Tin vắn thế giới ngày 22/3: Mỹ đã âm thầm rút 1/3 số bom hạt nhân khỏi châu Âu

Bạch Dương| 22/03/2021 06:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỹ đã âm thầm rút 1/3 số bom hạt nhân khỏi châu Âu; WHO nói về cơ chế gây huyết khối trong não do vaccine AstraZeneca; Pháp giải cứu 72 người di cư trên Eo biển Manche… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Mỹ đã âm thầm rút 1/3 số bom hạt nhân khỏi châu Âu

Theo đài Sputnik (Nga), chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã âm thầm đưa gần 50 quả bom hạt nhân B61 khỏi các kho chứa ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ hiện còn khoảng 100 đầu đạn hạt nhân ở hai khu vực trên.

Sputnik cho biết, báo cáo của một tổ chức có tên Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ cho biết thay đổi này đã được đề cập gián tiếp trong các báo cáo giải mật gần đây. Theo đó, các đầu đạn hạt nhân được đưa đi chỗ khác nhưng các quan chức Mỹ không thông báo về thay đổi số vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu. Số bom hạt nhân này được đặt ở Italy (căn cứ Aviano và Ghedi), Đức (căn cứ không quân Buchel), Bỉ (căn cứ Kleine Brogel), Hà Lan (căn cứ Volkel) và Thổ Nhĩ Kỳ (Incirlik).

bom-hat-nhan.jpg
Bom hạt nhân B61. Ảnh: Sputnik

Iran tái khẳng định quan điểm về thỏa thuận hạt nhân

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Đại Giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 21/3 đã tái khẳng định "chính sách rõ ràng" của nước này về việc Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt trước khi muốn Tehran thực hiện lại những cam kết trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei nói: "Chính sách của Iran cho các bên liên quan tới JCPOA và chính văn kiện này rất rõ ràng. Đó là yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, tất cả các lệnh trừng phạt. Sau đó, chúng tôi sẽ xác minh và nếu tất cả các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chúng tôi sẽ quay trở lại thực hiện các cam kết trong JCPOA".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du Afghanistan

Ngày 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bất ngờ đến Kabul trong chuyến công du đầu tiên tới Afghanistan trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, sau khi kết thúc chuyến thăm Ấn Độ.

Chuyến thăm trên diễn ra trong bối cảnh Washington đang rà soát lại thỏa thuận hòa bình mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký với Taliban hồi năm ngoái, theo đó Mỹ sẽ rút khoảng 2.500 binh sĩ còn lại ở Afghanistan về nước trước ngày 1/5.

EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra trong hai ngày 25 - 26/3 tới tại Brussels (Bỉ), sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba trong khu vực diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh EU sẽ tập trung thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19, quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuần hành tại Atlanta biểu thị tình đoàn kết với người Mỹ gốc châu Á

Ngày 20/3, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài trụ sở cơ quan lập pháp bang Georgia (Mỹ) ở thủ phủ Atlanta để biểu thị sự ủng hộ đối với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á. Trước đó, tại thành phố này trong ngày 16/3 đã xảy ra loạt vụ tấn công tại 3 quán spa khác nhau khiến 8 người thiệt mạng, trong đó đa phần là phụ nữ gốc châu Á.

WHO nói về cơ chế gây huyết khối trong não do vaccine AstraZeneca

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không thấy có mối liên hệ nguyên nhân-kết quả trong các trường hợp gặp biến chứng huyết khối não sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Mới đây, các nhà khoa học Đức phát hiện rằng việc sử dụng vaccine AstraZeneca có khả năng sản sinh các kháng thể mà sau đó kích thích sự hình thành cục máu đông trong những trường hợp “hiếm gặp”. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không thấy có mối liên hệ nguyên nhân-kết quả trong các trường hợp này.

vaccine-ngua-covid-19-oford.jpg
WHO cho biết không thấy có mối liên hệ nguyên nhân-kết quả trong các trường hợp gặp biến chứng huyết khối não sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 với mục tiêu đến giữa năm nay tiêm cho 40% dân số.

Phát biểu họp báo ngày 21/3, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) - ông Mễ Phong (Mi Feng), cho biết, tính đến sáng 20/3, hơn 74,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho người dân ở Trung Quốc. So với con số khoảng 65 triệu liều vaccine tính đến ngày 14/3 vừa qua, đã có thêm gần 10 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân chỉ trong chưa đầy một tuần.

Các nước vùng Vịnh mở rộng tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 21/3, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng thông báo sẽ mở rộng chương trình tiêm phòng vaccine COVID-19 cho công dân từ 16 tuổi trở lên trong bối cảnh hai quốc gia vùng Vịnh này đang nỗ lực khống chế đại dịch.

Bộ Y tế Arab Saudi sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech cho những người dân trên 16 tuổi của nước này trong khi tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho công dân trong nước và người nước ngoài cư trú tại nước này trên 18 tuổi.

Australia phê chuẩn sản xuất vaccine AstraZeneca trong nước

Ngày 21/3, Cục Quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA) thông báo đã phê chuẩn việc sản xuất trong nước vaccine AstraZeneca và dự kiến các liều vaccine đầu tiên sẽ được cung cấp trong vài ngày tới, giúp Australia tránh phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Trong khi đó, các cơ quan y tế Australia cho biết giai đoạn hai của chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu từ ngày 22/3, với khoảng 6 triệu người dân nước này được tiêm liều vaccine đầu tin. Đối tượng từ 70 tuổi trở lên, thổ dân và người dân Đảo Torres từ 55 tuổi trở lên, người chưa đến 70 tuổi mắc các bệnh nền và các nhân viên y tế tuyến đầu.

Nhật Bản tập trung vào 5 trụ cột phòng dịch COVID-19

Từ ngày 21/3, Nhật Bản bước vào giai đoạn mới phòng dịch COVID-19, sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba, Kanagawa.

Theo đó, 5 trụ cột này bao gồm: Ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh tại các cơ sở ăn, uống đông người; Tăng cường các biện pháp phát hiện và ngăn chặn sự lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2; Các lực lượng chức năng cũng cần duy trì xét nghiệm PCR, kể cả là những người không có triệu chứng; Đẩy nhanh chương trình tiêm chủng; Tăng cường củng cố hệ thống y tế, sẵn sàng ứng phó với khả năng bùng phát làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Indonesia công bố lộ trình mở cửa cho khách du lịch quốc tế

Chính phủ Indonesia có kế hoạch mở cửa trở lại hai khu du lịch ở Batam và Bintan thuộc tỉnh quần đảo Riau cho khách du lịch quốc tế từ ngày 21/4 tới, tiếp đến mở cửa đảo Bali vào tháng 6 hoặc tháng 7.

Phát biểu ngày 20/3, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno nhấn mạnh điều quan trọng để mở cửa trở lại ngành du lịch là cần thực hiện nghiêm các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, xét nghiệm, truy vết, điều trị và tiêm phòng.

Chính phủ Đức dự định kéo dài biện pháp hạn chế đến tháng 4

Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel có kế hoạch kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đến tháng 4 tới để kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ ba ở nước này.

Theo một biên bản ghi nhớ mà hãng tin AFP có được ngày 21/3, các biện pháp hạn chế sẽ được gia hạn đến một thời điểm chưa xác định trong tháng 4 do tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao ở thời điểm hiện tại, chủ yếu do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Campuchia đóng cửa trường học trên cả nước

Ngày 21/3, Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao cùng Bộ Văn hóa - Nghệ thuật của Campuchia thông báo đóng cửa tạm thời toàn bộ trường học các cấp, rạp hát, trung tâm chiếu phim và bảo tàng trên cả nước để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Pháp giải cứu 72 người di cư trên Eo biển Manche

Giới chức hàng hải Pháp ngày 21/3 cho biết các lực lượng đã giải cứu được 72 người di cư trên Eo biển Manche, sau khi tàu chở họ gặp khó khăn trong quá trình tìm cách vào Anh.

Theo thông báo, sáng 21/3, lực lượng tuần duyên Pháp được thông báo về việc có một số tàu gặp vấn đề ở vùng biển ngoài khơi Calais. Một tàu đã được lực lượng tuần tra Pháp giải cứu và 38 người di cư đã được đưa tới Calais. Cùng ngày, 34 người di cư khác được giải cứu bởi tàu kéo của Hải quân Pháp và đưa những người này tới Boulogne-sur-Mer.

Australia sơ tán hàng nghìn người tránh lũ

Khu vực bờ biển của Australia đang trải qua những ngày Hè có thời tiết bất thường. Trong ngày 21/3, hàng nghìn người sống ở ngoại ô thành phố Sydney đã nhận lệnh sơ tán khi khu vực bờ biển phía Đông nước này hứng chịu đợt mưa lớn và lũ quét trên diện rộng.

Australia hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho người dân bị lũ lụt

Ngày 21/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo chính phủ liên bang đã kích hoạt quỹ cứu trợ thiên tai cho người dân bang New South Wales (NSW) đang phải hứng chịu các trận mưa lớn gây lũ lụt chưa từng có trong 50 năm qua.

Thủ tướng Morrison cho biết mỗi người lớn và trẻ em tại các khu vực bị ảnh hưởng của lũ lụt sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp 1.000 AUD (800 USD) và 400 AUD (320 USD). Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền bang và liên bang thông qua các khoản vay ưu đãi, trợ cấp vận chuyển hàng hóa và dọn dẹp nhà xưởng sau khi nước lũ rút.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 22/3: Mỹ đã âm thầm rút 1/3 số bom hạt nhân khỏi châu Âu