Tin vắn thế giới ngày 30/3: Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nguy cơ đại dịch COVID-19 kéo dài

Bạch Dương| 30/03/2021 06:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Mỹ cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 kéo dài; Canada ngừng tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca cho người dưới 55 tuổi; WHO tiết lộ SARS-CoV-2 có thể truyền từ dơi sang người qua động vật khác… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Mỹ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 kéo dài

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/3 đã cảnh báo người Mỹ rằng cuộc chiến chống dịch COVID-19 “còn lâu mới đi đến chiến thắng” và kêu gọi mọi người lưu ý những cảnh báo về virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh nước Mỹ đã ở bờ vực của nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Biden nêu rõ: “Công việc của chúng ta còn lâu mới kết thúc. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn cách xa chiến thắng. Chúng ta đang ở trong cuộc đua sinh tử với chủng virus lây lan nhanh chóng này khi số ca dương tính tiếp tục tăng, các biến chủng đang lây lan và thật đáng buồn thay một số hành vi liều lĩnh mà chúng ta thấy trên truyền hình trong những tuần qua đồng nghĩa với việc có thêm các ca dương tính mới".

tong-thong-my-joe-biden.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Mỹ đình chỉ can dự thương mại với Myanmar vì bất ổn chính trị

Reuters đưa tin Đại diện Phòng Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai ngày 29/3 tuyên bố nước này đã đình chỉ lập tức mọi can dự với Myanmar trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư năm 2013 cho tới khi nào Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.

Hội đồng Bảo an lên kế hoạch họp về tình hình Myanmar

Các nguồn tin ngoại giao ngày 29/3 cho biết Anh đã kêu gọi triệu tập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp về tình hình tại Myanmar.

Theo đó, 15 thành viên HĐBA sẽ bắt đầu phiên họp kín vào ngày 31/3 và lắng nghe báo cáo tình hình của đặc phái viên LHQ về Myanmar, ông Christine Schraner Burgener.

Mở phiên tòa xét xử cựu cảnh sát bị buộc tội giết công dân da màu G.Floyd

Ngày 29/3, phiên tòa xét xử Derek Chauvin - cựu sĩ quan cảnh sát bị buộc tội giết người đàn ông da màu George Floyd ở Minneapolis (Mỹ) năm 2020 - đã được mở tại phòng xử án thành phố trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt.

Quy trình xét xử Chauvin dự kiến bắt đầu vào ngày 29/3 tới và kéo dài khoảng một tháng. Các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ phải đưa ra một quyết định đồng nhất trong trường hợp tòa tuyên buộc tội cựu sĩ quan Chauvin. Bị cáo có thể đối mặt với 40 năm tù giam nếu bị kết án tội danh nghiêm trọng nhất - tội giết người cấp độ hai. Tuy nhiên, đến nay bị cáo không nhận tội, đồng thời khẳng định chỉ làm theo đúng quy trình đã được huấn luyện.

Hàn Quốc kêu gọi Nga tham gia thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 29/3 cho biết nước này đã kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Nga trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Park Jae-min đã tổ chức cuộc đối thoại chiến lược với người đồng cấp Nga Alexander Fomin tại Seoul và bày tỏ lo ngại về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 25/3.

Triều Tiên tổ chức sự kiện thể thao lớn nhân kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành

Ngày 29/3, KCNA đưa tin Triều Tiên sẽ tổ chức một cuộc thi đấu thể thao lớn vào tháng sau để kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Sự kiện có sự tham gia của các vận động viên, sinh viên và người lao động từ các địa phương sẽ bắt đầu vào ngày 5/4 tại Bình Nhưỡng và kéo dài đến hết ngày 15/4, ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

EU hy vọng Tòa án Hiến pháp Đức ủng hộ gói cứu trợ COVID-19

Ngày 29/3, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ hy vọng rằng quyết định gây sốc của Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu ngừng phê chuẩn gói cứu trợ đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD) sẽ không làm trì hoãn kế hoạch phê chuẩn.

Dấu hiệu cải thiện quan hệ song phương EU - Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 29/3, một người phát ngôn của EU cho biết Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ công du Thổ Nhĩ Kỳ và gặp Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan vào ngày 6/4 .

Đây là một phần nỗ lực khởi động lại mối quan hệ đã được các nhà lãnh đạo EU thông qua tuần trước, sau khi Ankara có động thái làm dịu tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải.

Tổng Giám đốc WHO: Cần thêm nghiên cứu về nguồn gốc của đại dịch COVID-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mọi giả định về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 vẫn để ngỏ và cần được nghiên cứu thêm.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ) sau khi đọc báo cáo của nhóm chuyên gia quốc tế WHO đến Vũ Hán (Trung Quốc, tâm dịch COVID-19), ông Ghebreyesus khẳng định: "Theo những gì tôi đọc được từ báo cáo, mọi giả định đều là có thể... và sẽ cần nghiên cứu thêm".

WHO, UNICEF tiếp tục kêu gọi các nước giàu đảm bảo phân phối vaccine công bằng

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến về tiêm chủng toàn cầu do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tổ chức, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Khoảng cách giữa số vaccine được sử dụng tại các nước giàu và số vaccine được sử dụng thông qua cơ chế COVAX đang ngày một gia tăng".

Cũng tại hội thảo trên, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã kêu gọi các nước giàu đảm bảo việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng, nhấn mạnh cần phải huy động 510 triệu USD để hỗ trợ công tác vận chuyển chế phẩm này trên thế giới.

WHO tiết lộ SARS-CoV-2 có thể truyền từ dơi sang người qua động vật khác

Ngày 29/3, hãng tin AP (Mỹ) đã nhận được tài liệu dường như là báo cáo gần cuối cùng của các chuyên gia WHO và Trung Quốc về nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 từ một nhà ngoại giao giấu tên của quốc gia thành viên WHO. Tài liệu cho biết virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền từ dơi sang người thông qua một động vật khác và cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm “rất khó xảy ra”.

Canada ngừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho người dưới 55 tuổi

Giới chức y tế Canada ngày 29/3 cho biết sẽ ngừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho những người dưới 55 tuổi và yêu cầu một phân tích mới về lợi ích cũng như rủi ro của loại vaccine này dựa trên độ tuổi và giới tính.

vaccine-astrazeneca.jpg
Canada ngừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho người dưới 55 tuổi

Nga thông báo sản xuất vaccine Sputnik V tại Trung Quốc

Ngày 29/3, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết cơ quan này và Công ty công nghệ gene Yuanxing ở Thâm Quyến của Trung Quốc đã nhất trí sản xuất tại Trung Quốc 60 triệu liều vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga.

Theo RDIF, cơ quan đang tiếp thị vaccine Sputnik V ra toàn cầu, hoạt động sản xuất thương mại vaccine này dự kiến bắt đầu vào tháng 5 tới.

Johnson & Johnson sẽ cung cấp 400 triệu liều vaccine cho AU

Hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ sẽ cung cấp 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Liên minh châu Phi (AU) từ quý III/2021 trong bối cảnh khu vực này đang chịu cảnh thiếu nguồn cung vaccine.

Đây là thỏa thuận đạt được giữa chi nhánh dược phẩm Janssen của J&J và Quỹ mua vaccine của châu Phi (AVAT). Theo thỏa thuân, AVAT có thể đặt mua thêm 180 triệu liều vaccine của hãng trong năm 2022.

UAE và Trung Quốc hợp tác sản xuất vaccine của Sinopharm

Theo hãng thông tấn Wam của UAE, doanh nghiệp Group 42 của UAE và CNBG - công ty con của tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc - đã triển khai một dự án chung nhằm khởi động dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại UAE. Hiện chưa rõ khi nào dây chuyển sản xuất thương mại này đi vào hoạt động.

Mỹ ra mắt 'thẻ thông hành' COVID-19 đầu tiên

Giới chức bang New York (Mỹ) sẽ sớm phát hành "thẻ thông hành" mang tên Excelsior Pass cho những người đã tiêm ngừa hoặc có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Kênh truyền hình RT (Nga) dẫn thông báo của giới chức New York cho hay: “Tương tự như thẻ lên máy bay trên điện thoại di động, các cá nhân có thể in ra hoặc lưu trữ trên điện thoại thông minh qua ứng dụng mang tên Excelsior Pass Wallet”.

Ứng dụng trực tuyến Excelsior Pass do hãng công nghệ đa quốc gia IBM phát triển, hoạt động tương tự thẻ lên máy bay trực tuyến. Ảnh: RT

Thủ tướng Đức kêu gọi sự linh hoạt trong công tác chống dịch COVID-19

Ngày 28/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng chính tiến độ chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cùng việc áp dụng các biện pháp phong tỏa lặp đi lặp lại là những nguyên nhân khiến công tác chống dịch gặp khó khăn.

Thủ tướng Anh khuyến cáo người dân thận trọng khi vùng England nới lỏng phong tỏa

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khuyến cáo người dân nước này thận trọng khi một số biện pháp hạn chế được dỡ bỏ tại vùng England, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng ở các khu vực khác tại châu Âu cũng như các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng.

Slovenia tái áp đặt các biện pháp hạn chế đến giữa tháng 4

Slovenia ngày 28/3 cho biết sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế đến giữa tháng 4 sau khi xem xét tình hình dịch bệnh COVID-19 ở một số quốc gia láng giềng.

Theo Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, người dân sẽ được yêu cầu làm việc tại nhà nếu có thể và các trường học sẽ tổ chức dạy trực tuyến. Ngoài ra, Chính phủ Slovenia cũng tăng cường kiểm soát biên giới từ ngày 29/3, theo đó cấm người dân nước này đi đến các quốc gia được xếp vào danh sách "đỏ" ( trong đó có tất cả các quốc gia láng giềng của Slovenia).

Nam Mỹ đối mặt với làn sóng COVID-19 mới nghiêm trọng hơn

Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ. Sự lây lan chóng mặt của biến thể mới của COVID-19 được phát hiện ở bang Manaos thuộc vùng Amazona của Brazil không chỉ khiến cho hệ thống bệnh viện của nước này quá tải, số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao kỷ lục, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, Bolivia và Argentina đã buộc phải đưa ra những biện pháp đối phó mới, trong khi Chile và Paraguay đã áp đặt trở lại lệnh phong tỏa bắt buộc.

Philippines phong tỏa vùng thủ đô Manila

Từ ngày 29/3, vùng thủ đô Metro Manila - trung tâm kinh tế của Philippines - và 4 tỉnh phụ cận bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại địa phương này khi số ca nhiễm mới liên tục tăng.

Australia phong tỏa Brisbane sau khi phát hiện ổ dịch mới

Chính quyền bang Queensland của Australia ngày 29/3 thông báo phong tỏa thành phố Brisbane và một số vùng lân cận trong vòng 3 ngày để ngăn chặn một ổ dịch COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng mới xuất hiện trong vài ngày qua tại đây.

Phòng thí nghiệm của CH Czech phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Nhà sinh học người CH Czech Omar Sery, nhà sáng lập Elisabeth Pharmacon lab, thông báo công ty này đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Sery, đột biến mới dường như không dễ lây lan hơn và có thể được ngăn ngừa hiệu quả nhờ vaccine ngừa COVID-19 hiện nay.

UNICEF kêu gọi bảo đảm an toàn cho trẻ em ở Myanmar

Ngày 28/3, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - bà Henrietta Fore đã lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng tại Myanmar và những hậu quả đối với trẻ em ở nước này.

Indonesia: Thu giữ nhiều chất nổ liên quan vụ đánh bom liều chết ở Sulawesi

Ngày 29/3, cảnh sát Indonesia đã phát hiện nhiều chất nổ trong khuôn khổ chiến dịch truy quét ở khu vực ngoài thủ đô Jakarta liên quan đến vụ đánh bom liều chết trên đảo Sulawesi một ngày trước đó.

Trong khi đó, cảnh sát khu vực Tây Nusa Tenggara đã bắt giữ 4 nghi phạm khủng bố là thành viên Jamaah Ansharut Daulah (JAD) tại Bima, thuộc khu vực Tây Nusa Tenggara, liên quan đến vụ đánh bom liều chết ở thành phố Makassar, tỉnh Nam Sulawesi xảy ra một ngày trước đó.

Nghi phạm tấn công bằng dao ở Canada bị buộc tội giết người

Ngày 28/3, cảnh sát Canada cho biết Yannick Bandaogo, nghi phạm tấn công bằng dao gây thương vong tại thành phố Vancouver trước đó một ngày, đã bị buộc tội giết người.

Tuần hành ở Cuba kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận

Ngày 28/3, hàng trăm người ở Cuba đã tham gia đoàn xe diễu hành nhằm kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh bao vây, cấm vận kinh tế mà Washington đơn phương áp đặt đối với đảo quốc Caribe trong 60 năm qua.

IS tuyên bố chiếm đóng thị trấn Palma ở Bắc Mozambique

Tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ngày 29/3 tuyên bố đã chiếm đóng thị trấn duyên hải Palma ở phía Bắc của Mozambique sau 3 ngày giao tranh với quân đội và các lực lượng an ninh, làm hàng chục người, trong đó có nhân viên nước ngoài, thiệt mạng.

Siêu tàu Ever Given lại làm tắc nghẽn kênh đào Suez vài giờ sau khi được giải cứu

Một nguồn tin thuộc cơ quan quản lý kênh đào Suez ngày 29/3 cho biết tàu hàng khổng lồ Ever Given tiếp tục chặn ngang kênh đào Suez vài giờ sau khi giới chức Ai Cập tuyên bố đã giải cứu thành công. Nguồn tin tiết lộ: "Con tàu lại trở về vị trí kẹt như cũ vì gió. Tuy nhiên, tình hình không khó khăn và phức tạp như lần đầu tiên".

Trung Quốc tạo ra 53% tổng lượng nhiệt điện trên thế giới vào năm 2020

Một nghiên cứu dữ liệu toàn cầu công bố ngày 29/3 cho thấy Trung Quốc tạo ra 53% tổng lượng nhiệt điện trên thế giới vào năm 2020, nhiều hơn 9 điểm phần trăm so với 5 năm trước bất chấp các cam kết về bảo vệ khí hậu và việc xây dựng hàng trăm nhà máy năng lượng tái tạo của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Argentina tìm cách đàm phán lại các khoản nợ IMF

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez ngày 28/3 cho biết nước này "không thể trang trải" khoản nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với các điều kiện ban đầu.

Phát biểu trên đài phát thanh Del Plata, Tổng thống Fernandez nhấn mạnh: "Khoản nợ để lại (từ chính phủ tiền nhiệm) với các điều khoản hiện tại là không thể trang trải, theo đó chúng tôi đang tìm cách đàm phán với IMF để có được những lợi thế tốt nhất".

Tỉ phú giàu nhất CH Czech tử vong trong vụ rơi trực thăng ở Alaska

Tỉ phú người CH Czech Petr Kellner là một trong năm nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay trực thăng Eurocopter AS50 rơi gần khu vực Knik Glacier, bang Alaska (Mỹ).

Chỉ có một người sống sót trong vụ tai nạn này, nhưng đang trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ông Kellner, bốn nạn nhân xấu số còn lại gồm hai hướng dẫn viên của khu nghỉ dưỡng Tordrillo Mountain Lodge, một vị khách người Séc Benjamin Larochaix và phi công lái trực thăng tên Zach Russel.

Hàn Quốc lần đầu tiên cảnh báo bụi cát vàng trên quy mô toàn quốc sau 10 năm

Lần đầu tiên kể từ 10 năm trở lại đây Cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phải đưa ra cảnh báo bụi cát vàng trên quy mô toàn quốc.

Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 6 năm (kể từ tháng 2/2015) và cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017 khi Hàn Quốc bắt đầu thực hiện chế độ cảnh báo tổng hợp về môi trường - khí tượng, cảnh báo bụi cát vàng được ban bố tại các khu vực sâu trong đất liền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 30/3: Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nguy cơ đại dịch COVID-19 kéo dài