Thái Lan bác thông tin cung cấp gạo cho quân đội Myanmar; Đan Mạch ghi nhận 1 ca tử vong, 1 ca bệnh nặng sau tiêm vaccine AstraZeneca; Thủ tướng Pakistan mắc COVID-19 sau hai ngày tiêm vaccine của Trung Quốc… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Thái Lan bác thông tin cung cấp gạo cho quân đội Myanmar
Reuters cho biết truyền thông Thái Lan đưa tin quân đội nước này đã cung cấp 700 bao gạo cho quân đội Myanmar qua biên giới giữa hai quốc gia. Truyền thông Thái Lan đã đăng bức ảnh được cho là các bao gạo trong xe tải ở biên giới.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Amnat Srimak, chỉ huy Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan nhấn mạnh: “Quân đội Thái Lan không cung cấp gạo cho quân đội Myanmar. Phía quân đội Myanmar cũng chưa hề đề nghị chúng tôi giúp đỡ bởi họ có danh dự riêng”.
Ấn Độ và Mỹ cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược
Tuyên bố sau khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang ở thăm Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định Ấn Độ và Mỹ cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương vốn là "động lực vì lợi ích toàn cầu".
Tối 19/3, Bộ trưởng Austin đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thảo luận về các vấn đề quốc tế, khu vực và song phương cùng quan tâm. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay Thủ tướng Modi đã hoan nghênh mối quan hệ nồng ấm và gần gũi giữa hai nước, vốn bắt nguồn từ các giá trị chung và cam kết đối với một trật tự dựa trên luật lệ.
LB Nga tiến tới sử dụng hộ chiếu điện tử
Theo dự thảo sắc lệnh của Tổng thống Nga do Bộ Phát triển kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông đại chúng LB Nga soạn thảo, đăng tải trên cổng thông tin dự thảo quy định hành vi pháp lý ngày 19/3, hộ chiếu điện tử có thể được cấp cho người dân thủ đô Moscow từ ngày 1/12 tới và trước ngày 1/7/2023 cấp hộ chiếu này trên toàn nước Nga.
Thủ tướng Italy, Tổng thống Colombia xác nhận sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca
Ngày 19/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã trấn an người dân về vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, theo đó khẳng định bản thân ông sẽ tiêm vaccine này.
Thủ tướng Pakistan mắc COVID-19 sau hai ngày tiêm vaccine của Trung Quốc
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chỉ hai ngày sau khi ông được tiêm vaccine phòng COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.
Al Jazeera ngày 20/3 dẫn thông báo của văn phòng Thủ tướng Pakistan xác nhận thông tin trên. Theo đó, nhà lãnh đạo Pakistan đã tự cách ly. Thủ tướng Imran Khan tiêm vaccine Sinopharm do Trung Quốc sản xuất vào ngày 18/3.
Hong Kong xem xét thiết lập 'hộ chiếu vaccine' với một số nước
Trong khi các nước trên thế giới đang lên kế hoạch về việc thiết lập “hộ chiếu vaccine”, một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với COVID-19, để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới của người dân, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã tiến hành nhiều cuộc họp thảo luận về vấn đề này.
EU cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo sẽ cấm hãng dược phẩm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa bệnh COVID-19 nếu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không được nhận vaccine đầu tiên.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh EU đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 khi mà dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ nhiễm mới tăng mạnh buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Hơn 5 triệu người Indonesia được tiêm vaccine ngừa COVID-19
Hãng thông tấn Antara cho biết, tính đến ngày 20/3, tổng cộng đã có hơn 5 triệu người Indonesia được tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó có hơn 2,2 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai.
Với kết quả này, Indonesia tiếp tục dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á về cả tiến độ triển khai cũng như số lượng vaccine đã tiếp nhận.
Indonesia nối lại tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19
Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Indonesia (BPOM) ngày 19/3 đã phê chuẩn sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi xem xét các báo cáo về tình trạng máu đông cục ở một số trường hợp tại châu Âu.
Trong một tuyên bố, BPOM cho biết mặc dù việc tiêm chủng có thể dẫn đến "các biến cố bất thường", nhưng "nguy cơ tử vong do COVID-19 vẫn cao hơn nhiều". Cơ quan này khẳng định: Lợi ích của tiêm vaccine AstraZeneca lớn hơn rủi ro".
Đan Mạch ghi nhận 1 ca tử vong, 1 ca bệnh nặng sau tiêm vaccine AstraZeneca
Hai nhân viên tại một bệnh viện ở Đan Mạch đã xuất hiện chứng cục máu đông và xuất huyết não sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca trong vòng chưa đầy 14 ngày. Một người sau đó đã tử vong.
Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch xác nhận đã nhận được “2 ca có phản ứng nghiêm trọng”. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về sự việc chưa được cung cấp. Hiện cũng chưa có thông tin về việc các nhân viên này mắc bệnh chính xác khi nào.
Các lọ vaccine phòng bệnh COVID-19 của hãng AstraZeneca tại Milan, Italy, ngày 19/3. Ảnh: Reuters
Brazil đàm phán mua vaccine ngừa COVID-19 dư thừa của Mỹ
Bộ Ngoại giao Brazil ngày 20/3 đưa tin, Bộ Y tế Brazil đang phối hợp với Đại sứ quán Brazil ở Washington đàm phán với Mỹ từ hôm 13/3 về khả năng nhập vaccine ngừa COVID-19 dư thừa của quốc gia Bắc Mỹ này.
Cụ thể, đó là số vaccine của công ty AstraZeneca và trường đại học Oxford phối hợp sản xuất, hiện chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ nhưng đã được “bật đèn xanh” tại Brazil.
Kháng thể giúp người đã nhiễm SARS-CoV-2 có thể tránh tái nhiễm trong 9 tháng
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet tuần này cho biết khoảng 40% bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hàn (Trung Quốc) có các kháng thể có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ tái nhiễm trong ít nhất 9 tháng.
WHO cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Campuchia
Ngày 20/3, Campuchia xác nhận phát hiện thêm 54 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh Bộ Y tế nước này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ra thông cáo nhấn mạnh “Campuchia đang ở thời điểm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.
Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ đầu dịch
Theo Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm đã lên tới 656.056 ca trong khi số ca tử vong tăng lên 12.930 ca sau khi có thêm 30 ca mới trong ngày 20/3. Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực ứng phó với tình trạng số ca nhiễm mới tăng mạnh, trong đó có các ca nhiễm các biến thể mới và lây lan nhanh, làm trì chậm lại kế hoạch mở cửa nền kinh tế đang bị tác động nặng nề của dịch.
Đức kiểm soát biên giới với Ba Lan
Đức ngày 19/3 thông báo đưa quốc gia láng giềng Ba Lan vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh COVID-19, đồng nghĩa người từ Ba Lan vào Đức phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm kháng thể. Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), quy định này có hiệu lực từ ngày 21/3.
Thái Lan cấm tổ chức lễ hội té nước Songkran vì đại dịch
Theo Reuters, lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 của Thái Lan cho biết sẽ cấm lễ hội té nước đường phố Songkran trong năm thứ hai liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch.
Lễ hội Songkran thông thường diễn ra từ ngày 13 đến 15/4, và những năm bình thường thì người dân sẽ đổ xuống các đường phố, té nước, dội nước vào nhau với mong muốn cầu chúc may mắn.
Đức muốn tái áp dụng khẩn cấp các biện pháp hạn chế
Để đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ Đức và các bang muốn áp dụng các biện pháp y tế ngay sau Lễ Phục sinh. Đứng trước làn sóng lây nhiễm thứ 3 đã bắt đầu, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn khẩn cấp tái áp dụng các biện pháp hạn chế, việc nới lỏng đời sống công cộng có thể được rút lại vào thứ Hai tới.
Chính phủ Italy thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 32 tỷ euro
Ngày 19/3, Chính phủ Italy đã thông qua gói cứu trợ trị giá 32 tỷ euro (38 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết gói cứu trợ trên bao gồm 11 tỷ euro cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào cuối tháng 4 tới. Ngoài ra, 8 tỷ euro chi cho an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp cho lao động thất nghiệp, và khoảng 5 tỷ euro cho chương trình tiêm vaccine và ngành y tế.
Liên hợp quốc phát động chương trình bảo vệ trẻ em di cư tại Mexico
Ngày 19/3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã phát động một dự án nhằm bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên di cư tại Mexico và El Salvador cũng như tại châu Phi, với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU).
Ban tổ chức Olympic Tokyo sẽ hoàn tiền bán vé cho khán giả nước ngoài
Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo cho biết sẽ hoàn tiền cho khoảng 600.000 vé tham dự Olympic và khoảng 300.000 vé tham dự Paralympics sắp tới ở Nhật Bản.
Giám đốc điều hành ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, ông Toshiro Muto đưa ra thông báo trên ngày 20/3 tại một cuộc họp báo sau khi ban tổ chức cho biết sẽ cấm khán giả người nước ngoài tham dự Thế vận hội ở Nhật Bản vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Muto cho biết ban tổ chức chưa thông báo mức hoàn tiền sẽ như thế nào.
Tỷ phú Elon Musk bác bỏ xe Tesla đang được dùng để do thám Trung Quốc
Elon Musk, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô điện Tesla, nói rằng nếu xe của họ được sử dụng cho hoạt động gián điệp tại Trung Quốc, công ty sẽ đóng cửa.
Phát biểu trên được đưa ra tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, vài giờ sau khi xuất hiện trên mạng xã hội một bức ảnh chụp màn hình mệnh lệnh từ một khu liên hợp quân sự Trung Quốc cấm xe Tesla vì lo ngại nguy cơ gián điệp.
Thụy Sĩ phát triển phương pháp truy xuất nguồn gốc của vàng
Các chuyên gia của Metalor, một trong những nhà tinh chế vàng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thụy Sỹ, đã cùng với Đại học Lausanne (Thụy Sỹ) phát triển phương pháp xác minh nhanh chóng địa điểm vàng được khai thác nhằm ngăn chặn khả năng vàng khai thác bất hợp pháp xâm nhập vào chuỗi cung ứng chính thống.
Hàng trăm người dân Australia sơ tán khẩn cấp do mưa gây lũ lụt nghiêm trọng
Mưa lớn kéo dài đã gây lụt lội trên diện rộng, khiến hàng trăm người dân vùng duyên hải phía Đông của Australia phải sơ tán ngày 20/3 và làm cho hồ chứa nước chính của thành phố Sydney lần đầu tiên trong 30 năm tràn bờ.
Hầu hết các khu vực bị ngập nặng trong ngày 20/3 nằm dọc bờ biển phía Bắc của Sydney. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp đã nhận được hơn 3.000 cuộc gọi, triển khai công tác hỗ trợ 300 trường hợp trong đêm 19/3 và ngày 20/3 ở khu vực bị ảnh hưởng.
Động đất ở Nhật Bản: Có thể xảy ra sóng thần cao 1m tại bờ biển của Miyagi
Ngày 20/3, hãng tin Kyodo dẫn thông báo của cơ quan cứu hỏa tỉnh Miyagi (Đông Bắc Nhật Bản) cho biết khoảng 1 giờ sau khi xảy ra động đất đã có báo cáo về một trường hợp bị thương tại tỉnh này. Tuy nhiên, hiện chưa thông tin về thiệt hại vật chất.
Động đất tại miền Trung Mexico
Một trận động đất có độ lớn 5,7 đã làm rung chuyển miền Trung Mexico ngày 19/3 (theo giờ địa phương), khiến hệ thống báo động ở thủ đô Mexico City kích hoạt và nhiều người dân đổ ra đường.
Núi lửa phun trào dữ dội gần thủ đô Reykjavik của Iceland
Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO) cho biết một ngọn núi lửa nằm gần thủ đô Reykjavik đã phun trào dữ dội ngày 19/3, phun dung nham đỏ rực bầu trời đêm sau hàng nghìn trận động đất nhỏ xảy ra ở khu vực này trong nhiều tuần qua.
Núi lửa Fuego ở Guatemala phun trào mạnh
Ngày 19/3, Viện Địa chấn học, Núi lửa, Khí tượng và Thủy văn Quốc gia Guatemala (Insivumeh) thông báo núi lửa Fuego ở miền Trung nước này đã ghi nhận 11 vụ phun trào trong 24 giờ qua, với cột dung nham cao 300m và tro bụi bốc cao tới 4,8 km.
Sri Lanka: Xe khách lao xuống vực khiến hàng chục người bị thương vong
Ít nhất 14 người thiệt mạng và trên 30 người bị thương khi một xe khách trượt ra khỏi đường và lao xuống vực khi di chuyển qua địa điểm Passara, cách thủ đô Colombo của Sri Lanka khoảng 357 km.