Nga muốn đảm bảo an ninh để mở rộng hợp tác Âu-Á; Biến thể Omicron có tới 13 đột biến ngược quy luật tiến hóa; Nghiên cứu mới về hiện tượng ‘siêu miễn dịch’ COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Nga muốn đảm bảo an ninh để mở rộng hợp tác Âu-Á
Ngày 26/1, trong chương trình “Giờ chính phủ” được tổ chức tại Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có bài phát biểu quan trọng nêu bật những mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại Nga nhằm củng cố vị thế trên trường quốc tế trong giai đoạn mới.
Ngoại trưởng Nga nói rằng, trung tâm chính trị và kinh tế thế giới đã chuyển từ châu Âu-Đại Tây Dương sang khu vực Âu-Á. Trong đó, với vị thế là cường quốc Á-Âu và châu Âu-Thái Bình Dương lớn nhất, Nga quan tâm đến sự phát triển chất lượng của các không gian Âu-Á rộng lớn.
Nga cảnh báo hậu quả từ những hành động làm leo thang căng thẳng
Ngày 26/1, Điện Kremlin ra tuyên bố cho rằng, bất kỳ động thái nào của phương Tây nhằm trừng phạt cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là hành động phá hoại mang tính chính trị, không đem lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng trong nỗ lực giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.
Biến thể Omicron lây lan mạnh ở Đông Âu
Hơn một nửa số ca tử vong hiện nay tại Lục địa già là từ Đông Âu, trong khi dân số của khu vực này chỉ chiếm 39% dân số châu Âu. Hiện tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Đông Âu thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Dự kiến biến thể Omicron sẽ gây ra áp lực lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia này.
Mỹ công bố số lượng vaccine ngừa COVID-19 chia sẻ với toàn cầu
Trong một cuộc họp, Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient đã công bố cột mốc quan trọng này, trong đó cho biết 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được gửi đến 112 quốc gia. Ông Zient lưu ý rằng, Mỹ đã chia sẻ miễn phí số vaccine trên với thế giới nhiều hơn bốn lần so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Mỹ điều chỉnh hướng dẫn về sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng trong điều trị COVID-19
Ngày 26/1, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã quyết định điều chỉnh giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) về việc sử dụng phương pháp điều trị bệnh COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng bamlanivimab kết hợp với etesevimab của hãng dược phẩm Eli Lilly và casirivimab kết hợp với imdevimab của công ty công nghệ sinh học Regeneron.
Biến thể Omicron có tới 13 đột biến ngược quy luật tiến hóa
Trong một nghiên cứu vừa công bố, một nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện thấy trong số 53 đột biến của biến thể Omicron có 13 đột biến rất hiếm thấy, thậm chí chưa từng xuất hiện ở những virus corona khác.
Về mặt lý thuyết, các đột biến này lẽ ra phải gây hại cho Omicron, nhưng khi kết hợp lại cùng nhau, chúng lại tạo ra một số đặc điểm có lợi cho biến thể này.
Người mắc COVID-19 thể nhẹ tại Nga không cần điều trị
Ngày 26/1, Bộ Y tế Nga đã công bố bản ghi nhớ dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ. Theo văn bản này, những người đã tiêm chủng hoặc trong vòng 6 tháng bị mắc COVID-19 mà không có triệu chứng thì không cần điều trị, chỉ cần đo nhiệt độ cơ thể ít nhất một lần trong ngày.
Nghiên cứu mới về hiện tượng ‘siêu miễn dịch’ COVID-19
Theo đài RT (Nga), các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và Sức khoẻ Oregon (OHSU) đã lấy mẫu kháng thể trong máu của 104 tình nguyện viên đã được tiêm hai mũi vaccine Pfizer. Trong đó, 42 người chưa từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, 31 người đã tiêm phòng sau khi mắc bệnh và 31 người “nhiễm đột phá” sau khi tiêm chủng.
Sau khi các nhà khoa học cho mẫu máu của những người này tiếp xúc với các biến thể Alpha, Beta và Delta của virus SARS-CoV-2, họ phát hiện ra rằng sự kết hợp giữa tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên sẽ tạo ra kháng thể “mạnh hơn ít nhất 10 lần so với khả năng miễn dịch được tạo ra bởi chỉ tiêm vaccine”.
Thái Lan tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp
Chính phủ Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp được ban bố sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cho tới ngày 31/3.
Viện dẫn Nghị định khẩn cấp về quản lý hành chính công trong các tình huống khẩn cấp BE 2548 (2005), Chính phủ Thái Lan lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế có hiệu lực từ ngày 26/3/2020 và đã gia hạn 15 lần cho đến ngày 31/1.
Đức hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022
Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022, cho rằng sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron xuất hiện là nguyên nhân kìm hãm sự phục hồi của quốc gia công nghiệp hàng đầu châu Âu này.
Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức công bố ngày 26/1 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức ước tính sẽ tăng 3,6% trong năm 2022, giảm so với mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó.
Tòa sơ thẩm EU hủy án phạt về chống độc quyền đối với tập đoàn Intel
Ngày 26/1, tòa sơ thẩm của Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg đã ra phán quyết hủy án phạt 1,06 tỷ euro (1,19 tỷ USD) đối với nhà sản xuất chip Intel của Mỹ liên quan tới vấn đề chống độc quyền. Trong phán quyết mới nhất, tòa trên nêu rõ phân tích của EU là chưa đầy đủ về mặt pháp lý cần thiết về khả năng ảnh hưởng đến tính cạnh tranh từ các khoản giảm giá của Intel được đề cập đến trong vụ kiện.
Nord Stream 2 thành lập công ty con để đẩy nhanh thủ tục vận hành ở Đức
Theo thông báo ngày 26/1, Công ty Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2, trụ sở tại Thuỵ Sĩ) đã chính thức tuyên bố thành lập công ty con có tên gọi Gas for Europe GmbH - công ty sẽ là chủ sở hữu và điều hành phần đường ống trên đất Đức.
Italy phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng 4
Italy vẫn chưa thể tìm ra người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống khi kết quả bỏ phiếu vòng 3 cho thấy tiếp tục không có ứng cử viên nào có số phiếu đủ đa số 2/3 cần thiết để đắc cử.
Trong ngày 25/1, nhiều nghị sĩ tiếp tục bỏ phiếu trắng, trong khi cũng có thêm nhiều nghị sĩ lựa chọn Tổng thống sắp mãn nhiệm Sergio Mattarella. Cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vòng 4 sẽ được tổ chức vào 10 sáng 27/1 theo giờ GMT (17h cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Quân chính phủ Yemen giành ưu thế trước Houthi tại tỉnh Marib
Các quan chức quân sự Yemen ngày 26/1 cho biết, các lực lượng của Chính phủ Yemen cùng các lực lượng đồng minh được Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hậu thuẫn đã tiến vào tỉnh chiến lược Marib, đánh bật các tay súng thuộc lực lượng Houthi ra khỏi quận lớn thứ hai của tỉnh này.
Anh bắt giữ thêm 2 người liên quan đến vụ bắt cóc con tin ở Mỹ
Cảnh sát Anh ngày 26/1 cho biết, họ đã bắt giữ 2 người đàn ông tại thành phố Manchester ở miền Bắc nước này trong khuôn khổ cuộc điều tra do Mỹ thực hiện liên quan đến vụ bắt cóc con tin xảy ra tại một giáo đường Do Thái ở Texas hồi giữa tháng 1.
Nổ ở thủ đô Athens gây hư hại nghiêm trọng nhiều tòa nhà
Ít nhất một người đã bị thương và nhiều tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng trong một vụ nổ gây hỏa hoạn ở trung tâm thủ đô Athens của Hy Lạp vào rạng sáng 26/1 theo giờ địa phương.
Tìm thấy thi thể người mất tích trong vụ lật thuyền ngoài khơi Florida, Mỹ
Ngày 26/1, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ thông báo các đội cứu hộ đã tìm thấy một thi thể nạn nhân trong vụ lật thuyền ngoài khơi bang Florida khiến 39 người mất tích.
Trước đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ ngày 25/1 đã phát động chiến dịch tìm kiếm 39 người được thông báo mất tích khi chiếc thuyền chở họ bị lật ngoài khơi Florida.
Thái Lan nỗ lực kiểm soát dầu tràn trên biển
Thái Lan ngày 26/1 đã huy động Hải quân và các cơ quan khác để ngăn chặn dầu tràn sau vụ ước tính 160.000 lít dầu bị rò rỉ từ một đường ống dưới biển cách bờ biển phía Đông nước này khoảng 20 km.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Atthapol Charoenchansa cho biết sự cố rò rỉ dầu tại đường ống thuộc quản lý của công ty lọc hóa dầu SPRC xảy ra cuối ngày 25/1, ở phía Đông Nam khu công nghiệp Map Ta Phut, một tổ hợp hóa dầu lớn.
Lại xảy ra tràn dầu ở khu vực bờ biển Peru
Ngày 26/1, Chính phủ Peru thông báo xảy ra thêm một vụ tràn dầu nữa ở khu vực bờ biển của nước này, 10 ngày sau một vụ tràn dầu lớn do ảnh hưởng của vụ núi lửa phun trào gây sóng thần ở Tonga.
Cơ quan giám sát môi trường OEFA thuộc Bộ Môi trường Peru cho biết vụ tràn dầu mới xảy ra ngày 25/1 do đường ống dẫn giữa các tàu chở dầu và nhà máy lọc dầu La Pampilla thuộc sở hữu của công ty Repsol (Tây Ban Nha) gặp sự cố. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết lượng dầu bị tràn ra biển.