Thủ tướng Thụy Điển từ chức vài giờ sau khi được bầu; Tổng thống Putin đã thử nghiệm vaccine COVID-19 dạng xịt của Nga; Nhóm bác sĩ Mỹ mắc COVID-19 sau khi dự hội nghị bài vaccine… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Thủ tướng Thụy Điển từ chức vài giờ sau khi được bầu
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Chính phủ Thụy Điển Magdalena Andersson, người vừa được bầu trước đó vài giờ hôm 24/11, đã thông báo quyết định từ chức do không nhận được sự ủng hộ của đảng Xanh trong liên minh cầm quyền.
Báo chí Đức dẫn lời bà Andersson phát biểu tại Stockholm ngày 24/11 cho biết, bà đã đề nghị Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlén bãi nhiệm chức vụ của bà, song bà vẫn mong muốn trở lại đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Chính phủ quốc gia Bắc Âu. Chủ tịch Quốc hội Norlén đã chấp thuận đề nghị từ chức của bà Andersson, đồng thời cho biết, sẽ liên lạc với các nhà lãnh đạo đảng để thảo luận về vấn đề này và sẽ thông báo về bước đi tiếp theo trong ngày 25/11.
Nhật Bản, Anh phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút, Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Anh, bà Liz Truss, hai bên đã khẳng định phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các chính đảng tại Đức hoàn tất thỏa thuận thành lập chính phủ
Hai tháng sau khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức, ngày 24/11, liên minh "đèn giao thông" (đỏ - vàng - xanh) gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng về nhất trong cuộc bầu cử ngày 26/9 vừa qua, cùng đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh tuyên bố cơ bản hoàn tất thỏa thuận thành lập chính phủ, nhất trí bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, 63 tuổi, làm thủ tướng.
Tổng thống Putin đã thử nghiệm vaccine COVID-19 dạng xịt của Nga
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông là một trong những người đầu tiên đã thử nghiệm loại vaccine COVID-19 qua đường mũi của Nga.
Loại vaccine COVID-19 dạng xịt qua đường mũi đang được Viện Gamaleya thử nghiệm lâm sàng trên các tình nguyện viên. Loại vaccine này có một số lợi thế so với loại truyền thống là tạo thêm khả năng bảo vệ cho phổi, cơ quan chịu tác động mạnh bởi virus SARS-CoV-2. Hơn thế nữa, người dân có thể tự sử dụng loại vaccine này.
ECDC khuyến nghị tiêm liều vaccine tăng cường cho tất cả người trưởng thành
Ngày 24/11, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Liên minh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon cho rằng cần cân nhắc tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho tất cả người trưởng thành, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi. Đây là một thay đổi quan trọng trong quan điểm của cơ quan này.
Italy dự kiến tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi từ tháng 12
Ngày 24/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Pierpaolo Sileri tuyên bố nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ tháng 12.
Trước đó, sáng 24/11, ông Giorgio Palù, người đứng đầu cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA), cho biết nước này có thể cấp phép cho các loại vaccine dành cho trẻ 5-11 tuổi sớm nhất là vào ngày 29/11, nếu Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ra quyết định về vấn đề trên trong tuần này. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên đã được phép tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Hy Lạp khuyến nghị EU về việc tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19
Ngày 24/11, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã đề xuất rằng Ủy ban châu Âu (EC) nên quy định việc tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 là điều kiện để người dân châu Âu có thể đi lại tự do trong khối, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh.
Canada phê duyệt đầy đủ vaccine của hãng Johnson & Johnson
Ngày 24/11, hãng dược Johnson & Johnson của Mỹ cho biết Canada đã phê duyệt đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 của hãng này - loại vaccine 1 liều duy nhất được sử dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson cũng là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 được Canada phê duyệt đầy đủ, sau vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech.
Thụy Điển mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường
Giới chức y tế và Chính phủ Thụy Điển ngày 24/11 thông báo nước này sẽ bắt đầu từng bước mở rộng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho tất cả người trưởng thành trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng trên khắp châu Âu.
Hiện mũi tăng cường bằng vaccine công nghệ mRNA đã được áp dụng với người từ 65 tuổi trở lên tại Thụy Điển. Sắp tới, chương trình này sẽ được mở rộng ra các nhóm có nguy cơ, người từ 50 tuổi trở lên, trước khi áp dụng với tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên.
Mexico cân nhắc tiêm mũi thứ ba cho một số đối tượng
Ngày 23/11, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador thông báo quốc gia này sẽ xem xét khả năng tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ nhân viên y tế cùng các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi.
Chuyên gia: Ý thức người dân giúp kéo giảm số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản
Thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm và cũng đã ghi nhận ngày không ghi nhận ca mắc tử vong nào do COVID-19.
Theo ông Takeshi Urano - giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane - có nhiều yếu tố kết hợp để giải thích sự thay đổi đang diễn ra ở Nhật Bản, trong đó phải kể đến tâm lý luôn cảnh giác của người dân và đặc tính trong quá trình biến đổi gene của virus.
Singapore và Malaysia mở lại biên giới trên bộ cho những người đã tiêm phòng COVID-19
Ngày 24/11, Singapore và Malaysia thông báo vào tuần tới sẽ triển khai luồng du lịch trên bộ, cho phép những người đã tiêm phòng COVID-19 đi qua cửa khẩu biên giới hai nước mà không cần phải cách ly. Kế hoạch dự kiến có hiệu lực vào ngày 29/11 tới.
Indonesia siết chặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng
Ngày 24/11, Chính phủ Indonesia chính thức thông báo áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 đồng loạt trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Chính quyền trung ương Indonesia yêu cầu lãnh đạo các địa phương siết chặt và giám sát việc triển khai các quy định phòng dịch COVID-19 theo PPKM cấp độ 3 tại các nhà thờ, khu mua sắm và các điểm du lịch. Tất cả các quảng trường trên cả nước cũng bị cấm mở cửa trong những ngày lễ cuối năm, trong khi nhà thờ, các điểm thu hút khách du lịch, trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim có thể mở cửa với 50% công suất tối đa.
Campuchia công bố các biện pháp phòng dịch mới đối với người nhập cảnh
Báo Khmer Times dẫn thông báo của Bộ Y tế và Ủy ban liên Bộ chống COVID-19 của Campuchia nêu rõ du khách đã tiêm phòng COVID-19 đủ mũi cần có giấy chứng nhận tiêm phòng và giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia do cơ quan y tế nước ngoài, hoặc nước khách quá cảnh cấp.
Khi đến Campuchia, du khách phải thực hiện xét nghiệm nhanh và chờ kết quả. Nếu kết quả âm tính, du khách không cần cách ly mà được tự do đi lại. Người có kết quả dương tính phải đi điều trị COVID-19 tại cơ sở do Bộ Y tế Campuchia chỉ định.
Nhóm bác sĩ Mỹ mắc COVID-19 sau khi dự hội nghị bài vaccine
Một nhóm bác sĩ đã nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc xuất hiện triệu chứng chỉ trong vài ngày sau khi dự hội nghị phản đối vaccine tại bang Florida (Mỹ) vào đầu tháng này.
Tờ Guardian (Anh) cho biết hội nghị được tổ chức tại thành phố Ocala, những người đến dự đều có quan điểm phản đối vaccine COVID-19.
Slovakia quyết định bán phong tỏa 2 tuần
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, Chính phủ Slovakia đã quyết định áp dụng lệnh bán phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần kể từ ngày 25/11, trong đó yêu cầu các nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà từ 1h00-5h00 trong trường hợp đặc biệt.
Bệnh viện Nga mời người phản đối vaccine tới khu bệnh nhân COVID-19 và nhà xác
Ngày 24/11, các giám đốc của hơn chục bệnh viện chuyên khoa ở nhiều thành phố Nga như Moscow St. Petersburg và Sochi đã công bố bức thư ngỏ gửi 12 người bài vaccine nổi tiếng, trong đó mời những người này tới thăm các khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nhà xác.
Trong số đó có lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất Nga là ông Gennady Zyuganov; Chủ tịch đảng Fair Russia là ông Sergey Mironov; Phó chủ tịch Hạ viện Pyotr Tolstoy; lãnh đạo phong trào “Essence of Time” Sergei Kurginyan; nữ diễn viên Maria Shukshina; ca sĩ Natalia Vetlia; ca sĩ Katya Lel; nam diễn viên Egor Beroev; nam diễn viên Oskar Kuchere; lãnh đạo tổ chức Alisa là Konstantin Kinchev; và nhạc sĩ Yuri Loza.
Nga và Ukraine tập trận trong cùng một ngày
Máy bay quân sự và chiến hạm Nga luyện tập trên Biển Đen ngày 24/11. Cùng thời điểm, nước láng giềng Ukraine cũng tổ chức tập trận.
Hãng Interfax ngày 24/11 đưa tin Nga đã tập trận phản công oanh tạc trên không nhằm vào căn cứ hải quân. Interfax trích thông báo từ Hạm đội Biển Đen của Nga cho biết: “Một đội gồm 10 máy bay quân sự và chiến hạm thuộc căn cứ hải quân Novorossiysk của Hạm đội Biển Đen đa tham gia sự kiện huấn luyện chiến đấu này”.
Ukraine triển khai chiến dịch đặc biệt gần biên giới Belarus
Ngày 24/11, Cơ quan Biên phòng Ukraine cho biết nước này đã bắt đầu một "chiến dịch đặc biệt" ở gần biên giới với Belarus nhằm tăng cường an ninh và ngăn chặn dòng người di cư từ bên kia biên giới.
Cơ quan trên cho hay chiến dịch đặc biệt này có sự tham gia Lực lượng Vệ binh quốc gia, cảnh sát, các lực lượng vũ trang và một số đơn vị khác. Ngoài ra, máy bay và máy bay không người lái cũng sẽ được triển khai để tuần tra và giám sát trong chiến dịch này.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc thấp kỷ lục
Theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 24/11, số trẻ mới sinh ở Hàn Quốc trong quý III/2021 là 66.563 em, giảm 3,4% so với một năm trước đó. Đây là mức thống kê theo quý thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được tổng hợp vào năm 1981.
Thực trạng này làm dấy lên mối lo ngại về cái gọi là “vực thẳm nhân khẩu học” (thuật ngữ chỉ tình trạng dân số già ở các nước phát triển gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế vì không đủ nhân lực để thay thế).
Hàng hóa của Thái Lan được miễn thuế nhập khẩu vào nhiều nước RCEP
Ngày 23/11, Thái Lan thông báo 5 thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia sẽ bỏ thuế nhập khẩu với một số sản phẩm từ Thái Lan và các nước ASEAN khác sau khi thỏa thuận thương mại tự do này có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
IEA hối thúc OPEC+ giúp hạ giá dầu
Ngày 24/11, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol đã kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đưa ra những biện pháp nhằm giúp hạ giá dầu xuống "mức hợp lý".
Người đứng đầu IEA, tổ chức quy tụ những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ, cũng cho rằng Nga có thể dễ dàng tăng xuất khẩu sang châu Âu khoảng 15% và làm dịu đáng kể thị thường khí đốt châu Âu.