Tin vắn thế giới ngày 12/3: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn

Bạch Dương| 12/03/2021 07:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn; Malaysia sẽ phạt nặng hành vi tung tin giả liên quan dịch COVID-19; EU cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Mỹ công bố các vị trí đề cử quan trọng trong Bộ Tài chính

Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố những người được đề cử giữ một số vị trí quan trọng của Bộ Tài chính.

Lãnh đạo bộ này, bà Janet Yellen ra tuyên bố cho rằng những người được đề cử sẽ là chìa khóa để giúp đẩy nhanh sự phục hồi nền kinh tế Mỹ từ cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn

Ngày 11/3 (đêm 11/3 theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn, một trong những vấn đề điểm “nóng” và gây tranh cãi nhất tại nước này.

Theo tờ Washington Post, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Kiểm tra Hồ sơ Lưỡng đảng, do Hạ nghị sĩ Dân chủ bang California Mike Thompson bảo trợ, với tỷ lệ 237 phiếu thuận và 203 phiếu chống. Có 8 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ và 1 nghị sĩ Dân chủ phản đối dự luật.

my-kiem-soat-sung-dan.jpg
Một cửa hàng bán súng đạn tại Mỹ

Tòa án Thái Lan thông qua kiến nghị sửa đổi hiến pháp

Ngày 11/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã thông qua các kiến nghị sửa đổi hiến pháp do các nghị sĩ đệ trình, với điều kiện phải tổ chức hai cuộc trưng cầu ý dân công khai.

Trong phán quyết, Tòa án Hiến pháp Thái Lan khẳng định các nhà lập pháp ở cả Hạ viện và Thượng viện Thái Lan có thẩm quyền và nghĩa vụ sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, phán quyết cho rằng cần tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc để xem liệu đa số người dân có ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Qatar thúc đẩy giải pháp chính trị ở Syria

Ngày 11/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này cùng Nga và Qatar đang nỗ lực thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài 10 năm tại Syria.

Cả ba bộ trưởng đều nhấn mạnh trong cuộc hội đàm tại Doha rằng một giải pháp chính trị phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) là cách giải quyết duy nhất cho cuộc xung đột ở Syria, vốn đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải tha hương.

Tổng thống Algeria ký sắc lệnh về tổ chức tổng tuyển cử

Ngày 11/3, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã ký sắc lệnh về tổ chức trưng cầu dân ý cho cuộc bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới nhằm tiếp tục thực hiện các cam kết đã đưa ra trong quá trình tranh cử tổng thống.

Đây sẽ là cuộc bầu cử thứ 2 kể từ khi Tổng thống Tebboune đắc cử vào tháng 12/2019 để hướng tới việc xây dựng một nhà nước hiện đại.

Trung Quốc xác nhận sẽ dự Đối thoại Chiến lược cấp cao với Mỹ tại Alaska vào tuần tới

Chiều 11/3, giới chức cấp cao Trung Quốc chính thức xác nhận các quan chức ngoại giao hàng đầu của nước này sẽ tham dự Đối thoại Chiến lược cấp cao với Mỹ tại Alaska vào tuần tới.

Thủ tướng Israel hủy chuyến thăm UAE

Ngày 11/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hủy chuyến thăm lịch sử tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tuyên bố của Văn phòng thủ tướng Israel cho biết nhà lãnh đạo Israel dự kiến tới thăm UAE vào ngày 11/3, song do những khó khăn trong điều phối chuyến bay chở ông đi qua không phận của Jordan, nên chuyến thăm đã bị hủy bỏ. Tuyên bố không nêu thời điểm mới để tiến hành chuyến thăm này.

Nhiều nước hoan nghênh chính phủ lâm thời Libya

Ngày 11/3, ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Ai Cập và Jordan đã hoan nghênh việc Quốc hội Libya thông qua một chính phủ đoàn kết để lãnh đạo quốc gia Bắc Phi bị chiến tranh tàn phá này đến thời điểm tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 12 tới.

Trước đó, ngày 10/3, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới, một bước đi quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này.

Lãnh đạo Ấn Độ và Arab Saudi điện đàm, thảo luận nhiều vấn đề nóng

Ngày 11/3, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ thông báo Thủ tướng nước này Narendra Modi đã có cuộc điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi, thảo luận nhiều vấn đề nóng.

Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Modi và Thái tử Mohammed bin Salman nhìn lại hoạt động của Hội đồng đối tác chiến lược song phương được thành lập vào năm 2019 và bày tỏ hài lòng về sự phát triển ổn định trong quan hệ đối tác giữa hai nước. Thủ tướng Modi bày tỏ mong muốn mở rộng hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời nêu bật những cơ hội mà nền kinh tế Ấn Độ mang lại cho các nhà đầu tư Saudi Arabia.

EU cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson

Ngày 11/3, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson (Mỹ). Đây là vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được cấp phép sử dụng trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Trong một tuyên bố, người đứng đầu EMA, bà Emer Cooke cho biết với quyết định trên, giới chức các nước EU sẽ có thêm một sự lựa chọn nữa trong phòng chống COVID-19 để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân. Bà cho biết đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên chỉ cần tiêm một mũi duy nhất.

Nauy tạm hoãn sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca

Nauy ngày 11/3 đã tạm ngừng sử dụng vaccine COVID-19 của công ty dược Anh AstraZeneca do thông tin có trường hợp mắc chứng máu đông sau khi tiêm.

Giám đốc đơn vị phòng chống và kiểm soát bệnh tật tại Viện Y tế Công cộng Na Uy Geir Bukholm tuyên bố trong buổi họp báo: “Đây là một quyết định cẩn trọng”.

Đan Mạch dừng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca sau ca tử vong vì máu đông

Giới chức Đan Mạch đã dừng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca sản xuất để điều tra thêm các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra sau tiêm.

Pháp nới lỏng hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia ngoài EU

Ngày 11/3, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này sẽ nới lỏng một số hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia ngoài EU vốn được áp dụng để phòng dịch COVID-19.

Theo đó, tất cả các trường hợp đi và đến từ Australia, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Singapore sẽ không cần phải nêu mục đích chuyến đi của mình. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu khác, trong đó có việc phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 được thực hiện trong vòng 72h trước chuyến đi, vẫn được áp dụng.

Argentina đóng một phần không phận do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Thông báo của chính phủ Argentina ngày 11/3 cho biết nước này sẽ giảm tiếp nhận các chuyến bay từ Mỹ, EU, Brazil và các nước Mỹ Latinh khác kể từ tuần tới để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia Nam Mỹ này.

Nhật Bản yêu cầu các hãng hàng không hạn chế lượng hành khách

Theo các nguồn tin ngày 11/3, Bộ Giao thông Nhật Bản đã yêu cầu các hãng hàng không Nhật Bản hạn chế lượng hành khách tới Nhật ở mức 3.400 khách/tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Các biện pháp hạn chế này đã có hiệu lực từ ngày 8/3.

Bộ trưởng Y tế Slovakia từ chức liên quan đến diễn biến của dịch COVID-19

Trang tin spectator.sme.sk của Slovakia cho biết Bộ trưởng Y tế nước này Marek Krajčí đã tuyên bố từ chức ngày 11/3 liên quan đến diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng Slolvakia Igor Matovič cũng đã xác nhận thông tin trên trong cuộc họp báo được tổ chức cùng ngày, trong đó ông nói rõ việc tìm người thay thế Bộ trưởng Krajčí sẽ mất vài tuần do chưa có ngay gương mặt mới và tác động của dịch COVID-19.

Pháp thử nghiệm 'thẻ thông hành' kỹ thuật số xác nhận phòng dịch

Bộ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebbari ngày 11/3 thông báo nước này sẽ thử nghiệm "thẻ thông hành" kỹ thuật số liên quan COVID-19 đối với các hành khách của hãng hàng không Air France trong cuộc thử nghiệm kéo dài 1 tháng.

Tây Ban Nha vẫn tiếp tục sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca

Ngày 11/3, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias thông báo đến nay nước này chưa ghi nhận trường hợp rối loạn đông máu nào do tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca và sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này.

Malaysia sẽ phạt nặng hành vi tung tin giả liên quan dịch COVID-19

Từ ngày 12/3, Malaysia sẽ phạt tiền lên tới 100.000 RM (gần 25.000 USD), hoặc phạt tù lên tới 3 năm hoặc cả hai biện pháp đối với các trường hợp cung cấp tin giả, phát tán tin giả liên quan tới tình hình dịch COVID-19 hay đề cập tới tình trạng khẩn cấp quốc gia.

fakenews-covid-19.jpg
Malaysia sẽ phạt nặng hành vi tung tin giả liên quan dịch COVID-19

Pháp khước từ ‘hộ chiếu vaccine COVID-19’ do Israel đề xuất

Điện Elysee tuyên bố nước này không ủng hộ ý tưởng hộ chiếu sức khỏe do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gợi ý, trong đó cho phép những người đã được tiêm chủng tại Pháp và Israel tự do di chuyển giữa hai nước.

Văn phòng tổng thống Pháp giải thích hiện vẫn thiếu dữ liệu liên quan đến khả năng triển khai hộ chiếu vaccine, đặc biệt là câu hỏi liệu những người được tiêm ngừa vẫn có thể bị lây nhiễm hay không. Pháp cũng nêu ra "các câu hỏi về đạo đức và thực tiễn" với đề xuất này.

Chen chúc trong lễ hội tắm sông Hằng bất chấp dịch COVID-19

Ngày 11/3, hàng trăm nghìn tín đồ theo đạo Hindu đã cùng tập trung tại sông Hằng của Ấn Độ để tham dự dịp lễ hội Kumbh Mela, bất chấp nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Lễ hội Kumbh Mela là một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất và đa màu sắc nhất quốc gia Nam Á này. Người hành hương tới sông Hằng để trầm mình tắm gội, với niềm tin bất diệt rằng dòng nước thiêng sẽ rửa sạch tội lỗi của họ.

Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011

Ngày 11/3, tại Nhà hát Quốc gia ở thủ đô Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, với sự tham dự của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako, Thủ tướng Yoshihide Suga và nhiều quan khách khác.

Người thừa kế Tập đoàn Samsung đối mặt với cuộc điều tra mới

Cảnh sát địa phương ngày 11/3 cho biết ông Lee Jae-yong, nhà lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung, đang bị điều tra về cáo buộc ông đã sử dụng trái phép propofol, một loại thuốc gây mê dùng trong phẫu thuật.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin bị phóng hỏa

Cảnh sát Đức ngày 10/3 đã bắt giữ một người đàn ông 42 tuổi âm mưu phóng hỏa Đại sứ quán Trung Quốc vào sáng sớm cùng ngày.

Mặc dù không nêu rõ đại sứ quán nào bị tấn công nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đại sứ quán ở phố Brueckenstrasse. Đây là con phố nối giữa hai quận trung tâm của Berlin là Mitte và Kreuzberg.

Trên 30 người thiệt mạng trong các vụ tấn công ở Tây Bắc và miền Trung Nigeria

Ngày 11/3, các nhân chứng cho biết tổng cộng 31 người đã thiệt mạng trong 3 vụ tấn công riêng rẽ do các băng nhóm tội phạm tiến hành trong hai ngày 9 và 10/3 tại khu vực Tây Bắc và miền Trung Nigeria.

Cháy nhà máy may mặc ở Ai Cập, 20 người chết

Vụ hỏa hoạn lớn tại nhà máy may mặc ở tỉnh Qalyoubiya (Ai Cập) ngày 11/3 đã khiến 20 người thiệt mạng và 24 người bị thương.

Trang tin Ahram Online đưa tin Bệnh viện trung ương Belbeis gần tỉnh Sharqia đã cấp cứu 12 người bị bỏng và chấn thương, trong đó có 3 người đang ở tình trạng nghiêm trọng.

Facebook kiến nghị hủy bỏ các vụ kiện chống độc quyền

Facebook ngày 10/3 thông báo công ty đã gửi kiến nghị hủy bỏ các vụ kiện của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) và các bang của Mỹ cáo buộc nhà cung cấp mạng xã hội này độc quyền.

Tuyên bố của Facebook nêu rõ luật chống độc quyền nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Những khiếu nại độc quyền nhằm vào Facebook không chứng thực được rằng hành vi của Facebook gây tổn hại hai nội dung trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 12/3: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn