Tin vắn thế giới ngày 26/3: Tổng Thư ký LHQ kêu gọi bảo vệ phóng viên, nhân viên LHQ, các tổ chức NGO

Bạch Dương| 26/03/2021 06:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi bảo vệ nhân viên LHQ, các tổ chức NGO và phóng viên; Tổng thống Philippines lệnh điều tra 9 thị trưởng ‘chen ngang’ tiêm vaccine trước; Nga nối lại đường bay với 6 nước… là tin tức thế giới đáng chú ý.

TTK LHQ kêu gọi bảo vệ nhân viên của LHQ, các tổ chức phi chính phủ và phóng viên

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 25/3 đã kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ hiệp ước quốc tế về bảo vệ các nhân viên của LHQ và các nhân viên liên quan, đồng thời đảm bảo tất cả những người thực hiện các công việc quan trọng của LHQ đều có được sự an toàn cần thiết để hoàn thành sứ mệnh được giao.

Lời kêu gọi trên được ông Guterres đưa ra nhân Ngày quốc tế đoàn kết với các nhân viên bị giam giữ và mất tích (25/3). Đây là dịp để vận động triển khai hành động, đòi hỏi công lý và nâng cao quyết tâm của thế giới nhằm bảo vệ đội ngũ nhân viên và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, cũng như nhân viên các tổ chức phi chính phủ (NGO) và giới phóng viên.

guterres.jpg
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

LHQ nhấn mạnh vai trò của người bản địa trong bảo vệ rừng ở Mỹ Latinh, Caribe

Ngày 25/3, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ phát triển người bản địa Mỹ Latinh và Caribe (FILAC) công bố báo cáo dựa trên việc xem xét hơn 300 nghiên cứu cho biết, các dân tộc bản địa gắn bó với châu Mỹ Latinh cho đến nay vẫn là những người bảo vệ rừng tốt nhất trong các khu vực, với tỷ lệ phá rừng trên lãnh thổ thấp hơn tới 50% so với các nơi khác.

Thủ tướng Đức kêu gọi đẩy mạnh năng lực sản xuất vaccine ở châu Âu

Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 25/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi mở rộng năng lực sản xuất vaccine ở châu Âu, đồng thời kêu gọi cơ quan lập pháp Đức nhanh chóng thông qua Quỹ Tái thiết châu Âu giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề ở châu lục nhanh chóng ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tổng thống Philippines lệnh điều tra 9 thị trưởng ‘chen ngang’ tiêm vaccine trước

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh điều tra ít nhất thị trưởng tại 9 thành phố có hành vi chen ngang để được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sớm.

Phát biểu trên kênh truyền hình tối ngày 24/3, ông Duterte bày tỏ lo ngại Philippines sẽ đánh mất cơ hội nhận thêm vaccine viện trợ từ Tổ chức Y tế thế giới thông nếu tiếp tục xảy ra tình trạng vi phạm quy định về ưu tiên tiêm vaccine. Bởi theo ông, chính đại diện của WHO tại Philippines từng cảnh báo, nếu không tuân thủ danh sách ưu tiên, Philippinex có thể không còn nhận được sự trợ giúp từ WHO.

Slovenia triệu Đại sứ Trung Quốc

Ngày 24/3, Slovenia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này Wang Shunqing để thảo luận về việc Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân và thực thể của châu Âu, với lý do những đối tượng này gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật.

Nga khôi phục đường bay quốc tế với 6 nước

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga ngày 25/3 thông báo sẽ nối lại các đường bay trực tiếp tới 6 nước từ ngày 1/4. Cụ thể, các đường bay trực tiếp sẽ xuất phát từ Moscow và St.Petersburg với tần suất 1 đến 2 chuyến/tuần đến các sân bay của Venezuela, Syria, Tajikistan, Uzberkistan và Sri Lanka, trong khi các chuyến bay tới các sân bay Đức được thực hiện từ 3 đến 5 chuyến/tuần.

Ngoài ra, từ ngày 1/4, Nga cũng sẽ nối lại các chuyến bay đi nước ngoài từ các sân bay quốc tế Barnaul, Belgorod, Volgograd, Voronezh, Kaluga, Krasnodar, Lipetsk, Nalchik, Orenburg, Saratov, Sochi, Tyumen và Yuzhno-Sakhalinsk.

GCC và Trung Quốc nhất trí nối lại đàm phán về thương mại

Ngày 24/3, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Trung Quốc đã thảo luận về việc nối lại các cuộc đàm phán về thương mại tự do, cũng như tìm cách đạt được một thỏa thuận càng sớm càng tốt để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương.

EU hạn chế xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19

Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/3 siết chặt kiểm soát đối với xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19, nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa dịch bệnh đang triển khai chậm trễ ở khu vực này, trong bối cảnh Mỹ cho biết việc tiêm chủng đã có kết quả cho những người trên 65 tuổi.

Nguồn cung vaccine của COVAX bị ảnh hưởng do nhà sản xuất Ấn Độ hoãn bàn giao

Ngày 25/3, hãng tin Reuters (Anh) dẫn thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết nguồn cung vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca cho cơ chế phân phối vaccine COVAX, do Liên hợp quốc đồng chỉ đạo, sẽ bị ảnh hưởng do phía nhà sản xuất Ấn Độ hoãn bàn giao vaccine trong tháng 3 và tháng 4.

AstraZeneca công bố báo cáo cập nhật về hiệu quả vaccine

Ngày 24/3, hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca công bố báo cáo cập nhật về vaccine phòng COVID-19 do hãng này phối hợp với đại học Oxford (Anh) phát triển, khẳng định vaccine có hiệu quả 100% ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và 76% ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng.

vaccine-astrazeneca.jpg

Áo cảnh báo việc phân phối không công bằng vaccine sẽ gây tổn hại EU

Ngày 25/3, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã lên tiếng cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) việc phân phối không công bằng vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước thành viên sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho liên minh. Cảnh báo được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, trong đó dự kiến sẽ thảo luận về chiến lược vaccine của khối.

Nga bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 thứ 3

Hãng tin Interfax dẫn lời một bộ trưởng trong Chính phủ Nga ngày 25/3 cho biết Trung tâm Chumakov của nước này đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba đối với vaccine có tên CoviVac - loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga.

Thụy Điển nối lại tiêm chủng vaccine của AstraZeneca cho người ngoài 65 tuổi

Ngày 25/3, Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển thông báo sẽ nối lại việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) sau khoảng thời gian tạm dừng sử dụng chế phẩm này vì lo ngại về nguy cơ gây ra hiện tượng đông máu.

Ông cho biết vaccine này chỉ được tiêm cho những người ngoài 65 tuổi, trong khi các báo cáo về biến chứng của chế phẩm này ở những người trẻ tuổi hơn đang được tiếp tục nghiên cứu.

Thái Lan cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson

Ngày 25/3, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirankul cho biết nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là loại vaccine tiêm 1 liều.

Estonia cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine từ tháng 4

Giới chức Estonia cho biết nước này dự định bắt đầu cấp chứng nhận điện tử về tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân từ tháng 4 tới.

Theo ông Kalle Killar, quan chức phụ trách công nghệ của Bộ Y tế Estonia, chứng nhận điện tử sẽ tiện lợi cho người dân sử dụng khi muốn đi du lịch hoặc trong các hoạt động hằng ngày vì vừa dễ xác nhận vừa có tính bảo mật cao hơn chứng nhận giấy.

Hàn Quốc triển khai gói cứu trợ khẩn cấp lần thứ 4 với quy mô hơn 17 tỷ USD

Quốc hội Hàn Quốc ngày 25/3 đã thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 15.000 tỷ won (13,2 tỷ USD) để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ, người thất nghiệp và các đối tượng dễ bị tổn thương khác do tác động của đại dịch COVID-19.

'Sự cố cộng đồng ngày 20/2' có thể gây thiệt hại 250 triệu USD cho kinh tế Campuchia

Người phát ngôn Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Meas Sok Sensan cho biết hiện chưa có số liệu cụ thể về thiệt hại kinh tế do “sự cố cộng đồng ngày 20/2” gây ra tại nước này do làm bùng phát làn sóng dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, Campuchia có thể thiệt hại khoảng 250 triệu USD vì sự cố này.

Điều tra hàng trăm quan chức Peru lợi dụng chức vụ để tiêm trước vaccine

Ngày 24/3, giới chức Peru cho biết đang điều tra làm rõ cáo buộc về sự ưu tiên dành cho các quan chức đối với tiêm vaccine ngừa COVID-19, sau khi các công tố viên cho biết hàng trăm quan chức cấp cao đã lợi dụng chức vụ để bí mật tiêm vaccine sớm trước khi chương trình tiêm chủng được triển khai.

Phần Lan và Iceland nối lại tiêm chủng vaccine AstraZeneca ở nhóm người cao tuổi

Ngày 24/3, Phần Lan và Iceland cho phép nối lại việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca để tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi sau thời gian tạm ngừng để xem xét về tác dụng phụ của vaccine.

Số ca mắc COVID-19 ở châu Phi tăng 30% trong làn sóng dịch thứ hai

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số các ca mắc bệnh COVID-19 tại châu Phi đã tăng 30% khi làn sóng thứ hai của dịch bệnh đang hoành hành tại các nước này hồi năm ngoái và các chính phủ có phần lơ là biện pháp phòng ngừa hơn so với làn sóng dịch bệnh đầu tiên.

Ấn Độ phong tỏa một số thị trấn tại bang Maharashtra

Ngày 25/3, giới chức Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thị trấn thuộc bang Maharashtra ở miền Tây trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm 53.476 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, mức tăng trong ngày cao nhất trong 5 tháng qua.

Mỹ đưa trẻ em di cư không có người nhà đi cùng tới hai căn cứ quân sự

Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê chuẩn đề nghị đưa trẻ em di cư không có người nhà đi cùng tới hai căn cứ quân sự ở bang Texas trong bối cảnh số người di cư tại biên giới Mỹ - Mexico nhập cảnh vào nước này tăng mạnh theo chủ trương mở cửa của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nỗ lực giải cứu 'siêu tàu' chở hàng mắc kẹt ở kênh đào Suez

Người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie ngày 25/3 cho biết những nỗ lực giải cứu “siêu tàu” chở hàng EVER GIVEN mắc cạn ở Kênh đào Suez vẫn đang tiếp tục, song do kích cỡ của tàu quá lớn nên quá trình làm nổi con tàu này sẽ cần nhiều thời gian.

12 bang của Mỹ yêu cầu Facebook và Twitter ngăn thông tin sai lệch về vaccine

Ngày 24/3, các Trưởng công tố của 12 bang ở Mỹ đã yêu cầu Facebook và Twitter có hành động mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn nạn lan truyền thông tin sai lệch về các vaccine ngừa COVID-19 trên mạng xã hội.

Nối dài danh sách người nổi tiếng 'tẩy chay' Twitter

Ngày 24/4, siêu mẫu đồng thời là tác giả viết sách dạy nấu ăn nổi tiếng người Mỹ, Chrissy Teigen, đã nối dài danh sách người nổi tiếng "tẩy chay" Twitter khi chính thức xóa tài khoản cá nhân trên trang mạng xã hội này với lý do bị lăng mạ.

Vệ sĩ cựu Tổng thống Malawi bị tịch thu 80 ô tô, 21 bất động sản

Theo kênh Al Jazeera, lực lượng chức năng Malawi trong tháng 2 đã tịch thu số tài sản với tổng trị giá 2,2 triệu USD thuộc về Norman Chisale - vệ sĩ trung thành và đáng gờm nhất của cựu Tổng thống Malawi Peter Mutharika, và họ hàng cùng người thân của ông ta.

Những tài sản bị tịch thu bao gồm hơn 80 xe ô tô, trong đó có nhiều xế hộp đắt đỏ như Mercedes Benzes, Range Rovers, Land Cruisers và Jeep Wranglers, cùng 21 bất động sản gồm nhà ở, tòa nhà thương mại. Malawi còn đóng băng hai tài khoản ngân hàng có tên của Chisale tổng giá trị gần 150.000 USD.

Tấn công ở miền Tây Niger, hơn 10 người thiệt mạng

Ngày 25/3, giới chức Niger cho biết ít nhất 11 người đã thiệt mạng và 1 người bị thương trong vụ tấn công bất ngờ một ngày trước đó nhằm vào 3 ngôi làng ở khu vực Tillaberi, miền Tây Niger, giáp giới với Mali.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 26/3: Tổng Thư ký LHQ kêu gọi bảo vệ phóng viên, nhân viên LHQ, các tổ chức NGO