng biết, còn bảo “đồng ý, triển khai nhanh việc này đi”.
Bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục phần xét hỏi của HĐXX
15h22: Tiếp tục phiên tòa, HĐXX đã đặt câu hỏi cho đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam và đại diện Bộ GTVT.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vinalines đã không chọn phương án lai dắt ụ nổi từ Nga về Việt Nam, mà chọn cách dùng tàu vận tải hạng nặng để chở ụ về. Vị đại diện phân tích rằng, nếu chọn phương án lai dắt thì khi đó sẽ phải đi đăng kiểm để được cấp giấy chứng nhận an toàn hàng hải và giấy đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Còn khi Vinalines chọn phương án dùng tàu vận tải đưa về, thì khi đó ụ nổi đóng vai trò là một loại hàng hóa thương mại.
15h10: Bị cáo Dũng tiếp tục được HĐXX xét hỏi. Tòa yêu cầu bị cáo Dũng làm rõ chuyện nhận quà của Trần Hải Sơn. Dũng nói tại khách sạn Sheraton (TPHCM), Sơn có mang đến tặng Dũng một valy rượu. Khi đó Dũng đi cùng một số người bạn, đang ngồi uống cà phê ở đó. Sơn gọi điện, kéo valy đến, Dũng đứng dậy đưa Sơn lên phòng. Sơn nói “em gửi anh mấy chai rượu để anh tiếp khách”. Sau đó cả 2 cùng xuống dưới. Dương Chí Dũng khẳng định: Chỉ có chiếc túi đựng mấy chai rượu chứ không phải là vali. Bị cáo cũng không biết trong túi đó có gì, mà cho đến khi ra đến sân bay, bị cáo mở ra thì mới biết đó là mấy chai rượu Balentine. Còn bị cáo không nhớ rõ là mấy chai.
15h05: Bị cáo Loan được HĐXX yêu cầu trả lời phần xét hỏi. Mặc dù không có đơn kháng án, tuy nhiên bị cáo Loan vẫn có mặt tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay. Câu hỏi của HĐXX dành cho bị cáo Loan tập trung vào quá trình thanh toán tiền dự án mua ụ nổi và các hóa đơn, chứng từ liên quan. Loan nói các lời khai không đúng, chỉ có 2 lần thanh toán chuyển tiền mua ụ nổi. Việc thanh toán 8,1 triệu USD, khi đó ban tài chính kế toán – cán bộ Trịnh Quang Huy có trình chứng từ yêu cầu Loan ký nháy để còn trình Phúc. Loan hỏi lại Huy đủ chưa, Huy nói chưa. Khi đó Loan có lên gặp Phúc báo cáo 2 nội dung: hiện ban tài chính kế toán chưa nhận được bộ hồ sơ chứng từ đầy đủ theo hợp đồng ngoại thương; đề nghị chuyển đủ để ban tài chính kế toán kiểm tra.
Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines)
14h50: HĐXX xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines. Bị cáo Phúc nói rằng, mình thừa nhận tội Tham ô. Tuy nhiên với tội Cố ý làm trái, Mai Văn Phúc khai: "Bị cáo không hề có một ý thức nào sai trái về việc cố ý làm trái". Thêm một lần nữa, bị cáo Mai Văn Phúc khẳng định, mình về nhậm chức tại Vinalines sau khi thỏa thuận mua ụ nổi đã hoàn tất. Và bị cáo không hề trao đổi trực tiếp về dự án mua ụ với ông Goh (GĐ Công ty AP) mà thông qua hai người khác là bị cáo Sơn và bị cáo Chiều.
Bị cáo Mai Văn Phúc tại phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 4
14h44: Bị cáo Chiều khai nhận, khi ụ nổi về Việt Nam thì nó chưa được đăng ký hàng hải, mà chờ sửa chữa xong mới được đăng ký hàng hải. "Lúc đó, ụ mới chỉ có đăng ký hàng hải tạm thời do Chi cục Hải quan TPHCM cấp, chứ chưa có chính thức".
14h30: Tiếp tục phần xét hỏi, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác, về dự án mua ụ nổi 83M, báo cáo về ụ nổi của đoàn khảo sát sau khi sang Nga, về vai trò của công ty AP,...
"Về khảo sát dự án ụ nổi 83M, bị cáo cho biết có chỉ đạo nào của bị cáo Dũng và Phúc không?", chủ tọa hỏi bị cáo Chiều. Trả lời câu hỏi, bị cáo Chiều trả lời rằng, mình không nhận chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo, không tham gia đoàn khảo sát dự án trong lần đầu tiên. Bị cáo chỉ tham gia khảo sát trong lần thứ hai. Lần này, bị cáo đã nghe lại những điều về dự án từ Trần Hải Sơn. Bị cáo Chiều biện giải, trước khi đi khảo sát, bị cáo đã xin ý kiến chỉ đạo, về việc xác định ụ nổi có phải là tàu biển không. "Bị cáo đã xin ý kiến cho rằng, ụ nổi không phải là tàu biển nhưng quy trình hoạt động thì như tàu biển", bị cáo Chiều nói.
14h15: HĐXX tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn. Trong phần xét hỏi bị cáo Sơn, HĐXX tập trung xoáy vào số tiền mà Sơn đã rút từ ngân hàng, về thời gian, ... Tuy nhiên, trả lời HĐXX, bị cáo Sơn đã nói rằng mình 'không nhớ rõ' hoặc 'nhớ không chính xác lắm'.
Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa ngày 25/4, bị cáo vẫn mặc áo trắng như các phiên trước đó.
14h10: Khi tiếp tục xét hỏi, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn đã tập trung hỏi bị cáo Dũng, về việc dự án mua ụ 83M bắt đầu từ khi nào? Thêm vào đó Tòa hỏi: Bị cáo có nhớ bị cáo Sơn đã đến gặp mình để đưa gói quà trong đó có chai rượu vào thời gian nào? Trả lời HĐXX, bị cáo Dũng đã nói rằng mình không nhớ. Chủ tọa cũng hỏi Dương Chí Dũng về việc đi máy bay vào TPHCM, về thời gian và lộ trình bị cáo Dũng đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn. Bị cáo Dũng khẳng định rằng, mình đã không thể có thời gian trống để gặp Sơn. Sau đó, bị cáo Dũng cũng khẳng định thêm một lần nữa, rằng mình không hề nhận khoản tiền 10 tỷ đồng của bị cáo Sơn.
Dương Chí Dũng khẳng định không nhận khoản 10 tỷ đồng 'lại quả'
14h05: HĐXX bước vào phòng xử án, phòng xử án bao trùm một không khí hồi hộp, căng thẳng. Sau khi nghị án, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn thay HĐXX tuyên bố, sẽ quay lại tiếp tục xét hỏi. Bị cáo Dương Chí Dũng đứng trước vành móng ngựa trả lời câu hỏi của chủ tọa..
13h45: Dương Chí Dũng đã xuất hiện tại phòng xét xử, bị cáo ngồi một mình, các bị cáo khác vẫn đang ở phòng cách ly. 14h phiên tòa sẽ chính thức bắt đầu.
Dương Chí Dũng xuất hiện tại phòng xét xử chiều 25/4 từ khá sớm
Trước đó, qua 3 ngày xét xử, nhiều tình tiết mới của vụ án đã được các luật sư nêu ra trong phần xét hỏi và tranh tụng để làm căn cứ cho HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, mức bồi thường dân sự của mỗi bị cáo.
Về phía VKS, đại diện VKS sau khi tổng hợp các ý kiến trong phần xét hỏi, đã công bố kết luận vụ án. Trong đó, đại diện VKS đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm đã tuyên, là tử hình, dành cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Không đồng tình với bản kết luận này, các luật sư bào chữa đã nêu ra nhiều quan điểm của mình trong phần tranh tụng, khiến phần tranh tụng giữa luật sư và đại diện VKS trở nên ‘căng thẳng, gay gắt’.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các luật sư và lời khai các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, đồng thời xem xét phần luận tội của đại diện VKS, HĐXX sẽ công bố bản án cuối cùng trong chiều ngày hôm nay.
Dư luận đang hồi hộp ngóng chờ một bản án phù hợp từ phía TAND Tối cao đối với một vụ án tham nhũng lớn.
10 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt ở cấp sơ thẩm: 1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình. 2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình. 3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù. 4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù. 5. Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng. |