Đức cảnh báo làn sóng dịch thứ 5 vào mùa Đông; Áo- quốc gia châu Âu đầu tiên bắt buộc tiêm vaccine; Khả năng miễn dịch với COVID-19 của 60% dân số Mỹ đang suy giảm… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Đức cảnh báo làn sóng dịch thứ 5 vào mùa Đông
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu tạm lắng tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) ngày 20/11 đã cảnh báo những nguy cơ từ làn sóng thứ 5 vào mùa Đông này, khi chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày xét trên 100.000 dân ở Đức hiện ở mức cao kỷ lục.
Áo- quốc gia châu Âu đầu tiên bắt buộc tiêm vaccine
Áo sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với tất cả người dân. Tuyên bố trên được Thủ tướng Alexander Schallenberg đưa ra cùng với thông báo quốc gia Trung Âu này bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 trong ít nhất 10 ngày kể từ 22/11.
Chính phủ Áo đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để quy định tiêm vaccine bắt buộc nói chung có thể có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 và quy định này chỉ miễn trừ cho những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe.
Brazil đã tiêm phòng cho hơn 70% dân số
Bộ Y tế Brazil ngày 19/11 cho biết kể từ khi phát động chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 1 đến nay, nước này đã tiến hành tiêm hơn 300 triệu liều cho người dân và hiện đã có hơn 70% dân số được tiêm phòng từ một mũi trở lên.
Hơn một nửa dân số Iran đã được tiêm đầy đủ vaccine
Ngày 20/11, Bộ Y tế Iran cho biết hơn một nửa dân số của Iran đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Theo số liệu của Bộ Y tế Iran, hơn 44,2 triệu người trong tổng số 83 triệu dân của Iran đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi quốc gia Trung Đông này bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào tháng 2/2021. Trong khi đó, hơn 12,2 triệu người khác đã nhận được một liều vaccine.
Czech và Slovakia siết chặt quy định với người chưa tiêm vaccine
Từ ngày 22/11, Czech chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, tham dự sự kiện và sử dụng một số dịch vụ khác.
Tại Slovakia, lệnh hạn chế cũng tương tự như ở Czech với việc chỉ cho những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, cửa hàng bán đồ không thiết yếu hoặc các sự kiện công cộng. Các hạn chế mới có hiệu lực từ ngày 22/11.
Lào tiêm vaccine cho thanh thiếu niên
Chính phủ Lào mới đây đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi để có thể sớm mở cửa trở lại các trường học trên cả nước sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho thanh thiếu niên, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào hiện cũng đang gấp rút soạn thảo 10 điều kiện và các biện pháp liên quan đến kiểm soát COVID-19 trong trường học để có thể sớm mở lại các trường trên cả nước sau thời gian dài phải đóng cửa do đại dịch.
Thái Lan chuẩn bị vaccine cho năm 2022
Dự kiến, vào năm tới, Thái Lan sẽ có ít nhất 90 triệu liều vaccine, gồm 60 triệu liều của hãng AstraZeneca và 30 triệu liều của hãng Pfizer. Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ có thêm vaccine của hãng Novavax và các loại vaccine được sản xuất trong nước do Đại học Chulalongkorn, Tổ chức dược phẩm chính phủ (GPO) và Công ty Baiya Phytopharm phát triển.
Khả năng miễn dịch với COVID-19 của 60% dân số Mỹ đang suy giảm
Theo kênh NBC News, chỉ 40% người Mỹ đang ở mức miễn dịch mạnh nhất đối với COVID-19, trong bối cảnh các quan chức y tế nước này cảnh báo rằng khả năng miễn dịch suy giảm ở những người được tiêm chủng đang dẫn đến tình trạng gia tăng số ca nhập viện.
Khoảng 6/10 người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, nhưng hơn một nửa trong đó đã tiêm mũi cuối cùng cách đây hơn 6 tháng, ngưỡng khuyến nghị hiện tại về việc tiêm mũi tăng cường đối với những người sử dụng vaccine của Moderna hoặc Pfizer. Con số này kết hợp với 100 triệu người Mỹ chưa được tiêm chủng cho thấy khoảng 60% dân số đang bước vào những tháng mùa đông với khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 giảm.
Singapore bước vào giai đoạn 2 mở cửa nền kinh tế
Với số ca mắc mới COVID-19 theo ngày có chiều hướng giảm, Singapore đã quyết định kết thúc “giai đoạn bình ổn”, được triển khai từ ngày 27/9 tới nay sau khi dịch tái bùng phát do mở cửa, và bước vào giai đoạn 2 mở cửa nền kinh tế.
Thông báo trên được Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của nước này đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 20/11. Cụ thể, "giai đoạn bình ổn" tại Singapore sẽ kết thúc vào ngày 21/11 và giai đoạn 2 - được gọi là "giai đoạn chuyển tiếp", trong đó nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội - sẽ bắt đầu tiếp
Chile sẵn sàng cho cuộc tổng tuyển cử
Hơn 15 triệu cử tri Chile đủ điều kiện được kêu gọi tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử quan trọng ngày 21/11 (giờ địa phương) nhằm lựa chọn ra vị Tổng thống mới sẽ dẫn dắt đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới, các nghị sỹ tại hai viện của Quốc hội và đại diện tại các hội đồng địa phương.
Cũng trong cuộc tổng tuyển cử này, các cử tri sẽ bỏ phiếu để lựa chọn 155 nghị sỹ tham gia vào Hạ viện và 27 trong tổng số 50 đại diện tại Thượng viện, cũng như 302 đại diện tại các hội đồng địa phương.
Azerbaijan nhất trí tham gia cuộc gặp cấp cao với Armenia
Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngày 20/11 thông báo nước này đã đồng ý tham gia cuộc gặp cấp cao với Armenia do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian.
Bộ trên nêu rõ Azerbaijan luôn để ngỏ đối thoại chính trị và hoan nghênh những cuộc tiếp xúc như vậy.
Phái đoàn LHQ thăm biên giới Ba Lan - Belarus
Ngày 20/11, một phái đoàn của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã đến thăm trung tâm hậu cần gần biên giới Belarus-Ba Lan, nơi những người tị nạn đang tạm trú.
Đại diện UNHCR tại Belarus, Mulusew Mamo bày tỏ lo ngại rằng những người tị nạn trong khu tạm trú ở Bruzgi thiếu nhiều vật dụng cần thiết và hứa LHQ và Hội Chữ thập đỏ sẽ thực hiện các bước để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo nói Nhật Bản cần mở rộng hợp tác với AUKUS
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo kêu gọi Nhật Bản mở rộng hợp tác quốc phòng với Australia, đồng thời cho rằng Tokyo cần hợp tác với quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Anh-Astralia (AUKUS) trên các lĩnh vực như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ lượng tử.
Ông Abe, người vẫn có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ trong liên minh cầm quyền tại Nhật Bản, đưa ra bình luận trên trong bối cảnh tân Thủ tướng Fumio Kishida ngay sau đó.cho công bố gói kích thích kinh tế trị giá 490 tỉ USD, trong đó có 9,25 tỉ USD chi cho quốc phòng.
Mỹ cảnh báo Iran về thỏa thuận hạt nhân
Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cảnh báo rằng Tehran đang tiệm cận ngưỡng "không thể quay trở lại" để khôi phục thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) sau khi nước này tăng cường dự trữ urani làm giàu trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc về việc khôi phục JCPOA dự kiến nối lại vào ngày 29/11 tới.
FDA Mỹ lần đầu tiên phê chuẩn thuốc cải thiện chiều cao cho trẻ bị lùn
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 19/11 lần đầu tiên phê chuẩn một loại thuốc giúp cải thiện chiều cao cho những trẻ em lùn.
Thuốc Voxzogo, do công ty dược phẩm BioMarin của Mỹ sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ để điều trị cho những bé trên 5 tuổi mắc chứng bệnh sụn không phát triển, còn gọi là achondroplasia. Quyết định này đồng nghĩa với việc những trẻ em có dị tật trên vẫn có cơ hội tăng trưởng chiều cao.
Anh đẩy nhanh việc trục vớt máy bay F-35B rơi xuống Địa Trung Hải
Nhằm tránh nguy cơ các bí mật công nghệ rơi vào tay nước ngoài, Bộ Quốc phòng Anh đang đẩy nhanh công tác trục vớt máy bay phản lực F-35B bị rơi xuống Địa Trung Hải ngay sau khi cất cánh từ tàu sân bay Queen Elizabeth ngày 17/11, khi đang trở về Anh qua Địa Trung Hải sau chuyến hải trình tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Iran tạm giữ một tàu nước ngoài tại Vùng Vịnh
Các phương tiện truyền thông địa phương ngày 20/11 đưa tin Hải quân Iran đã bắt giữ một tàu nước ngoài ở vùng Vịnh nghi buôn lậu dầu diesel.
Hãng Sputnik (Nga) đưa tin con tàu có 11 thủy thủ đã bị bắt giữ để điều tra. Phía Iran không công bố quốc tịch của con tàu.
Trung Quốc phạt một loạt người khổng lồ công nghệ gồm Alibaba, Baidu, Tencent
Theo CNBC, Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc cho biết họ phạt Alibaba, Tencent, Baidu, JD.com và một số công ty khác vì đã không khai báo 43 giao dịch kể từ năm 2012 với cơ quan chức năng, tuyên bố các công ty này vi phạm luật chống độc quyền.
Mỗi doanh nghiệp liên quan đến vụ việc trên bị phạt 500.000 nhân dân tệ (78.000 USD), mức tối đa theo Luật chống độc quyền năm 2008 của Trung Quốc. Như vậy, tổng cộng trong đợt phạt này, cơ quan quản lý của Trung Quốc yêu cầu các công ty nộp phạt tổng cộng 21,5 triệu nhân dân tệ.
Cháy lớn ở trung tâm Paris
Chiều 20/11 (giờ Việt Nam), một đám cháy lớn đã xảy ra tại một tòa nhà trên đại lộ Capucines, gần Quảng trường L'Opera ở trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây cháy.