Tin vắn thế giới ngày 17/3: Gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á

Bạch Dương| 17/03/2021 07:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á; ASEAN tổ chức hội nghị đối tác về phục hồi hậu đại dịch COVID-19; Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 thứ 4… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á

Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), một tổ chức tổng hợp hàng đầu về các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á khi diễn ra đại dịch COVID-19, từ 19/3/2020 tới 28/2/2021, trung tâm đã nhận được báo cáo tổng cộng 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân.

Báo cáo cho thấy quấy rối bằng lời nói (68,1%), né tránh (20,5%) và hành hung thân thể (11,1%) chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các vụ kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Phụ nữ là nạn nhân của các vụ kỳ thị nhiều hơn gấp 2,3 lần so với nam giới, trong khi đó người Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất (42,2%) bị kỳ thị, tiếp theo là người Hàn Quốc (14,8%) và Việt Nam (8,5%).

the-attack-on-asian-americans-.jpg
Phản đối chống phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á

Mỹ xem xét nhiều biện pháp khác nhau trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Ngày 16/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang xem xét nhiều biện pháp khác nhau nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bao gồm cả việc gây sức ép và các phương pháp ngoại giao.

Phát biểu tại họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Blinken khẳng định các biện pháp trên đều đang trong quá trình xem xét. Ông nhấn mạnh Mỹ - Nhật đều có chung quyết tâm giải quyết thách thức liên quan đến Triều Tiên, đặc biệt là chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đối thoại chiến lược 2+2 giữa Nhật Bản và Mỹ

Chiều 16/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã có cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ở thủ đô Tokyo.

Tại cuộc gặp, các Bộ trưởng của hai nước trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có các biện pháp củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, vấn đề Triều Tiên, Myanmar và cách đối phó với dịch COVID-19.

ASEAN tổ chức hội nghị đối tác về phục hồi hậu đại dịch COVID-19

Nhằm tăng cường phối hợp liên ngành và liên trụ cột giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các bên liên quan và các đối tác trong việc triển khai Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) vừa tổ chức Hội nghị đối tác đầu tiên với chủ đề “Hướng tới khả năng ứng phó và phục hồi hậu đại dịch COVID-19 tại ASEAN”.

Anh hướng đến châu Á trong chính sách đối ngoại hậu Brexit

Ngày 16/3, Anh đã công bố các kế hoạch nhằm chuyển trọng tâm chiến lược của mình sang châu Á, một trong những cải tổ lớn nhất của chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Đây là kết luận của bản đánh giá toàn diện của chính phủ trong năm qua, khi London sửa đổi chính sách đối ngoại hậu Brexit của mình.

Trung Quốc lệnh cho các công ty nhà nước sơ tán nhân viên ở Myanmar

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 16/3 cho biết, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty nhà nước sơ tán số nhân viên không thực sự cần thiết ở Myanmar về nước.

Một số nguồn tin cho biết, yêu cầu này được đưa ra sau khi xảy ra nhiều vụ đốt phá nhằm vào các nhà máy do Trung Quốc sở hữu ở Yangon hôm 14/3. Gần như toàn bộ các dự án của nước này ở Myanmar đã bị dừng lại.

Thủ tướng Estonia có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2

Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas, ngày 15/3 thông báo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Australia khẳng định vaccine AstraZeneca an toàn

Ngày 16/3, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA), cơ quan chuyên trách quản lý dược phẩm cho biết không có bằng chứng về “mối quan hệ hợp lý về mặt sinh học” giữa vaccine của hãng AstraZeneca và bệnh huyết khối, đồng thời khẳng định không có lý do để Australia tạm dừng việc tiêm vaccine này.

WHO cảnh báo tác động của dịch COVID-19 đối với trẻ sơ sinh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/3 cho biết đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị bệnh hoặc sinh non, trong đó nhiều trẻ bị tách khỏi mẹ một cách không cần thiết và có nguy cơ tử vong hoặc có các vấn đề về sức khỏe trong dài hạn.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu khẳng định hiệu quả của vaccine AstraZeneca

Ngày 16/3, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bày tỏ "tin tưởng chắc chắn" vào hiệu quả của vaccine AstraZeneca trong phòng ngừa bệnh COVID-19 mặc dù có những lo ngại về nguy cơ gây chứng huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông).

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành EMA Emer Cooke nêu rõ: "Chúng tôi vẫn tin chắc chắn vào lợi ích của vaccine AstraZeneca trong phòng ngừa COVID-19... hơn là lo ngại về nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ này".

Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 thứ 4

Ngày 15/3, Viện Vi sinh học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc thông báo cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với một loại vaccine ngừa COVID-19 mới, nâng tổng số vaccine ngừa COVID-19 được thông qua do nước này phát triển lên 4 loại.

trung_quoc_vaccine_covid19_1603.jpg
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho một bệnh nhân tại một cơ sở tiêm chủng ở Bắc Kinh.

AstraZeneca cung cấp cho Mỹ thêm 500.000 liều điều trị thử nghiệm

Công ty dược phẩm AstraZeneca ngày 16/3 cho biết đã nhất trí cung cấp cho Mỹ 500.000 liều điều trị COVID-19 thử nghiệm kết hợp kháng thể mang tên AZD7442, trị giá 205 triệu USD.

WHO lên tiếng về việc sử dụng 'hộ chiếu vaccine điện tử'

Ngày 16/3, giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng “hộ chiếu vaccine điện tử” có thể là công cụ rất hữu ích nhưng đồng thời cảnh báo về việc sử dụng loại chứng nhận này, đặc biệt đối với các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới “vô cùng hỗn độn”.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, nhấn mạnh việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng điện tử trên các chuyến bay quốc tế có thể không công bằng vì việc tiêm chủng ngừa COVID-19 hiện nay chưa được thực hiện rộng rãi và phân phối đồng đều trên thế giới.

Hãng Moderna bắt đầu thử nghiệm vaccine ở trẻ nhỏ

Ngày 16/3, hãng dược Moderna của Mỹ thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa bệnh COVID-19 với trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi. Dự kiến, sẽ có 6.750 tình nguyện viên tham gia.

Giám đốc điều hành của Moderna, ông Stephane Bancel cho biết: "Chúng tôi vui mừng bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 2 và 3 của vaccine mRNA-1273 ở trẻ em tại Mỹ và Canada". Ông nhấn mạnh: "Nghiên cứu nhi khoa này sẽ giúp chúng ta đánh giá mức độ an toàn và khả năng kháng thể của vaccine ngừa COVID-19 ở lứa tuổi trẻ nhỏ rất quan trọng này".

EU sẽ nhận được 200 triệu liều vaccine của Pfizer trong quý II

Ngày 16/3, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận được tổng cộng hơn 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng Pfizer/BioNTech sản xuất trong quý II năm nay. Con số trên bao gồm 10 triệu liều, đáng lẽ sẽ được bàn giao vào quý III và quý IV theo kế hoạch ban đầu.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định đây là thông tin tích cực, giúp các nước thành viên chủ động phân phối vaccine và có khả năng thu hẹp khoảng cách giữa đợt giao hàng.

CH Czech thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại Cộng hòa Czech tiếp tục diễn biến phức tạp, chính phủ nước này đang nỗ lực thúc đẩy chiến dịch viêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời mở rộng áp dụng quy định xét nghiệm bắt buộc đối với các công ty để duy trì hoạt động sản xuất.

Brazil tăng cường đảm bảo số lượng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 15/3, Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello thông báo nước này đã đặt mua 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cùng 38 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai chiến dịch tiêm phòng.

Hãng Top Glove bị cáo buộc khiến hàng nghìn lao động bị lây nhiễm COVID-19

Hãng thông tấn Bernama của Malaysia ngày 16/3 đưa tin công ty Top Glove, nhà sản xuất găng cao su hàng đầu thế giới, bị cáo buộc cung cấp nhà ở không đạt tiêu chuẩn cho công nhân, sau khi hàng nghìn nhân viên của hãng đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 vào năm ngoái.

Trung Quốc cho phép nhập cảnh nếu đã tiêm vaccine của nước này

Trung Quốc thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, theo đó cho phép những người nước ngoài, trong đó có Mỹ, Ấn Độ và Pakistan, nhập cảnh nếu họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

Indonesia mở nhiều 'vùng xanh' tại Bali cho du khách

Ngày 16/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo mở cửa 3 “vùng xanh” tại đảo Bali cho khách du lịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm rõ rệt kể từ khi quốc gia này tiến hành chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.

Phát biểu trong chuyến thị sát công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Bali, Tổng thống Widodo cho biết các “vùng xanh” sẽ được mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch bao gồm Ubud ở huyện Gianyar, Sanur tại thành phố Denpasar và Nusa Dua tại huyện Badung.

Campuchia cấm người dân đi qua biên giới

Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia (Bộ Nội vụ Campuchia) - Tướng Neth Savoeun, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng dọc biên giới cấm người dân ra nước ngoài để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Chỉ đạo của Tướng Neth Savoeun được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/3 giữa các quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Campuchia và cảnh sát trưởng của các tỉnh.

Mỹ bắt giữ số người nhập cư bất hợp pháp nhiều nhất trong vòng 20 năm

Ngày 16/3, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas thông báo số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bị bắt giữ tại khu vực biên giới chung với Mexico có thể đạt mức cao kỷ lục trong vòng hai thập kỷ qua.

Trong một tuyên bố, ông Alejandro Mayorkas thừa nhận Mỹ đang phải đối mặt với khó khăn khi số lượng người di cư tới khu vực biên giới Tây Nam nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 20 năm qua, tuy nhiên cho rằng những đợt tăng đột biến như vậy “không phải là mới” vì đã từng xảy ra vào năm 2019, 2014 và trước đó.

Trung Quốc trấn áp hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Dương Tử

Trung Quốc đã phát động chiến dịch trấn áp các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Dương Tử. Khai thác cát đang làm gia tăng nguy cơ hạn hán ở nhiều khu vực rộng lớn ở miền trung nước này.

Nồng độ bụi mịn ở 80% quốc gia trên thế giới vượt mức giới hạn của WHO

Trong năm 2020, nồng độ bụi mịn đo được ở 80% số quốc gia trên thế giới đã vượt mức giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất chấp tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của IQAir công bố ngày 16/3, việc nhiều nước đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần hoạt động giao thông vận tải và sản xuất trong nhiều tháng của năm 2020 đã giúp giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trên toàn thế giới, kể cả ở các thành phố lớn.

Triệt phá đường dây buôn lậu dầu mỏ tinh chế quy mô lớn ở Trung Quốc

Trong một chiến dịch được triển khai quy mô ở nhiều địa phương, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã triệt phá đường dây buôn lậu dầu mỏ tinh chế.

Reuters dẫn thông báo ngày 16/3 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết chiến dịch này có sự phối hợp giữa lực lượng hải quan với lực lượng thực thi pháp luật và lực lượng cảnh sát biển địa phương và được triển khai ở 8 vùng của nước này, trong đó có các tỉnh duyên hải như Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông và Phúc Kiến.

Trung Quốc gỡ trình duyệt web của Alibaba khỏi kho ứng dụng Android

Kho ứng dụng của Trung Quốc đã dỡ bỏ trình duyệt web UC Browser của tập đoàn Alibaba trên các thiết bị di động sau khi tập đoàn này bị chỉ trích trong chương trình quyền của người tiêu dùng, phát trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, vì cho đăng các quảng cáo thuốc của các công ty chưa được chứng nhận chất lượng.

Theo quyết định mới, từ tối 16/3, UC Browser sẽ không thể tải xuống từ kho ứng dụng Android của các hãng điện thoại lớn của Trung Quốc như Huawei, Xiaomi hay Vivo. Tuy nhiên, ứng dụng này sẽ vẫn có trong kho ứng dụng IOS của hãng Apple tại Trung Quốc.

Tấn công xe buýt của một trường đại học ở Afghanistan

Hai người đã thiệt mạng và 6 giáo viên đại học bị thương sau khi các tay súng tấn công chiếc xe buýt của một trường đại học tại tỉnh Baghlan, phía Bắc Afghanistan ngày 16/3.

Lực lượng liên quân phá hủy khu phóng tên lửa của Houthi ở Yemen

Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu cho biết lực lượng Houthi ở Yemen ngày 15/3 đã phóng 2 tên lửa đạn đạo vào khu vực biên giới phía Nam Saudi Arabia. Sau đó, liên quân đã phá hủy một bệ phóng tên lửa và các bãi phóng ở tỉnh Saada, miền Bắc Yemen khi cho rằng đây là khu vực mà lực lượng Houthi đã phóng tên lửa.

Bão cát từ Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề tới Hàn Quốc

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết cơn bão cát mạnh bắt nguồn từ các sa mạc ở miền Bắc Trung Quốc đang bao trùm gần như toàn bộ các khu vực của Hàn Quốc ngày 16/3.

Theo KMA, gần như toàn bộ Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của lượng bụi vàng lớn xuất phát từ khu vực Nội Mông ở miền Bắc Trung Quốc và vùng phụ cận của sa mạc Gobi từ cuối tuần qua và đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, bão cát sẽ bắt đầu suy yếu trong ngày 17/3 nhưng có thể tiếp tục ảnh hưởng đến Hàn Quốc tùy vào áp suất khí quyển trên bán đảo Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 17/3: Gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á