Tin vắn thế giới ngày 23/2: Mỹ treo cờ rủ 5 ngày tưởng niệm hơn nửa triệu người chết vì COVID-19

Bạch Dương| 23/02/2021 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỹ treo cờ rủ tưởng niệm trên 500.000 người tử vong vì dịch COVID-19; Thủ tướng Thái Lan đề nghị được tiêm mũi vaccine Sinovac đầu tiên; WHO sẽ điều tra về người đầu tiên mắc COVID-19 ở chợ hải sản tại Vũ Hán… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Mỹ treo cờ rủ tưởng niệm trên 500.000 người tử vong vì dịch COVID-19

Ngày 22/2, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ ra lệnh treo cờ rủ trên khắp các tòa nhà liên bang nhằm tưởng niệm trên 500.000 người dân Mỹ đã tử vong vì đại dịch COVID-19.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết việc treo cờ rủ sẽ diễn ra trong 5 ngày và Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu toàn quốc từ Nhà Trắng trước khi cùng phu nhân Jill Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và chồng là Doug Emhoff tham dự buổi lễ tưởng niệm và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân COVID-19. Đây sẽ là lễ tưởng niệm nạn nhân COVID-19 lần thứ hai mà ông Biden tổ chức kể từ khi lên nắm quyền.

my-treo-co-ru-tuong-niem-nan-nhan-chet-vi-covid-19.jpg
Ảnh minh họa

Thủ tướng Thái Lan đề nghị được tiêm mũi vaccine Sinovac đầu tiên

Ngày 22/2, truyền thông Thái Lan đưa tin đề nghị trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Prayut thông báo chỉ những người dưới 60 tuổi mới nên tiêm chủng ngừa COVID-19. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Thái Lan cho biết quá trình đăng ký cấp phép sử dụng vaccine Sinovac sắp hoàn tất. Theo kế hoạch, lô đầu tiên gồm 200.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac Biotech sẽ được Hãng Hàng không quốc gia Thái Lan (THAI) vận chuyển từ Trung Quốc về nước vào ngày 24/2 tới.

Nhằm nâng cao niềm tin của người dân đối với vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tự đề nghị trở thành người đầu tiên ở nước này tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

WHO sẽ điều tra về người đầu tiên mắc COVID-19 ở chợ hải sản tại Vũ Hán

Theo nguồn tin thân cận từ nhóm điều tra Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan này sẽ đề xuất nghiên cứu sâu hơn về các manh mối ban đầu tại Vũ Hán trong bản báo cáo sơ bộ về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân Mỹ tử vong sau khi được ghép phổi của người nhiễm virus SARS-CoV-2

Hãng tin RT (Nga) dẫn nguồn báo cáo trên Tạp chí Cấy ghép Mỹ đưa tin người nhận tạng giấu tên mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Người hiến tặng là một phụ nữ đã tử vong sau khi bị chấn thương sọ não trong một tai nạn xe hơi.

Cuộc phẫu thuật đã được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Ann Arbor, bang Michigan vào giữa năm 2020. Mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, ba ngày sau khi phẫu thuật, người nhận tạng bị sốt, tụt huyết áp và khó thở. Nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu sốc nhiễm trùng, các bác sĩ đã quyết định xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Ukraine mua thêm vaccine ngừa COVID-19 của Novavax, Mỹ

Ngày 22/2, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov cho biết nước này đã nhất trí nâng số lượng vaccine ngừa COVID-19 đặt mua của hãng Novavax (Mỹ) lên 15 triệu liều.

Hãng dược phẩm GSK và Sanofi thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 22/2, hãng dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh và Sanofi của Pháp thông báo đã bắt đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng mới đối với một ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 và đặt mục tiêu tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào quý II/2021.

Israel tham vọng trở thành nước đầu tiên phát triển thuốc chữa COVID-19

Là nước hoàn thành tiêm chủng cho trên 4 triệu người trong tổng số 9 triệu dân, Israel đang đặt ra tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên tìm ra phương thuốc chữa trị COVID-19.

Kinh tế Indonesia sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ quý II/2021

Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nhân dân Indonesia (BRI), ông Anton Hendranata, Chương trình Phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) của chính phủ nước này mặc dù được đánh giá là đã có tác động tích cực đến việc khôi phục kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tuy nhiên với những tác động của đại dịch, nền kinh tế Indonesia có thể vẫn suy thoái trong quý I/2021.

Australia điều tra thời gian miễn dịch kéo dài sau tiêm chủng ngừa COVID-19

Các nhà khoa học Australia đã tiến hành điều tra sự miễn dịch được duy trì trong bao lâu sau khi tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, điều sẽ tác động lớn đến khả năng tái nhiễm và việc phát triển vaccine.

Hàng trăm nghìn học sinh Đức trở lại trường học

Sau hai tháng nghỉ học nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, ngày 22/2, hàng trăm nghìn học sinh Đức đã được quay trở lại trường học.

Theo truyền thông địa phương, các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ đã được mở cửa trở lại tại 10 khu vực của Đức, trong đó có thủ đô Berlin và bang đông dân nhất của nước này North-Rhine Westphalia. Hầu hết các trường đều hạn chế việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 quay trở lại trường học. Sĩ số lớp cũng giảm 50%, và các học sinh đều phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang và mở cửa lớp học.

hoc-sinh-duc-2222021.jpg
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trong lớp học tại Dortmund, miền tây nước Đức, ngày 22/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Italy kéo dài biện pháp hạn chế đi lại

Chính phủ Italy ngày 22/2 đã thông báo gia hạn lệnh cấm đi lại không cần thiết giữa 20 vùng của nước này cho đến ngày 27/3 trong bối cảnh nước này đang nỗ lực làm chậm tốc độ lây nhiễm của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Anh thông báo lộ trình mở lại một số hoạt động ở England

Ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Anh phụ trách công tác tiêm chủng vaccine Nadhim Zahawi thông báo các trường học ở England sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/3, trong khi hai gia đình, tương đương với 6 người, có thể gặp gỡ bên ngoài kể từ ngày 29/3.

Campuchia vẫn duy trì các hoạt động xã hội sau 'sự cố cộng đồng'

Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình quốc gia Campuchia (TVK) sáng 22/2, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nêu rõ các hoạt động xã hội vẫn được phép diễn ra bình thường, nhưng cần phải thắt chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, sau đợt bùng phát lây nhiễm cộng đồng lần thứ ba.

Chính phủ Đức cân nhắc từng bước thận trọng dỡ bỏ phong tỏa

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/2 đã lên tiếng ủng hộ việc từng bước thận trọng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hiện nay, theo đó sẽ đưa ra lộ trình 3 cấp để dỡ bỏ phong tỏa.

Đại sứ Italy thiệt mạng khi đoàn xe của LHQ bị tấn công tại CHDC Congo

Bộ Ngoại giao Italy ngày 22/2 cho biết Đại sứ nước này tại CHDC Congo, ông Luca Attanasio, và một sĩ quan quân cảnh đã thiệt mạng khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào đoàn xe của Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) ở miền Đông Congo. Cùng ngày, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã lên án cuộc tấn công nói trên.

Phái đoàn UAE, Qatar gặp nhau lần đầu sau khi khôi phục quan hệ

Hãng thông tấn nhà nước WAM của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đưa tin phái đoàn của UAE và Qatar đã gặp nhau tại Kuwait trong ngày 22/2.

Đây là lần đầu tiên giới chức hai nước gặp mặt kể từ khi thỏa thuận Al-Ula về hòa giải giữa thế giới Arab với Qatar được ký kết hồi tháng trước nhằm chấm dứt rạn nứt trong quan hệ kéo dài hơn 3 năm qua.

Iraq: Thủ đô Baghdad lại bị tấn công bằng tên lửa

Ngày 22/2, truyền thông Trung Đông dẫn các nguồn tin quân sự và an ninh cho biết, một loạt tên lửa đã nhằm mục tiêu vào khu vực an ninh cao ở thủ đô Baghdad của Iraq, nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ.

Đây là là vụ tấn công thứ 3 bằng tên lửa trong tuần nhằm vào các cơ sở ngoại giao, quân sự hoặc thương mại của phương Tây trên khắp Iraq sau nhiều tháng tương đối bình yên.

Anh tạm thời hạn chế máy bay dòng Boeing 777 bay vào không phận

Ngày 22/2, Anh tuyên bố tạm thời không cho các máy bay Boeing 777 có cùng loại động cơ với chiếc máy bay vừa bị cháy tại Mỹ hôm 20/2 bay vào không phận Anh.

Trước đó, trong thông báo ngày 21/2, Boeing đã khuyến nghị tạm dừng khai thác 128 chiếc máy bay B777 trên toàn thế giới cho đến khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đưa ra bản hướng dẫn kiểm tra.

Boeing xác nhận tạm dừng hoạt động toàn bộ 128 máy bay dòng 777  

Ngày 22/2, Tập đoàn Boeing xác nhận toàn bộ 128 máy bay Boeing 777 có trang bị động cơ Pratt &Whitney 4000 (PW4000), tương tự động cơ gây ra sự cố máy bay của hãng United Airlines, đã dừng hoạt động.

Hôm 20/2, chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không United Airlines chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn bị hỏng động cơ không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Denver đến Honolulu (Hawaii). Máy bay đã hạ cánh an toàn và không hành khách nào thương vong.

Hai hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc tạm ngừng sử dụng máy bay Boeing 777

Hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc là Korean Air Lines và Asiana Airlines ngày 22/2 cho biết sẽ ngừng sử dụng toàn bộ máy bay chở khách Boeing 777 sau khi xảy ra một sự cố lỗi động cơ gần đây tại Mỹ.

Máy bay Boeing ở Hà Lan bị cháy động cơ, rơi mảnh vỡ xuống khu dân cư

Giới chức hàng không Hà Lan đang điều tra về việc một máy bay chở hàng loại Boeing 747 bị rơi các mảnh kim loại ngay sau khi cất cánh khiến 2 người bị thương.

Số người chết vì giá rét bất thường ở Mỹ tăng lên 58

Truyền thông Mỹ ngày 22/2 đưa tin, đợt lạnh kỷ lục đã khiến phần lớn nước Mỹ rơi vào tình trạng giá rét ngay cả ở những khu vực vốn ấm áp và khiến ít nhất 58 người thiệt mạng liên quan đến ngộ độc khí carbon monoxide (CO), tai nạn ô tô, cháy nhà và hạ thân nhiệt.

Hơn một nửa trong số đó, gồm 32 người, là cư dân ở bang Texas, nơi người dân phải trải qua tình trạng mất điện và thiếu nước liên tục giữa thời tiết khắc nghiệt.

Hàng chục cá voi bị mắc kẹt trên bờ biển New Zealand

Các nhân viên cứu hộ ngày 22/2 đang chạy đua với thời gian để cứu hàng chục con cá voi hoa tiêu bị mắc kẹt trên một đoạn bờ biển New Zealand nổi tiếng về những vụ mắc kẹt hàng loạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 23/2: Mỹ treo cờ rủ 5 ngày tưởng niệm hơn nửa triệu người chết vì COVID-19