Tin vắn thế giới ngày 25/2: Lầu Năm Góc hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng tiếp nhận S-400 của Nga

Bạch Dương| 25/02/2021 06:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỹ muốn trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; Lầu Năm Góc hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng tiếp nhận tên lửa S-400 của Nga; Cháy rừng nghiêm trọng gần Tokyo… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Mỹ muốn trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 24/2 cho biết Mỹ sẽ tìm cách trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) cuối năm nay, trong một động thái mới nhất thể hiện sự tái cam kết quốc tế của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden.

Thượng viện Mỹ hoãn phiên điều trần quan chức do Tổng thống Biden đề cử

Ngày 23/2, hai ủy ban của Thượng viện Mỹ thông báo hoãn phiên điều trần đối với bà Neera Tanden, người được Tổng thống Joe Biden đề cử vào vị trí giám đốc Văn phòng quản lý và Ngân sách.

Lầu Năm Góc hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng tiếp nhận tên lửa S-400 của Nga

Hãng tin Bloomberg ngày 24/2 đưa tin, Mỹ đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tiếp nhận tổ hợp tên lửa S-400 của Nga và chưa vội kích hoạt, đưa các hệ thống S-400 đã tiếp nhận vào tác chiến.

Bước can thiệp này được Lầu Năm góc thực hiện trong bối cảnh Moscow và Ankara vừa mở các cuộc đàm phán về chuyển giao công nghệ và nội địa hóa sản xuất trước khả năng Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng đặt mua hệ thống S-400 thứ hai của Nga.

022421-lau-nam-goc-.jpg
Hệ thống S-400 của Nga

Indonesia thúc đẩy đối thoại giải quyết bế tắc ở Myanmar

Ngày 24/2, Indonesia thông báo đang đối thoại với các bên liên quan tại Myanmar nhằm góp phần tháo gỡ thế bế tắc chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này.

Thông tin trên trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó một ngày một tài liệu bị rò rỉ từ Chính phủ Myanmar cho thấy Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sẽ tới Myanmar trong ngày 25/2.

Nội các Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn thỏa thuận thương mại RCEP

Nội các Nhật Bản ngày 24/2 đã thông qua dự luật phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới được ký kết vào năm ngoái giữa 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Theo hãng tin Kyodo, phát biểu trong cuộc họp báo này 24/2, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ trở thành nền tảng của thương mại ở châu Á.

Mỹ, Iraq chia sẻ mục tiêu bảo vệ phái bộ ngoại giao

Tối 23/2, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về các vụ tấn công rocket nhằm vào các phái bộ ngoại giao tại Iraq và tầm quan trọng bảo vệ các nhà ngoại giao tại đây.

FDA đánh giá cao hiệu quả của vaccine của Johnson & Johnson

Theo tài liệu mới do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố ngày 24/2, vaccine một mũi của hãng dược phẩm Johnson & Johnson có hiệu quả cao trong việc ngừa COVID-19, bao gồm cả các biến thể được phát hiện tại Nam Phi và Brazil.

EU có thể giải quyết 'thiện chí' vấn đề cung cấp vaccine của AstraZeneca

Ngày 24/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định có thể giải quyết những vấn đề mới phát sinh liên quan đến việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Tuyên bố được đưa ra sau khi hãng dược phẩm này thừa nhận chỉ có thể cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) lượng vaccine bằng 50% thỏa thuận ban đầu.

vaccine-ngua-covid-19-astrazeneca-31220.jpg
EU có thể giải quyết 'thiện chí' vấn đề cung cấp vaccine của AstraZeneca

Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên sử dụng vaccine của Trung Quốc

Ngày 24/2, Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Sinopharm do Trung Quốc sản xuất.

Trong đoạn video chia sẻ trên kênh Facebook, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công bố thông tin trên, trong đó cho biết vaccine Sinopharm do Trung Quốc bào chế và phát triển đã được đưa vào chương trình tiêm chủng của nước này từ ngày 24/2. Hồi đầu tháng, Hungary cũng là quốc gia EU đầu tiên đưa vào sử dụng vaccine Sputnik của Nga.

Nhật Bản sẽ tiêm vaccine cho người cao tuổi từ giữa tháng 4

Ngày 24/2, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi từ ngày 12/4 tới, trong bối cảnh nước này mở rộng chương trình tiêm chủng quốc gia cho những đối tượng ngoài nhân viên y tế. Theo ông Suga, chính quyền các địa phương sẽ bắt đầu nhận vaccine từ ngày 5/4.

Malaysia triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine COVID-19

Ngày 24/2, Malaysia bắt đầu triển khai Chương trình tiên chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 với sự kiện Thủ tướng Muhyiddin Yassin là người được nhận mũi tiêm đầu tiên vào lúc 15h00 cùng ngày. Cùng với Thủ tướng Muhiyddin, trong ngày tiêm đầu tiên còn có Tổng giám đốc Cơ quan Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah và 4 quan chức cấp cao của Bộ Y tế.

Chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến và sẽ kéo dài đến tháng 2/2022.

Ai Cập cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V

Ngày 24/2, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Ai Cập đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia thứ 34 ngoài Nga và quốc gia thứ 3 tại Bắc Phi cấp phép sử dụng vaccine này.

Hàn Quốc tiếp tục dừng các chuyến bay thẳng từ Anh thêm hai tuần

Ngày 24/2, Hàn Quốc thông báo tiếp tục dừng các chuyến bay thẳng từ Anh thêm hai tuần, trong lúc nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của các ca nhiễm biến thể của virus gây đại dịch COVID-19.

Theo các quan chức y tế của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Anh, việc dừng các chuyến bay theo kế hoạch trước đó sẽ kết thúc vào ngày 25/2 nhưng thay vì vậy sẽ vẫn được duy trì cho đến ngày 11/3.

Lào giám sát chặt người nhập cảnh

Chính quyền địa phương trên cả nước Lào tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch và giám sát người nhập cảnh để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Theo đó, người nhập cảnh vào Lào, đặc biệt là công nhân quay trở về nước sẽ phải cách ly tại các trung tâm 14 ngày và phải đo thân nhiệt khi nhập cảnh. Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Lào, Latsamy Vongkhamsao cho biết ngày 24/2. Tổng cộng 2.335 người đang cách ly tại 27 trung tâm trên khắp nước Lào.

WADA khuyến cáo tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các vận động viên

Cơ quan Phòng chống doping toàn cầu (WADA) ngày 23/2 khuyến cáo nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các vận động viên, qua đó xua đi những lo ngại rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể chứa các thành phần bị cấm khi thi đấu thể thao.

Cháy rừng nghiêm trọng gần Tokyo

Ngày 24/2, chính quyền thành phố Ashikaga thuộc tỉnh Tochigi, Nhật Bản cho biết một đám cháy rừng bùng phát dữ dội và không có dấu hiệu giảm nhiệt trong 3 ngày qua ở một ngọn núi thuộc địa phương này về phía Bắc thủ đô Tokyo.

Theo tính toán ban đầu, đám cháy đã thiêu rụi ít nhất 76,5 hecta rừng. Khoảng 180 hộ dân đã được khuyến cáo đi sơ tán, và tính đến sáng 24/2 có ít nhất 37 người đã đến nơi lánh nạn.

Thượng viện Australia thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông

Tối 24/2, Thượng viện Australia đã thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông được Chính phủ liên bang đề xuất, trong đó đã bao gồm các sửa đổi sau khi thảo luận với Facebook.

Bộ quy tắc quy định các công ty công nghệ toàn cầu phải trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Australia. Văn kiện này sẽ được đưa trở lại Hạ viện xem xét lần nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 25/2: Lầu Năm Góc hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng tiếp nhận S-400 của Nga