Campuchia sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13; WHO cảnh báo châu Âu có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong do COVID-19 vào mùa xuân tới; Người từ chối tiêm chủng ở Áo sẽ bị phạt 4.000 USD… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Campuchia sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13
Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 23/11 thông báo nước này sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 vào ngày 25 và 26/11 dưới hình thức trực tuyến.
Hội nghị ASEM lần thứ 13 sẽ do Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen chủ trì với sự tham dự của người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ, cũng như đại diện cấp cao tới từ 51 quốc gia ASEM, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Tổng Thư ký ASEAN.
Tổng thống Biden lệnh xuất 50 triệu thùng dầu dự trữ để hạ nhiệt giá xăng dầu
Nhà Trắng ngày 23/11 thông báo Bộ Năng lượng Mỹ sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách kiểm soát giá các mặt hàng nhiên liệu tại Mỹ.
Trong 50 triệu thùng này, 32 triệu thùng thuộc diện “mượn tạm” và sẽ được đưa trở lại kho dự trữ trong những năm tới một khi giá nhiên liệu bình ổn trở lại, để bảo đảm dự trữ chiến lược. 18 triệu thùng còn lại được đưa ra thị trường dưới góc độ chính quyền tăng cường bán dầu theo thẩm quyền được Quốc hội cho phép.
Nga tuyên bố sẽ cùng Belarus đáp trả các hành động khiêu khích
Ngày 23/11, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia LB Nga Nikolai Patrushev cho biết nước này cùng với Belarus sẽ tiếp tục "đáp trả thích đáng trước các hành động khiêu khích, kể cả các hoạt động quân sự" dọc biên giới hai nước này với các nước khác.
Ông Sheikh Sabah al-Khalid được tái bổ nhiệm làm thủ tướng Kuwait
Truyền thông Kuwait ngày 23/11 đưa tin ông Sheikh Sabah al-Khalid đã được tái bổ nhiệm làm thủ tướng nước này và được giao nhiệm vụ thành lập nội các mới lần thứ ba trong năm nay.
Tổng Giám đốc IAEA mong muốn tăng cường hợp tác với Iran
Ngày 23/11, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi bắt đầu tiến hành đàm phán với giới chức Iran, một tuần trước khi các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được nối lại.
WHO cảnh báo châu Âu có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong do COVID-19 vào mùa xuân tới
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu dự đoán khu vực gồm 53 quốc gia này có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong mới do COVID-19 vào mùa xuân tới.
WHO khu vực châu Âu chỉ rõ 3 yếu tố dẫn tới việc số ca tử vong gia tăng: đó là biến thể siêu lây nhiễm Delta, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách tại địa điểm công cộng và một bộ phận lớn người dân châu Âu chưa tiêm vaccine. Trước tình hình này, chuyên gia WHO kêu gọi người dân tại châu lục này đi tiêm chủng, tuân thủ các biện pháp kiểm dịch, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
EU cập nhật chứng chỉ COVID-19 để đảm bảo việc đi lại của công dân
Liên minh châu Âu (EU) sẽ cập nhật chứng chỉ COVID-19 để đảm bảo việc đi lại của công dân không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế áp đặt ở một số quốc gia do sự bùng phát các trường hợp mắc bệnh trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides đang cập nhật các khuyến nghị và sẽ trình bày các đề xuất của mình trong những ngày tới. Bà cho biết đề xuất được thông qua trong tuần này sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU mà khách du lịch mang theo.
Người dân giữ khoảng cách an toàn khi vào mua sắm tại một cửa hàng trên phố Kalverstraat, Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: AFP
Thái Lan đặt mua thêm 30 triệu liều vaccine Pfizer
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết Nội các đã tán thành kế hoạch ký "Thỏa thuận sửa đổi thứ ba về sản xuất và cung ứng" với Pfizer do Bộ Y tế đề xuất.
Theo ông Thanakorn, hãng Pfizer sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ quý I đến quý III năm sau. Thỏa thuận sẽ bao gồm việc cung cấp một thế hệ vaccine mới thích hợp cho trẻ em nếu hãng hoàn thành quá trình phát triển.
Lào đã tiêm vaccine cho 64,5% người trưởng thành
Thông báo của Trung tâm Thông tin và Giáo dục Y tế, Bộ Y tế Lào, cho biết đã có 64,5% người trưởng thành tại nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là một trong những bước chuẩn bị để Lào mở cửa trở lại đất nước trong thời gian tới.
Theo thông báo, Lào hiện đang sử dụng 6 loại vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân gồm vaccine Sputnik V, vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Johnson&Johnson.
Indonesia: Một nửa dân số tiêm ít nhất 1 liều vaccine
Theo Straits Times, Indonesia ngày 23/11 thông báo trên 135,4 triệu người dân nước này, tương đương một nửa dân số, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, đánh một dấu mốc quan trọng sau gần nửa năm thực hiện chương trình tiêm chủng.
Cũng theo số liệu do Bộ Y tế Indonesia công bố, 90,2 triệu người Indonesia đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chính phủ đã lên kế hoạch mở rộng mũi tăng cường, hiện đang được tiêm cho nhân viên y tế, ra toàn bộ dân số trưởng thành.
Người từ chối tiêm chủng ở Áo sẽ bị phạt 4.000 USD
Theo kế hoạch, trước tiên, nhà chức trách sẽ đưa ra một cuộc hẹn cho những người chưa tiêm mũi vaccine nào đi tiêm chủng. Nếu từ chối lời đề nghị, họ sẽ phải nhận mức phạt lên tới 4.000 USD. Kế hoạch dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Trước đó, chính phủ cũng cho biết nếu không nộp phạt hành chính, những người từ chối tiêm chủng thậm chí có thể phải nhận án tù.
Bồ Đào Nha phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 dạng ăn được
Các nhà khoa học tại Viện bách khoa Porto của Bồ Đào Nha đang phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 có thể ăn cùng các chất lỏng như sữa chua hoặc nước trái cây.
Người điều phối dự án nghiên cứu trên, Ruben Fernandes, cho biết chất tạo miễn dịch được bào chế từ thực vật và các vi sinh vật được sửa đổi gien có lợi cho sức khỏe. Những lợi khuẩn này là những chất tăng cường miễn dịch tự nhiên, nhưng ở loại vaccine nói trên, chúng được sử dụng để tạo ra một chất mới giúp miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2.
Hà Lan chuyển bệnh nhân sang Đức điều trị
Ngày 23/11, Hà Lan đã bắt đầu chuyển bệnh nhân COVID-19 của nước này sang Đức điều trị nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong nước.
Trong những tuần gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại các bệnh viện ở Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ kể từ tháng 5 và dự báo sẽ tiếp tục tăng do số ca mắc đang tăng lên mức cao nhất từ đầu dịch.
Campuchia: Thiệt hại kinh tế khoảng 2,3 tỷ USD do COVID-19
Ngày 23/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 gây thiệt hại cho Campuchia khoảng 2,3 tỷ trong khoảng 20 tháng qua.
Phát biểu nhân lễ khánh thành Cầu Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc Stung Trang-Kroch Chhmar nối tỉnh Kampong Cham và Tboung Khmum ngày 23/11, ông Hun Sen khẳng định Campuchia đã sử dụng ngân sách quốc gia để mua 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và hơn 14 triệu người dân nước này đã được tiêm phòng.
Tây Ban Nha đạt thỏa thuận cung cấp xét nghiệm kháng thể COVID-19 cho các nước đang phát triển
Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP) và Quỹ tiếp cận công nghệ phòng chống COVID-19 (C-TAP) của WHO đã đạt một thỏa thuận mở đường cho việc cấp phép sản xuất xét nghiệm kháng thể COVID-19 tại các quốc gia đang phát triển.
Trong một tuyên bố phát ngày 23/11, WHO nhấn mạnh thỏa thuận cấp phép trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và mua bán các xét nghiệm huyết thanh COVID-19 của CSIC trên toàn cầu.
Đức cân nhắc siết chặt các biện pháp chống dịch
Ngày 23/11, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã lên tiếng kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đã tăng cao kỷ lục và Mỹ đưa ra khuyến cáo không nên tới Đức.
Chế độ ăn kém dinh dưỡng gây hậu quả diện rộng trên thế giới
Gần 50% dân số thế giới hiện nay trong tình trạng dinh dưỡng kém vì ăn quá nhiều hoặc không đủ thức ăn. Đây là kết quả một báo cáo đánh giá toàn cầu về những tác động trên diện rộng với sức khỏe và Trái Đất của việc lựa chọn thực phẩm, được công bố ngày 23/11.
Nếu tình trạng hiện nay tiếp diễn, thế giới sẽ không thể đạt 8 trong số 9 mục tiêu dinh dưỡng mà WHO đề ra cho đến năm 2025, trong đó có các mục tiêu như giảm tình trạng suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em và giảm béo phì ở người lớn.
Iran nói 9 binh sĩ thiệt mạng trong các vụ đụng độ với hải quân Mỹ ở Vùng Vịnh
IRGC ngày 22/11 cho biết 9 binh sĩ của lực lượng này đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với hải quân Mỹ. Truyền thông Iran dẫn lời Tư lệnh Hải quân của IRGC – Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri, cho biết đã xảy ra nhiều vụ đối đầu trực tiếp với lực lượng Mỹ ở vùng Vịnh. Ông không cho biết thông tin chi tiết thời điểm xảy ra vụ việc, chỉ nói rằng có 9 binh sĩ Iran đã thiệt mạng.
IMF khuyến nghị El Salvador không nên sử dụng Bitcoin làm tiền tệ chính thức
Trong thông báo gửi tới El Salvador, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh do giá của Bitcoin có tính biến động cao, việc sử dụng Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp sẽ dẫn đến rủi ro lớn trong vấn đề bảo vệ khách hàng, minh bạch và ổn định tài chính.
Theo IMF, việc sử dụng Bitcoin cũng có nguy cơ tạo ra các khoản nợ tài chính bất ngờ, do đó, Bitcoin không nên được sử dụng làm tiền tệ hợp pháp.
Mảnh vỡ tên lửa của tỉ phú Elon Musk bay về phía Trạm vũ trụ quốc tế
Theo đài RT, trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/11, cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết một mảnh vỡ của tên lửa Falcon 9, do công ty vũ trụ tư nhân có trụ sở tại California của Elon Musk phóng vào năm 2019, sẽ bay gần với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong ngày 25/11.
Theo các chuyên gia Nga, khoảng cách tối thiểu giữa trạm ISS và vật thể này sẽ vào khoảng 5,5 km. Tuy nhiên, bất chấp điều này, “phi hành đoàn vẫn làm việc bình thường”, phía Nga cho biết.
Nga điều tàu hạt nhân giải cứu 18 tàu hàng mắc kẹt trong tuyết ở Bắc cực
Thời tiết xấu bất thường đã khiến nhiều tàu hàng mắc kẹt trong băng tuyết. Tuần trước, tàu phá băng hạt nhân Novorossisk đã chính thức lên đường tới vùng biển băng giá Chukchi để giải cứu các tàu bị kẹt. Theo công ty đóng tàu Vyborg Shipyard – tổ hợp đóng và hoàn thiện tàu Novorossisk, tàu phá băng đời mới này của Nga có thể di chuyển qua lớp băng dày tới 1,5m.
Lật phà ở Sri Lanka, ít nhất 6 người thiệt mạng
Ngày 23/11, Hải quân Sri Lanka xác nhận ít nhất 6 người thiệt mạng và 14 người khác đã được cứu trong một vụ lật phà ở miền Đông nước này.
Động đất ở ngoài khơi tỉnh Miyagi của Nhật Bản
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), ngày 23/11, một trận động đất có độ lớn 5 đã xảy ra ngoài khơi tỉnh Miyagi của nước này.
JMA cho biết động đất xảy ra vào lúc 18h48 giờ địa phương (16h48 giờ Việt Nam), tâm chấn ở độ sâu 50 km với vị trí ban đầu được xác định ở 38,9 độ vĩ Bắc và 142,3 độ kinh Đông.
Thành phố Bangalore của Ấn Độ bị ngập lụt do mưa lớn
Thành phố Bangalore của Ấn Độ đang trong tình trạng ngập lụt sau những trận mưa lớn đã làm nhiều người thiệt mạng ở miền Nam nước này trong vài tuần qua.
Nhà chức trách địa phương cho biết các hồ nước rải rác quanh thành phố đã tràn bờ sau 3 ngày mưa to, dẫn tới tình trạng các đường phố và nhà dân bị ngập lụt. Lực lượng cứu hộ đã sử dụng phao cứu sinh để giải cứu những người dân mắc kẹt trong lũ lụt, trong khi xe buýt và xe kéo có động cơ được sử dụng để chở người đi làm qua những khu vực nước sâu.